Thể chế hóa việc khuyến khích, bảo vệ nhân tài bằng quy định được xem là một nội dung quan trọng của “chiếu cầu hiền” rất cần được ban hành hiện nay, cũng là lời hiệu triệu, kêu gọi những người có tài năng, niềm tin để cống hiến, đề xuất, khởi xướng những việc làm có thể thay đổi tình thế.

Thực tiễn gần 35 năm đổi mới ở nước ta cho thấy, nếu không có những CB, ĐV dám đột phá, thoát khỏi cơ chế cũ kỹ, lạc hậu thì không tạo ra tiền đề cho công cuộc đổi mới. Song, cũng vì sự dấn thân, đi đầu mà nhiều người đã phải đối diện với rủi ro về mặt pháp luật và chính trị. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tâm lý thủ thế an toàn của một bộ phận CB, ĐV.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: nhandan.com.vn

Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII), Trung ương đã nhận diện và xác định cách thức giải quyết mối quan hệ giữa chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo của cán bộ; giữa phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, ràng buộc quyền hạn với trách nhiệm, kiểm soát quyền lực, xử lý nghiêm sai phạm. Giải quyết tốt các mối quan hệ này sẽ đột phá vào những mắt xích trọng yếu đang nuôi dưỡng chủ nghĩa trung bình, trì trệ, bảo thủ, tình trạng vô trách nhiệm, thiếu kỷ luật, kỷ cương, triệt tiêu sự đổi mới, sáng tạo, làm thui chột ý chí và năng lực của những con người dám nghĩ, dám làm, tạo kẽ hở cho lộng quyền, tha hóa quyền lực. Bởi vậy, kiến tạo, mở rộng không gian, môi trường khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung bằng cơ chế “bảo đảm chính trị” sẽ là nền tảng vững chắc giúp cán bộ tự tin phấn đấu, dấn thân, tránh tư tưởng an phận thủ thường làm thui chột tài năng, nhuệ khí, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh. 

Thực tế cho thấy, sáng tạo và đột phá luôn thuộc về thiểu số, vượt trước nhận thức của số đông, nếu không nhận được sự đồng tình ủng hộ của tập thể, không có cơ chế bảo vệ thì chẳng những các ý tưởng đột phá bị mai một, mà còn tồn tại thực trạng người có ý tưởng đột phá phải chịu áp lực chỉ trích, thậm chí tổn thất về chính trị. Do đó, xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ của Trung ương nhằm khuyến khích, phát huy tài năng, những con người dám tiên phong khai phá cái mới, tạo đột phá chuyển dịch tình hình theo hướng tốt đẹp hơn, nhất là vào thời điểm đất nước ta cần có những bứt phá mạnh mẽ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, bắt nhịp cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, việc đột phá cũng phải trên cơ sở có nguyên tắc và tôn trọng pháp luật, chứ không phải đột phá, làm cái mới nhưng lại vi phạm pháp luật.

Không thể phủ nhận, ở bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, đất nước ta cũng có những CB, ĐV, những bậc anh tài sẵn sàng cống hiến, hy sinh, khát khao tìm tòi, sáng tạo vì lợi ích chung của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Và trên tiến trình đổi mới, hội nhập sâu rộng, cái mới, cái sáng tạo và đột phá đi lên không chỉ là khát vọng của mỗi quốc gia, dân tộc, mà còn là đòi hỏi khách quan của thực tiễn. Quy định về “bảo hộ” CB, ĐV dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung sẽ góp thêm một cơ chế quan trọng trong hàng loạt chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta để khơi gợi, làm điểm tựa để hiền tài tự tin và thỏa sức sáng tạo, cống hiến.

ĐÀO HỒNG