Việc làm thấm đẫm nghĩa tình này được triển khai thực hiện suốt hơn 7 thập kỷ qua, trở thành nét đẹp truyền thống tiêu biểu trong bản sắc văn hóa dân tộc, sáng ngời đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "đền ơn đáp nghĩa"…

Các đoàn viên, thanh niên thắp nến tri ân các Anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Trước Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947) ra đời, hoàn cảnh lịch sử của đất nước những năm đầu độc lập, bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, việc hiếu nghĩa đối với binh sĩ, thương binh, tử sĩ đã được Bác Hồ và Đảng ta đặc biệt coi trọng. Hưởng ứng cuộc vận động quyên góp quần áo, giày mũ cho binh sĩ diễn ra tại Hà Nội ngày 11-7-1946, Bác Hồ đã dành chiếc áo ấm của Người làm quà tặng. Ngay trong ngày 27-7-1947, Bác Hồ cũng đã gương mẫu gửi tặng áo lụa, dành một tháng lương và một bữa ăn để gửi tặng thương binh. Bác dặn: “Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu... Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Việc làm nhân ái, tình cảm ấm áp của Bác dành cho binh sĩ, thương binh trong bối cảnh đất nước đang hết sức khó khăn đã lan tỏa hơi ấm tri ân, ươm mầm hiếu nghĩa cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Mỗi giai đoạn lịch sử, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, hoàn cảnh xã hội, hoạt động tri ân có sự thay đổi về hình thức, quy mô, cách làm… nhưng tất cả đều chung một ý nghĩa: Tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái dành cho thương binh, liệt sĩ và người có công những tình cảm trân quý nhất theo tấm gương và lời dạy của Bác Hồ. Vun đắp cho ý nghĩa nhân văn, nhân đạo ấy càng ngày càng đầy bằng những chương trình, hành động cụ thể chính là góp phần vun đắp gốc rễ văn hóa tri ân của dân tộc, soi rọi tư tưởng, hành động cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Ngày nay, điều kiện kinh tế, hoàn cảnh lịch sử của đất nước đã có những thay đổi, phát triển vượt bậc. Quy mô các phong trào, chương trình hành động và giá trị vật chất trong hoạt động tri ân thương binh, liệt sĩ, người có công ngày càng cao, càng nhiều. Hoạt động đền ơn đáp nghĩa đã trở thành phong trào tự giác, chủ động của các cấp, ngành, địa phương; trở thành nhu cầu thiện nguyện của mọi người. Đó chính là môi trường thể hiện sinh động nhất tấm lòng, đạo hiếu của đồng bào, chiến sĩ đối với những người đã hy sinh xương máu, cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Dòng chảy thời gian và quy luật cuộc sống khiến danh sách các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người có công còn sống ở từng địa phương ngày một ít dần. Tháng bảy lắng đọng những cung bậc tình cảm, nghĩa tri ân vừa thiêng liêng, ấm áp, vừa tiếc nuối, trở trăn. Làm được gì để góp phần sưởi ấm, xoa dịu những mất mát hy sinh của gia đình người có công, để đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn luôn ngời sáng là bổn phận, trách nhiệm, tâm huyết của mỗi chúng ta…

Ngày Thương binh-Liệt sĩ năm nay đang đến gần. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân và chiến sĩ trong cả nước, kiều bào ở nước ngoài, cùng dành những thời khắc lắng đọng của thời gian và lòng người để thực hiện nghĩa cử tri ân. Hãy hướng về những địa chỉ linh thiêng, tham gia các hoạt động về nguồn, thăm hỏi, động viên, giúp đỡ, chia sẻ với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công ở xung quanh mình và những nơi mình biết, mình đến, mình mang ơn… Đó chính là những hoạt động, việc làm thiết thực để kết nối cảm xúc, lan tỏa tâm nguyện, làm cho đạo lý tri ân, đền ơn đáp nghĩa thêm sâu sắc, trường tồn cùng bản sắc văn hóa đạo đức của dân tộc…

PHAN TÙNG SƠN