Tuy nhiên, mãi để lại ấn tượng sâu sắc là tình người, nghĩa cử cao đẹp, tinh thần nhường cơm sẻ áo, sự quan tâm sẻ chia của các tổ chức, cá nhân đã kịp thời đến với đồng bào vùng lũ ngay trong những ngày hoạn nạn, khó khăn nhất.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: QĐND Online. 
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Càng trong khó khăn, hiểm nguy càng xuất hiện nhiều tấm lòng nhân ái, tinh thần nhường cơm sẻ áo trong cộng đồng, ở mỗi xóm phố, xã, phường…, mà Hội Chữ thập đỏ và Mặt trận Tổ quốc các cấp là “cầu nối” tin cậy, góp phần vận động, điều phối các nguồn lực hỗ trợ và các hoạt động cứu trợ nhân đạo một cách kịp thời, hiệu quả nhất.

Ngay trong những ngày bão lũ tại miền Trung, mặc dù mưa chưa ngớt, đường ngập, nước vẫn trắng đồng, trắng thôn…, nhưng nhiều đoàn xe, chuyến hàng cứu trợ từ mọi miền đất nước đã nối nhau về miền Trung. Mặc dù số tiền, hàng ủng hộ, cứu trợ không nhiều so với những thiệt hại, mất mát quá lớn do bão lũ mà người dân nơi đây phải gánh chịu, nhưng tình cảm và sự hỗ trợ kịp thời đó là hết sức cần thiết, làm ấm lại bao trái tim người dân vùng bị thiệt hại và những căn nhà trống trơn sau bão lũ.

Tuy nhiên, điều không kém phần quan trọng là phải làm sao để từng cân gạo, từng gói mì tôm, phong lương khô, viên thuốc, chai nước uống, tấm áo ấm…đến với bà con kịp thời, hiệu quả nhất, bảo đảm công khai, công bằng, đúng đối tượng. Một cán bộ tỉnh Quảng Bình kể với tôi những chuyện vui và chưa vui, khi mới đây anh trực tiếp tham gia vận động và cùng đại diện một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…đi cứu trợ bà con vùng lũ. Vui là khi cán bộ cấp ủy, chính quyền, MTTQ, Hội Chữ thập đỏ…ở các xã, thôn đều “xắn tay” vào cuộc với tinh thần trách nhiệm, khẩn trương nhất. Theo đó, xã, thôn thành lập bộ phận cứu trợ, tổ chức tiếp nhận tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân ủng hộ; nắm chắc thiệt hại của từng hộ gia đình, tổ chức bình xét từ cơ sở, lập danh sách; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm…, phát huy vai trò của cán bộ cơ sở, Hội Chữ thập đỏ để cấp phát tiền, hàng cứu trợ công khai, trực tiếp tới bà con tại các điểm tập trung. Làm được như vậy, dù nhận được phần quà nhiều hay ít, bà con đều phấn khởi, tin tưởng, tránh tình trạng dị nghị, thiếu công bằng…Bên cạnh các địa phương làm tốt, đây đó, một số cán bộ cơ sở còn thiếu chủ động, để việc hỗ trợ, cứu trợ diễn ra tự phát, hoặc cán bộ địa phương tiếp nhận hàng cứu trợ rồi “lưu kho”, không cấp phát kịp thời tới bà con vào thời điểm cần thiết, cấp bách nhất, thậm chí có nơi còn để xảy ra tình trạng khuất tất, tiêu cực, phản cảm…

Để vận động nguồn lực và hỗ trợ hiệu quả nhân dân các vùng bị thiên tai, thảm họa, các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội…cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị định số 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Nhà nước ta luôn khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước, với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách” trong việc đóng góp và tổ chức vận động đóng góp để nhanh chóng khắc phục hậu qủa.

Yêu cầu đặt ra là công tác tổ chức vận động, tiếp nhận, phân bổ và sử dụng nguồn lực đóng góp phải được thực hiện tập trung, kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai và chỉ đạo thống nhất, bảo đảm tất cả nguồn tiền, hàng đều được chuyển đến các cá nhân, hộ gia đình và các địa phương bị thiệt hại. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức Mặt trận và Hội Chữ thập đỏ các cấp cần đề cao trách nhiệm, hướng mạnh về cơ sở, thực sự làm nòng cốt trong tổ chức, chỉ đạo vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ, hỗ trợ một cách chuyên nghiệp, đồng thời giám sát việc tổ chức thực hiện theo hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Chính quyền các địa phương cần khẩn trương thống kê thiê%3ḅt hại để xây dựng các gói cứu trợ theo thứ tự ưu tiên, giúp các nhà tài trợ có thể lựa chọn nội dung hỗ trợ phù hợp, vừa sức, hiệu quả, đồng thời thuận lợi trong kiểm tra, giám sát.

Mọi sự ủng hộ về vật chất, tinh thần giúp bà con các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả bão lũ đều rất đáng quý, đáng trân trọng, không chỉ thể hiện truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc, mà còn cho thấy trách nhiệm công dân, ý thức chia sẻ với cộng đồng. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chung tay góp sức của đồng bào cả nước, có thể nói, tổng nguồn lực ủng hô%3ḅ cho các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do thiên tai là không nhỏ. Nếu được tiếp nhâ%3ḅn, sử dụng, cấp phát, đầu tư…đúng mục đích, hiệu quả, không những giúp bà con sớm vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, mà còn tạo đô%3ḅng lực phát triển kinh tế-xã hô%3ḅi của địa phương trong thời gian tới.

ANH QUÂN