Trong năm 2023, với việc cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ được đưa vào sử dụng, thời gian từ Hà Nội đi Tuyên Quang rút ngắn rất nhiều. Cũng như các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, năm 2023, trên cả nước đã có 9 dự án đường bộ cao tốc được đưa vào sử dụng, nhiều dự án được khởi công.
Mỗi tuyến cao tốc được đưa vào sử dụng thì những lợi ích mà nó mang lại là rất lớn. Người dân ngược xuôi thuận lợi, giao thương thông suốt, giảm nhiều chi phí về tiền bạc, thời gian và bảo vệ sức khỏe con người. Các cao tốc là động lực, là đòn bẩy kinh tế phát triển, thông thương hàng hóa, thu hút đầu tư, góp phần xóa đói, giảm nghèo; đồng thời mang lại lợi ích lớn về mặt xã hội, quốc phòng, an ninh. Hầu hết các ngành, lĩnh vực đều được hưởng lợi khi có hạ tầng giao thông tốt.
 |
Phó thủ tướng Lê Minh Khái; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương bấm nút khởi công dự án xây dựng cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1). Ảnh: VGP
|
Đơn cử như tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, từ khi được đưa vào sử dụng đã chứng minh là tuyến đường có giá trị kinh tế xương sống cho cả vùng Tây Bắc, đáp ứng tốt tiêu chí kết nối các vùng kinh tế trong nước và kết nối quốc tế. Riêng tỉnh Lào Cai, sau khi có cao tốc, kim ngạch xuất, nhập khẩu qua địa bàn tỉnh tăng bình quân 20%/năm.
Chủ trương làm quyết liệt hạ tầng giao thông, trọng điểm là các tuyến cao tốc trên cả nước được dư luận rất đồng tình. Nhận thấy tầm quan trọng cùng những lợi ích to lớn mà đường cao tốc mang lại nên trong giai đoạn 2021-2025, đầu tư hạ tầng giao thông tiếp tục được Đảng, Nhà nước xác định là một trong 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Phải ghi nhận những nỗ lực lớn của ngành giao thông. Nửa nhiệm kỳ qua, dù là giai đoạn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; giá vật liệu biến động lớn, khan hiếm nguồn cung... nhưng ngành vẫn đạt kỷ lục về xây dựng đường cao tốc. Chỉ riêng năm 2023, đã có 475km đường cao tốc được đưa vào khai thác. Trong khi trước đó, giai đoạn 2001-2010, cả nước mới đưa vào khai thác được 89km; giai đoạn 2011-2020 đưa vào khai thác thêm 1.074km.
Kết quả này có được là do sự đồng lòng, chung tay vào cuộc với quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương cũng như doanh nghiệp và người lao động. Trên các công trường xây dựng đường cao tốc, hầu hết người lao động làm việc xuyên ngày đêm, xuyên lễ, tết, với tinh thần “3 ca, 4 kíp” liên tục. Có những rào cản lớn trong nhiều lĩnh vực thời gian qua, điển hình nhất là thủ tục hành chính vướng mắc nhưng đã được xuyên phá, khơi thông.
Có thêm những tuyến cao tốc mới được đưa vào sử dụng cũng là mong muốn chính đáng của các cấp chính quyền và người dân cả nước. Từ lâu nay, vướng mắc nhất với nhiều địa phương, nhiều vùng để phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư chính là hạ tầng giao thông không thuận lợi. Điểm nghẽn này đang được xuyên phá với tinh thần làm việc khẩn trương, đúng như Thủ tướng Chính phủ từng phát biểu: “Chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Tinh thần ấy cần được lan tỏa tới các ngành, các lĩnh vực.
NGUYỄN HÀ MY
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.