Dạy người, suy cho cùng đó là làm cho phần “người” ngày càng chi phối, lấn át phần “con”, bảo đảm cho mặt xã hội phải lớn lên, phát triển, hoàn thiện so với mặt sinh học trong mỗi cá nhân con người.
 |
Một giờ tập thể dục của học sinh tiểu học. Nguồn internet
|
Thời gian gần đây, câu chuyện dạy người lại được xới xáo trên nhiều diễn đàn, tọa đàm, hội thảo của ngành giáo dục. Bởi chưa bao giờ vấn đề đạo đức, lối sống của giới trẻ nói chung, của học sinh nói riêng thời nay có nhiều chuyện đáng nói, đáng bàn đến thế. Ngoài những vấn đề mà xã hội cảnh báo như bạo lực học đường, vị thành niên phạm pháp, các nhà giáo dục, nhà tâm lý cũng lên tiếng về những biểu hiện lệch lạc mới của trẻ em như thái độ vô cảm, thói ích kỷ, thích sống ảo, a dua theo những trào lưu quái dị trên mạng xã hội… đang có xu hướng gia tăng. Căn nguyên, một mặt do nhiều nhà trường, giáo viên coi trọng trang bị kiến thức hơn dạy đạo đức, lối sống cho học sinh; mặt khác, do nhiều phụ huynh coi nhẹ việc giáo dục ý thức, nếp sống đạo đức, văn hóa lành mạnh cho trẻ em ngay từ trong gia đình mình. Trong khi đó, sự du nhập ồ ạt, thiếu kiểm soát các sản phẩm văn hóa ngoại lai và những mặt trái của thời đại công nghệ số đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nhân cách của một bộ phận giới trẻ và học sinh, sinh viên.
Như muốn nhắc nhở nhằm tạo sự chuyển biến căn bản việc dạy “làm người” trong các cơ sở giáo dục, mới đây, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh ngay từ khi bước vào năm học mới 2019-2020. Một trong những yêu cầu đặt ra là hướng dẫn, yêu cầu học sinh thực hiện tốt hơn các hoạt động như chào cờ, hát Quốc ca, tập thể dục giữa giờ, trực nhật, dọn vệ sinh trường, lớp, nói lời hay, làm việc tốt, kính thầy yêu bạn, tham gia giúp việc gia đình và làm những việc có ích cho cộng đồng, xã hội…
Thực ra, việc dạy một em nhỏ viết chữ đúng chính tả, ngữ pháp, biết làm các phép tính cộng, trừ, nhân, chia, đọc thuộc vài ba bài thơ, đoạn văn, nhớ một số sự kiện, nhân vật lịch sử… không quá khó đối với các thầy, cô giáo và cha mẹ các em. Cái khó là rèn luyện, hướng dẫn, dạy bảo các em nết ăn, nết ở, nếp sống, nếp sinh hoạt, nếp ứng xử sao cho đúng mực, văn hóa ở mọi lúc, mọi nơi. Hơn thế, phải giáo dục làm sao để mỗi học sinh luôn có thái độ ủng hộ, cổ vũ, noi theo những điều tốt, việc tốt, đồng thời biết phòng ngừa, tránh xa và không a dua những điều xấu, việc xấu.
Trong giáo dục đạo đức, lối sống học sinh, phương thức hiệu quả nhất là sự nêu gương của chính thầy, cô giáo, cha mẹ các em và đội ngũ cán bộ đoàn, đội. “Hữu xạ tự nhiên hương”. Từ những lời nói hay, cử chỉ đẹp, việc làm ân nghĩa, lối sống giản dị, phong cách ứng xử văn minh của các bậc ông bà, cha mẹ, thầy cô luôn có sức tác động, thẩm thấu, lan tỏa vào nếp sống, nếp nghĩ hằng ngày của thế hệ trẻ.
Nói đến giáo dục đạo đức, lối sống là nói đến một quá trình giáo dục bền bỉ, thường xuyên, liên tục mà bất cứ sự ngắt quãng, bỏ trống nào trong gia đình, nhà trường, xã hội cũng đều tác động không thuận đến sự phát triển hài hòa nhân cách các em. Thấu hiểu sâu sắc điều này nên Bác Hồ đã ví sự nghiệp giáo dục là “trồng người”. Trồng cây đã vất vả, “trồng người” càng phải kiên trì, công phu hơn vì có trải qua một quá trình tinh lọc, chăm sóc, nâng niu, giữ gìn, bồi đắp những giá trị, chuẩn mực văn hóa trong cuộc sống, học tập, lao động thì các em học sinh mới dần “gột bỏ” được những thói quen, bản năng tầm thường để từng bước trưởng thành, hoàn thiện về phẩm chất nhân cách.
THIỆN VĂN