Gớm, hành động của mấy chú này cứ hệt như là đi quảng cáo mặt hàng gì đó. Nghe kỹ hóa ra họ đang quảng cáo cái gọi là “lòng yêu nước” của họ. Tôi là rất không đồng tình với cái cách làm như thế. Thời kháng chiến, chúng tôi ra trận mà có ai hô hào, ai xướng lên là "tôi yêu nước", "tôi đi đánh giặc đây". Thuở ấy Đảng gọi, chính quyền gọi là chúng tôi lên đường, cầm súng xông pha trong chiến trường, khó khăn, gian khổ, hy sinh không nề hà... Còn bây giờ, trong thời bình thế này, anh yêu nước thì làm những việc ích nước, lợi dân, không làm được thì anh chấp hành pháp luật cho tốt vào. Thế cũng là yêu nước. Yêu nước đâu cứ phải lu loa, cứ phải gào lên kiểu “Tôi đang yêu nước đây” như mấy chú trên cái trang Việt Tân chú nhỉ?”.
Chờ cho anh “hạ hỏa”, tôi mới nhẹ nhàng: “Anh nói rất đúng. Người dân Việt Nam chúng ta có ai mà không yêu Tổ quốc, không yêu quê hương đất nước. Đấy là nơi mình sinh ra, lớn lên kia mà. Nói xa hơn nữa, đó còn là nơi có dòng giống tổ tiên, có tinh thần dân tộc ăn sâu, bén rễ vào tâm hồn chúng ta, rồi hình thành nên tính cách, khí khái của người Việt Nam. Thế nhưng anh cũng thông cảm, vì hiện nay còn một bộ phận, nhỏ thôi, có vẻ như luôn bất mãn với chế độ. Họ thường muốn khuếch trương “cái tôi” của mình trước xã hội. Họ không hài lòng ngay với cả những điều tốt đẹp của đất nước. Đấy, chẳng hạn như họ quyên góp được mấy cái khẩu trang phát cho người dân để chống dịch Covid-19 thì cũng dứt khoát phải in hình cái “đường lưỡi bò” gạch chéo vào cái khẩu trang để mang hàm ý này nọ. Nói thật với anh, những người tâm tính thẳng ngay, đeo cái khẩu trang ấy vào miệng vừa thấy thiếu thẩm mỹ, lại vừa thấy như mình bị ai đó lợi dụng. Còn những người hô hào bảo vệ biển đảo, bảo vệ Tổ quốc, rồi lợi dụng thông tin mạng để xúi giục nhân dân tụ tập, tuần hành v.v.. ngẫm lại, chưa thấy họ làm được việc gì tốt để yên dân, an dân, phát triển kinh tế xã hội, chấn hưng văn hóa... Rặt là những lời hô hào suông, những hành động ngược đời, hòng tạo ra làn sóng khuấy động dư luận, khuấy động sự yên ả, thanh bình trong cuộc sống của nhân dân. Dân ta gọi những người đó là “cơ hội chính trị” anh ạ!”.
“Chú nói thế tôi càng hiểu thêm tâm tính của những người này. Thế nên bản thân mình cũng phải cảnh giác, kẻo sơ suất là họ lợi dụng mình ngay ấy chú nhỉ?”. “Vâng, bác cứ tích cực đọc, nghe thông tin trên các phương tiện truyền thông chính thống. Mọi vấn đề bây giờ đều được cung cấp dữ liệu khá đầy đủ trên đó. Hơn nữa với bản lĩnh của một cựu quân nhân đã từng trải qua chiến tranh như bác thì chắc chắn sẽ nhận rõ cái “đuôi con cáo” từ nhóm người lợi dụng truyền thông để mưu đồ chính trị...”.
Đó là câu chuyện giữa tôi với anh Nguyễn Văn Ngọc, nhân viên bảo vệ nhà B10, Khu tập thể Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên phố Láng Hạ (Hà Nội). Tôi thấy đáng tham khảo nên ghi lại để tỏ bày cùng bạn đọc.
TRẦN VŨ