Vừa qua, dư luận không khỏi băn khoăn khi nhà khoa học trẻ Hồ Thị Thương (Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)-một trong những đại biểu dự Đại hội tài năng trẻ Việt Nam 2020 với nhiều thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học, chia sẻ tại buổi giao lưu trong khuôn khổ đại hội rằng mức lương hiện chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng. Mức lương này thậm chí không đủ để chi tiêu cá nhân chứ chưa nói đến chi phí cho việc học tập nâng cao trình độ, giúp đỡ mẹ cha. Hồ Thị Thương cũng như nhiều nhà khoa học khác đang làm việc vì niềm đam mê khoa học. Đó là điều rất đáng quý và trân trọng. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là, liệu rằng đến một lúc nào đó, nỗi lo cơm áo gạo tiền có “chiến thắng” niềm đam mê nghiên cứu khoa học? Câu trả lời là rất có thể. Như vậy, rõ ràng về mặt quản lý thì để thu hút, giữ chân nhân tài, không thể không có cơ chế đãi ngộ hợp lý.
 |
Ảnh minh họa / Vov.vn |
Thế nhưng, lương cao, đãi ngộ tốt chưa phải là yếu tố quyết định trong thu hút, giữ chân nhân tài. Thực tế vừa qua có không ít địa phương “trải thảm đỏ” để cầu hiền tài với nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt, như: Hỗ trợ ban đầu với số tiền lớn, chế độ tiền lương, tiền thưởng cao cùng những ưu đãi về nhà ở, phương tiện... nhưng chỉ được một thời gian là người tài “nói lời chia tay” với lý do môi trường làm việc không phù hợp. Nhân tài thường có cá tính, không chấp nhận thói xu nịnh, làm việc theo kiểu bình quân chủ nghĩa, tiến thân bằng các mối quan hệ... mà đòi hỏi môi trường làm việc dân chủ, công bằng, minh bạch, sáng tạo để có thể phát huy tối đa khả năng... Đây là yếu tố mang tính quyết định để thu hút, giữ chân người tài.
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài với nhiều mục tiêu được đánh giá có tính đột phá: Từ năm 2026 đến 2030, 100% bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm khung tỷ lệ tối thiểu từ 2 đến 5% nhân tài trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý; từ 10 đến 15% trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ. Từ năm 2030 trở đi, phấn đấu mỗi năm tăng thêm ít nhất 1% với cơ cấu lãnh đạo, quản lý và 3% trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ. Đáng lưu ý, dự thảo đề ra phương châm, giải pháp “bốn tốt” trong thu hút, trọng dụng nhân tài, gồm: Đãi ngộ tốt; cơ hội thăng tiến tốt; môi trường làm việc tốt; sáng tạo tốt.
Có thể nói, nội dung “bốn tốt”ở trên chính là lời giải cho bài toán thu hút, giữ chân nhân tài. Tuy nhiên, “bốn tốt”chỉ có thể trở thành hiện thực khi có quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các địa phương với những giải pháp đồng bộ trong đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực; cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải cách chính sách tiền lương, đổi mới mạnh mẽ cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học công nghệ...
PHƯƠNG HIỀN