Trung bình mỗi năm thành phố “gánh” thêm khoảng 130.000 người nhập cư.

Thực trạng ở TP Hồ Chí Minh cũng chính là bức tranh chung của các thành phố lớn trên cả nước. Dân số Hà Nội cũng mỗi năm tăng thêm khoảng 200.000 người, tương đương dân số của một huyện. Bàn về vấn đề này, giới chuyên gia cho rằng, về xu hướng tích cực, hướng đi lên của biểu đồ dân số đô thị chính là động lực, nâng cao tính cạnh tranh của thị trường lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Thực tế ở nước ta những năm qua, khu vực công nghiệp là nơi tập trung chủ yếu nguồn lực lao động từ các địa phương đổ về đô thị. Đây là sự gia tăng tất yếu của quá trình thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Cả nước hiện có khoảng 1,4 triệu người đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Hiệu quả kinh tế từ lĩnh vực thu hút đầu tư vào công nghiệp luôn chiếm tỷ trọng cao ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, sự gia tăng dân số cơ học khiến các đô thị đang chịu áp lực khủng khiếp về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, môi trường sống bị quá tải và những thách thức về an sinh xã hội, môi trường văn hóa…

Ảnh minh họa: TTXVN.

Trong lộ trình thực hiện xây dựng thành phố thông minh của các đô thị lớn trên cả nước, việc bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu phát triển và nâng cao đời sống nhân dân, chỉnh trang đô thị trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, thực sự là một thách thức lớn. Đi tìm đáp án khả thi cho vấn đề này, thời gian qua TP Hồ Chí Minh, với sự phối hợp, hỗ trợ của các viện nghiên cứu trong nước và quốc tế, đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học. Lời giải chung được giới chuyên gia đưa ra là quy hoạch phát triển đô thị từ những mũi nhọn đột phá vào khoa học công nghệ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, kéo giảm áp lực giao thông bằng mở rộng mạng lưới đường vành đai và công trình trên cao, ứng dụng công nghệ thông minh trong điều hành, quản lý trật tự xã hội, giãn dân từ các khu vực trung tâm ra vùng ven, hình thành các đô thị vệ tinh...

Đó là những thiết chế mang tính định lượng nhằm huy động các nguồn lực tập trung cho các mũi nhọn đột phá phát triển kinh tế, hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, áp lực gia tăng dân số, nhất là người nhập cư, vừa là đối tượng, vừa là chủ thể của môi trường văn hóa đô thị. Sự hội tụ của văn hóa nhiều vùng miền trong một đô thị khiến những giá trị mang bản sắc phong tục chịu ảnh hưởng của dòng chảy giao thoa, đòi hỏi phải có một chiến lược vạch rõ hướng đi, khơi đúng dòng chảy cho văn hóa phát triển và bảo tồn bản sắc.

Theo nhiều chuyên gia văn hóa, cần phải nhìn vấn đề sâu rộng và toàn diện hơn từ phía người dân chứ không chỉ tập trung cho các giải pháp của chính quyền. Đô thị như ngôi nhà lớn bao dung cho mỗi cuộc đời trú ngụ, đòi hỏi những cá thể trong ngôi nhà ấy đều phải biết suy nghĩ, hành động, cống hiến vì mục tiêu chung. Tại cuộc hội thảo khoa học, chủ đề “Khơi dậy và phát huy truyền thống năng động, sáng tạo để phát triển thành phố giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo”, do Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức vừa qua, vấn đề này được các đại biểu phân tích sâu sắc trên nhiều góc độ. Đẩy mạnh, phát triển toàn diện phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn mới bằng những cách làm mới, phù hợp với môi trường đổi mới, hội nhập chính là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm tạo môi trường để mỗi cá nhân có điều kiện phấn đấu, cống hiến. Khi khơi đúng dòng chảy, tính năng động, sáng tạo của người dân đô thị sẽ biến thành động lực, tạo sức mạnh tổng hợp. Áp lực về dân số sẽ tạo thành nguồn lực lao động đủ sức “dời non lấp bể”. Mục tiêu ấy sẽ là hiện thực, nếu mỗi cư dân trong đô thị biết đặt mình vào đúng vị trí, tiềm năng của bản thân, đồng sức, đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền hành động vì lợi ích chung…

PHAN TÙNG SƠN