Tháng 6 năm nay là Tháng hành động vì trẻ em, đồng thời với việc Luật Trẻ em có hiệu lực thi hành, là cơ sở pháp lý cao nhất để trẻ em có quyền hưởng thụ những quyền lợi mà xã hội đã xác lập và dành cho các em. Để luật này đi vào cuộc sống, toàn xã hội và mỗi chúng ta cần chung tay hành động và có những việc làm thiết thực vì con trẻ.

leftcenterrightdel
Trẻ em có quyền hưởng thụ những quyền lợi mà xã hội đã xác lập và dành cho các em. Ảnh minh họa.

Cách đây chưa lâu, những người bạn của tôi trong nhóm cựu học sinh Hà Nội niên khóa 1992-1995 đã mở ra những lớp dạy bơi miễn phí dành cho trẻ em nhân dịp hè. Lớp chỉ dạy duy nhất một kiểu “bơi ếch” để chống đuối nước, nhằm giúp các em bình tĩnh đối phó khi tình huống không may xảy ra. Phụ huynh của các em đều cảm thấy phấn khởi. Một hoạt động khác cũng được nhiều hội phụ huynh học sinh các trường tiểu học triển khai rất rôm rả. Đó là các trại hè thiếu nhi, do hội cha mẹ học sinh tổ chức. Họ kêu gọi những người lớn có kỹ năng giúp đỡ trại hè bằng những bài giảng. Đơn cử như tôi là bộ đội, có thể giúp các em học kỹ thuật mắc tăng võng, cắm trại. Tôi rất háo hức khi được truyền kỹ năng này cho các em.

Có một kiểu “trại hè” khác đơn giản mà thiết thực hơn rất nhiều, đó là đưa con em từ thành phố về vùng nông thôn. Thật may mắn khi nông thôn của chúng ta ngày một an toàn và nhiều tiện ích. Các em lại có thời gian gần gũi với ông bà, họ hàng… Song không phải gia đình nào cũng có quê ở vùng nông thôn, thế nên nhiều người lại gửi con em mình về quê của bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp thân thiết. Giúp trẻ em có được trải nghiệm cuộc sống ở nông thôn là một điều rất thú vị và tuyệt vời. Tuy vậy, thực tế cũng có không ít rào cản. Thứ nhất là từ phía trẻ em. Có một bộ phận không nhỏ trẻ em trong xã hội vẫn còn lười vận động, sợ tham gia các hoạt động ngoài trời, thậm chí ngại giao tiếp. Biểu hiện dễ thấy là các em bị lệ thuộc quá nhiều vào ti vi và các thiết bị điện tử, thích chơi một mình. Thứ hai là từ phía người lớn. Chính những bậc ông bà, cha mẹ của trẻ lại lo lắng thái quá cho con em mình. Đã đành lường trước những nguy cơ là điều cần thiết, song nếu cứ đùm bọc mãi thì chính các em lại khó trưởng thành. Và rào cản nữa là thái độ xã hội. Đôi khi nhiều gia đình chấp nhận “nhốt” con trong nhà suốt mấy tháng hè chỉ vì chính các bậc cha mẹ cũng không có đủ bạn bè, người thân, các quan hệ xã hội đáng tin cậy để gửi gắm con em mình; hoặc chính người lớn cũng bàng quan, thiếu quan tâm tới trẻ em, không biết giúp trẻ có được những trải nghiệm, ký ức đẹp của tuổi thơ.

Bài thơ "Trẻ em" của Bác Hồ viết vào những năm “nước mất, nhà tan”, trẻ em cũng phải chịu thiệt thòi, nhiều em phải lìa cha, lìa mẹ, thân phận xót xa cơ hàn. Trong hoàn cảnh đó, trẻ em cũng chia sẻ, gánh vác vận mệnh hết sức lớn lao của dân tộc. Bác Hồ viết: "Kẻ lớn cứu quốc đã đành/ Trẻ em cũng phải ra dành một vai/ Bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây/ Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng". Ngày nay, nước nhà đã độc lập, phần đông người dân có đời sống ấm no, xã hội dành cho các em bao điều tốt đẹp. Vì vậy, chúng ta cần vượt qua những rào cản để nuôi dưỡng trẻ em, ươm trồng những "mầm non" cho đất nước.

NGUYÊN PHONG