Người dân đặt câu hỏi về tính minh bạch của việc xây dựng bệnh viện trước khi quy hoạch điều chỉnh được phê duyệt. Ở nhiều địa phương, tình trạng rao bán nhà đất khi dự án không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép, hoặc không đủ điều kiện về pháp lý diễn ra khá phổ biến. Việc mua bán nhà đất nêu trên không chỉ vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai mà còn gây rủi ro cho người giao dịch. Hậu quả tiếp theo có thể là tranh chấp, khiếu kiện. Một trong những nguyên nhân của hiện tượng này là do việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt trên địa bàn chưa tốt, người dân không nắm được quy hoạch. Thậm chí có những nơi còn giấu quy hoạch, ém nhẹm quy hoạch dẫn đến hiện tượng đầu cơ, trục lợi.
 |
Cư dân khu đô thị Ngoại giao đoàn phản ứng gay gắt vì lo ngại việc xây dựng bệnh viện ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. Ảnh: laodong.vn
|
Chuyện phải minh bạch thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai luôn rất nóng trên các diễn đàn, nhất là các buổi tiếp xúc cử tri, đối thoại với người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị. Những khuất tất trong quá trình thực hiện dẫn đến nhiều hệ lụy đối với đời sống xã hội. Dễ nhận thấy nhất là sự trục lợi từ đất, tiềm ẩn những nguy cơ về tham nhũng, tội phạm từ đất đai. Đáng lo ngại hơn, việc quy hoạch sử dụng đất và thực hiện quy hoạch không tốt đã làm méo mó thị trường đất đai, nhà đất bị “làm giá” khác xa giá trị thực... Cũng chính việc này khiến tình trạng xây dựng diễn ra lộn xộn, tùy tiện, vi phạm gia tăng.
Mục 1, Điều 48 Luật Đất đai năm 2013 nêu rõ: “Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt phải được công bố công khai”. Cùng với Luật Đất đai, nhiều văn bản pháp luật đều yêu cầu bắt buộc công bố thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điển hình nhất là Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 3-1-2018 yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Tuy nhiên trên thực tế không phải ở đâu, chỗ nào cũng thực hiện tốt. Tình trạng người dân không được biết, khó tiếp cận quy hoạch diễn ra khá phổ biến.
Thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có tác động rất lớn tới quyền lợi của người dân. Nếu làm tốt việc này vừa tạo được sự đồng thuận giữa cơ quan chức năng, chủ đầu tư và người dân trong quá trình triển khai dự án, vừa ngăn chặn tình trạng tham nhũng liên quan đến đất đai. Đặc biệt, việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được minh bạch, công khai sẽ góp phần giảm khiếu kiện về đất đai. Các chuyên gia cho rằng, không chỉ công bố thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mà đối với các đô thị, trong quy hoạch phải rất cụ thể, nói rõ mật độ xây dựng, quy chuẩn xây dựng từng vùng. Ở tầm chiến lược, việc quản lý đầu tư phát triển đô thị phải xác định được chương trình ưu tiên, có kế hoạch sử dụng cụ thể trong thời gian cụ thể để tránh hiện tượng lãng phí nguồn lực đất đai kiểu như “dự án treo” hoặc việc mua đi bán lại kiếm lời...
Cùng với công khai, minh bạch trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, rất cần phải nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch này. Nó phải được xây dựng trên cơ sở lợi ích quốc gia, tầm nhìn dài hạn chứ không thể làm theo kiểu ăn xổi, trước mắt hay vì lợi ích riêng để rồi lại liên tục điều chỉnh. Suy cho cùng, niềm tin có được vững chắc chính là từ sự rõ ràng, minh bạch.
NGUYỄN TUẤN