Nhiều chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nghề, tạo việc làm đối với người khuyết tật, huy động được sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, các tổ chức của người khuyết tật, các tổ chức nhân đạo…
Chung nhận định này, đại diện Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật chỉ đạo thực hiện các chính sách dạy nghề, tạo việc làm đối với người khuyết tật. Số cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật đã tăng lên cả về số lượng, quy mô và chất lượng đào tạo, công tác dạy nghề cho người khuyết tật từng bước được xã hội hóa với sự tham gia của khu vực tư nhân.
Người khuyết tật cần được tạo việc làm phù hợp với khả năng của mình. Ảnh: Báo Bắc Ninh.
Ngay chính các địa phương cũng rất chăm lo cho việc đào tạo nghề cho người khuyết tật như TP Hà Nội mỗi năm bố trí từ 1 đến 2 tỷ đồng để tổ chức dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật có nhu cầu và có khả năng học nghề, tỉnh Quảng Ninh thành lập Quỹ việc làm dành cho người khuyết tật tỉnh…
Cần sự nỗ lực từ chính người khuyết tật
Tham dự hội nghị, nhiều doanh nghiệp tiêu biểu trong tạo việc làm cho người khuyết tật đã được vinh danh như: Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Tân Thọ, Thanh Hóa; Công ty TNHH 25-10, Thủy Nguyên, Hải phòng; Xí nghiệp thương binh Quang Minh Hải Phòng… Một đặc điểm chung là nhiều doanh nghiệp tiêu biểu trong tạo việc làm cho người khuyết tật có lãnh đạo, giám đốc hay chủ xí nghiệp chính là người khuyết tật. Điều này là minh chứng cho thấy, để tạo nhiều hơn việc làm cho người khuyết tật, ngoài nỗ lực chính sách từ phía Nhà nước, rất cần sự vươn lên, tự khẳng định bản thân của người khuyết tật. Đã có rất nhiều tấm gương người khuyết tật, khắc phục khó khăn bản thân, vươn lên trong cuộc sống và đạt được những thành công rực rỡ. Đây là những ví dụ khẳng định, người khuyết tật cũng giống như những cá thể khác trong xã hội, hoàn toàn có thể làm việc và đạt được thành công trong công việc.
Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người khuyết tật chưa có việc làm mà tỉnh Quảng Ninh hay TP Hà Nội đề cập đến chính là bản thân người khuyết tật còn tự ti, chưa thật sự cố gắng vươn lên, còn trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Rõ ràng, ngoài việc cải cách các chính sách để hỗ trợ tốt hơn nữa cho người khuyết tật thì vấn đề khơi dậy nội lực của chính người khuyết tật cũng quan trọng không kém.
Theo thống kê, cả nước hiện nay có khoảng 8 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số. Do tác động của các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, tác động của già hóa dân số, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, dự báo trong những năm tới, số lượng người khuyết tật sẽ tiếp tục gia tăng. Vì vậy, việc tạo việc làm và duy trì việc làm ổn định cho người khuyết tật để nâng cao đời sống cũng như giảm gánh nặng cho xã hội là việc cần làm ngay. Nếu có sự vào cuộc của các bộ, ngành, tổ chức cũng như sự nỗ lực của chính người khuyết tật, tạo việc làm cho người khuyết tật không dễ nhưng chắc chắn sẽ thực hiện được!
BĂNG CHÂU