Tại Hà Nội, việc một số người dân ở gần Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (nơi tập trung, xử lý rác thải chủ yếu của TP Hà Nội) nhiều lần chặn xe chở rác đã khiến rác thải tại các quận nội thành và một số huyện ngoại thành bị ùn ứ, gây ảnh hưởng đến môi trường và tình hình an ninh-trật tự. Để giải quyết những bức xúc của người dân, TP Hà Nội đã có chính sách hỗ trợ bà con trong vùng, đẩy nhanh tiến độ di dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng, hỗ trợ tái định cư, đền bù giải phóng mặt bằng... Tuy nhiên, các giải pháp này vẫn mang tính tạm thời. Lượng rác thải ngày càng tăng, trong khi việc xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp vừa đòi hỏi diện tích lớn, vừa gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Và việc “khủng hoảng” về rác thải sẽ không có hồi kết khi các dự án xử lý rác thải vẫn không bảo đảm tiến độ, có thể gây “vỡ trận” khi lượng rác thải quá lớn, công suất các khu xử lý rác thải hiện có lại không đáp ứng được các yếu tố về mặt bằng, công nghệ xử lý... Điều này đòi hỏi phải có quy hoạch dài hạn đối với các dự án xử lý rác thải; đồng thời rà soát, giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý rác theo phương pháp hiện đại để nâng cao năng lực xử lý rác trên các địa bàn.
 |
Xử lý rác thải. Ảnh minh họa: TTXVN. |
Tâm lý của người dân đều không muốn đặt nhà máy xử lý rác tại khu vực gia đình mình sinh sống bởi nỗi lo ô nhiễm. Điều này chỉ có thể thay đổi khi áp dụng công nghệ hiện đại vào xử lý rác thải. Đây là giải pháp thiết yếu, mang tính bền vững và lâu dài. Theo các chuyên gia, đốt rác phát điện là công nghệ hiệu quả trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay và được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước phát triển. Công nghệ xử lý rác thải hiện đại sẽ giúp giảm áp lực về quỹ đất, mặt khác, giảm nguy cơ ô nhiễm thứ phát từ nước rỉ rác, mùi hôi do hoạt động chôn lấp rác gây ra; giảm ảnh hưởng mỹ quan do tồn tại nhiều “núi rác”. Lựa chọn áp dụng công nghệ hiện đại này, Nhà máy đốt chất thải rắn phát điện Đà Nẵng, Nhà máy điện rác Vĩnh Tân (Đồng Nai)... đã vừa giải quyết hiệu quả bài toán xử lý rác tại các địa phương, vừa có thêm nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, các dự án đốt rác phát điện đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn. Vì thế, để khuyến khích phát triển các mô hình hiện đại này, ngoài quy định về trách nhiệm mua điện từ các dự án, Nhà nước cần có thêm ưu đãi cho các nhà đầu tư về thuế, đất đai, hỗ trợ giá điện...; bổ sung các dự án đốt rác phát điện vào quy hoạch phát triển điện lực để tạo đầu ra cho các dự án; có quy hoạch tổng thể xác định tính lâu dài và chiến lược thông qua việc rà soát, đánh giá, định hướng phát triển với từng địa phương và cấp vùng, cấp quốc gia trong triển khai các dự án đốt rác phát điện. Bên cạnh đó, để áp dụng hiệu quả công nghệ đốt rác phát điện, rác thải sinh hoạt phải được phân loại tại nguồn, từ đó, tối ưu hóa lợi ích từ rác, biến rác thải thành tài nguyên, giúp việc phân loại sau thu gom dễ dàng hơn...
Chỉ khi triển khai đồng bộ các giải pháp trên thì việc xử lý rác thải mới gỡ được "nút thắt" bấy lâu, vừa cải thiện môi trường sống, vừa không lãng phí những tài nguyên có thể tái chế. Như thế, vấn đề xử lý rác mới triệt để, bền vững và không còn gây bức xúc xã hội.
NGUYỄN VŨ