Chợ nổi Ngã Bảy (trước đây thuộc huyện Phụng Hiệp, nay thuộc TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) có lịch sử hàng trăm năm, là một trong những chợ nổi lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tốc độ đô thị hóa cùng với tình trạng ô nhiễm môi trường khiến chính quyền địa phương phải di dời chợ nổi Ngã Bảy về sông Cái Côn, cách vị trí cũ hơn 3km. Phần lớn thương hồ không quen làm ăn ở địa điểm mới nên phải tứ tán mưu sinh.

Sau gần 20 năm, từ một khu chợ nhộn nhịp bậc nhất miền Tây Nam Bộ, biểu tượng của văn hóa, văn minh sông nước trong văn chương nghệ thuật, chợ nổi Ngã Bảy rơi vào cảnh đìu hiu, lác đác xuồng ghe. Trong bối cảnh các địa phương vùng ĐBSCL đang nỗ lực phát huy lợi thế sông nước để phát triển du lịch, đề án phục hồi chợ nổi Ngã Bảy được đặt ra cấp thiết.

Tuy nhiên, sau vài lần triển khai không mang lại hiệu quả, địa phương phải tính toán lại. Trong lúc giao thông và các hình thức giao thương đường bộ, thương mại điện tử phát triển mạnh, chợ nổi cần phục hồi như thế nào? Giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế với du lịch, văn hóa và môi trường ra sao? Sau phục hồi, có trở lại hình ảnh của chợ nổi Ngã Bảy ngày xưa không? v.v.. Hàng loạt những vấn đề đặt ra, không dễ tìm câu trả lời.

Chợ nổi Ngã Bảy. Ảnh: dulich24.com.vn 

Câu chuyện về chợ nổi Ngã Bảy chỉ là một dẫn chứng nhỏ về một vấn đề lớn đang đặt ra, đó là bảo tồn các hình thức, giá trị văn hóa truyền thống trên phạm vi cả nước. Tốc độ đô thị hóa diễn ra càng mạnh, mức độ bao phủ của văn minh công nghiệp càng nhiều thì những hình thức sinh hoạt thủ công truyền thống (nhất là ở vùng nông thôn) biến mất càng nhanh. Quy luật phát triển buộc chúng ta phải chấp nhận thực tế đó. Vì vậy, việc bảo tồn văn hóa truyền thống đặt ra những thách thức vô cùng gay gắt.

Định hướng phát triển đất nước đến năm 2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “...Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc...”. Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “...Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại...”. Đây là một trong những vấn đề cần tập trung thực hiện quyết liệt và hiệu quả để góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam...

Phục hồi một khu chợ truyền thống, bảo tồn một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, tôn tạo một công trình lịch sử-văn hóa... là công việc đã và đang diễn ra ở khắp nơi trên cả nước. Ở phạm vi đơn lẻ, nó là nhỏ. Nhưng nhiều nơi cùng làm thì nó lại rất lớn. Càng lớn hơn khi nó là một yêu cầu thật cần thiết.

Quan điểm của Đảng là bảo tồn để phát triển, bảo tồn để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước. Những gì cản trở hoặc đi ngược mục tiêu này là thứ không thể bảo tồn. Quy luật giao thoa, tiếp biến, phát triển của văn hóa tự nó đào thải những gì đã lỗi thời. Chúng ta cần bảo tồn những gì tinh túy, tinh hoa đọng lại từ sự sàng lọc gắt gao của thời gian và đời sống xã hội, từ nhu cầu chính đáng của nhân dân.

Phục hồi, phục dựng, bảo tồn... các hình thức, giá trị văn hóa truyền thống phải bám sát quan điểm của Đảng và dựa vào quy luật ấy. Nếu chỉ nhìn vào hình ảnh quá khứ rồi đặt ra tham vọng, bằng mọi giá phải làm cho nó trở lại như xưa thì đó là cách làm duy ý chí, tốn kém và không hiệu quả. Trong rất nhiều thứ đã mất đi, chỉ nên giữ lại những thứ tinh túy, tinh hoa rồi phát triển nó như một sản phẩm giáo dục truyền thống, phục vụ du lịch, phát triển kinh tế...

PHAN TÙNG SƠN