Nhân dân Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) chào đón Quân giải phóng tiến vào giải phóng thành phố (tháng 4-1975).Ảnh tư liệu-TTXVN

Mới đây, trong bài diễn văn đọc trước Đại hội toàn quốc thường niên của Hội Cựu chiến binh Mỹ trong các cuộc chiến tranh ở nước ngoài, diễn ra tại thành phố Can-xát, Tổng thống Mỹ Bu-sơ đã đưa ra những đánh giá hết sức sai lệch về chiến tranh Việt Nam. Ông Bu-sơ cho rằng quyết định rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam là một sai lầm bởi “cuộc triệt thoái của Mỹ đã được trả bằng cái giá sinh mạng của nhiều triệu người vô tội” với những “đau đớn” như “nạn thuyền nhân” và “trại cải tạo”. Không chỉ có vậy, bài phát biểu còn dựng lên chuyện rằng “sự kinh hoàng sau chiến tranh ở Việt Nam có thể sánh với “cánh đồng chết” ở Cam-pu-chia” dưới bàn tay diệt chủng tàn bạo của Khơ-me Đỏ. Các tuyên bố trên đã gây nên sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận thế giới, trong đó nhiều chính khách và các nhà sử học Mỹ, cũng như của người dân Việt Nam. Phóng viên báo Quân đội nhân dân đã gặp Trung tướng, Phó giáo sư Nguyễn Đình Ước, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, người đã tham gia nhiều cuộc hội thảo quốc tế về chiến tranh Việt Nam, để làm rõ về những đánh giá sai lệch trên.

-Thưa phó giáo sư, bối cảnh nước Mỹ bắt đầu tính đến chuyện rút quân khỏi Việt Nam diễn ra như thế nào?

- Tôi đã sang Mỹ hai lần dự hai cuộc hội thảo về chiến tranh Việt Nam vào các năm 1999 và 2005. Những tư liệu lịch sử cho thấy sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn có mời những nhà chiến lược được coi là khôn ngoan nhất của Mỹ đến họp bàn để xem xét tình hình. Khi trao đổi, 11/16 người tham dự nói rằng, đưa cho tướng Oét-mô-len hơn 40 vạn quân đánh nhau trong 3 năm mà đến Sứ quán Mỹ tại Sài Gòn cũng không bảo vệ được, chiến tranh thì xảy ra với quy mô lớn trong các thành thị miền Nam, bây giờ lại xin thêm quân để nâng lên thành 70 vạn thì bao giờ mới rút được quân về nước. Vì vậy họ quyết định thôi không tăng quân và gọi ông Oét-mô-len về nước. Tổng thống Giôn-xơn tuyên bố không ra ứng cử nhiệm kỳ nữa, ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, bắt đầu đàm phán với Việt Nam về cuộc chiến tranh để rút quân và phi Mỹ hóa cuộc chiến tranh. Ông Ních-xơn khi ra tranh cử Tổng thống có hứa với nhân dân Mỹ là sẽ rút quân nếu được bầu và đổi lấy tù binh Mỹ. Năm 1969, ông Ních-xơn ra lệnh rút 6 vạn quân Mỹ, năm 1970 rút 18 vạn, năm 1971 rút 13 vạn. Khi ký hiệp định Pa-ri năm 1973, Mỹ chỉ còn 10 vạn quân ở Việt Nam.

Một cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Ảnh tư liệu

- Lúc đó, phản ứng trong chính giới Mỹ và chính quyền Sài Gòn thế nào trước dự định rút quân của Nhà Trắng?

- Trong Quốc hội Mỹ, đa số các nghị sĩ Dân chủ cho rằng không thể kéo dài cuộc chiến mà chỉ có thể chi thêm tiền cho việc rút quân Mỹ về nước và lấy tù binh Mỹ ra. Nhiều chính trị gia nói rằng khi quân giải phóng đưa quân, vũ khí vào ém tại 41 thành phố, thị xã để chuẩn bị tổng tấn công mà Mỹ và Sài Gòn không hay biết gì. Điều đó chứng tỏ nhân dân đứng về phía quân giải phóng, chán ghét chính quyền ngụy quyền. Đó là sự thật trong nội tình nước Mỹ sau Tết Mậu Thân. Người dân Mỹ ngày càng nhận rõ sự phi nghĩa của cuộc chiến tranh. 200 trường đại học phản đối chiến tranh.

Nhưng việc bàn rút quân không dễ dàng. Mỹ đòi quân miền Bắc Việt Nam phải rút khỏi miền Nam thì Mỹ mới rút. Ta kiên quyết không chấp nhận và lập luận “chúng tôi là người Việt Nam thì chúng tôi có quyền ở miền Nam. Cuối cùng Mỹ buộc phải chấp nhận và đây là điều khó chấp nhận nhất đối với Mỹ. Còn Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thì phản ứng mạnh. Ông ta nói rằng, cả quân Mỹ và quân đội Sài Gòn đánh nhau với Việt Cộng còn vất vả, nay quân Mỹ rút, quân Bắc Việt ở lại thì khác nào như “nhốt gà với cáo”, nên không ký Hiệp định Pa-ri. Ông Ních-xơn phải an ủi rằng, tình thế bây giờ phải rút ra. Tiếp đó, Mỹ dùng B52 ném bom ồ ạt để trấn an Thiệu rằng với miền Bắc bị tàn phá nặng không còn khả năng tấn công sau khi hiệp định Pa-ri được ký. Bản thân ông Ních-xơn cũng chần chừ mãi mới buộc phải ký Hiệp định Pa-ri rút quân về nước và lấy tù binh Mỹ ra.

- Như vậy, rút quân khỏi Việt Nam có phải là quyết định sai lầm của chính quyền Mỹ lúc đó không?

- Trong các cuộc hội thảo về chiến tranh Việt Nam ở Mỹ mà tôi tham dự với sự có mặt của đại tướng Rút-xơn, đô đốc Giu-moan, cựu Tư lệnh hải quân Mỹ, cùng 15 tướng của quân đội Sài Gòn trước đây, tất cả đều nói rõ là việc Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh nên buộc phải rút. Không ai có thể nói trái lại điều đó, ngay cả các tướng lĩnh Sài Gòn cũ. Có thể nói đó là một việc làm bắt buộc, chứ không phải là một sai lầm lịch sử. Từ trước đến nay, không một người nào trong giới cầm quyền Mỹ và quân sự Mỹ nói đã giành chiến thắng bằng quân sự ở Việt Nam mà là rút ra trong danh dự. Chính cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Na-ma-ra khi sang Việt Nam dự hội thảo ở Học viện Quan hệ quốc tế cũng đã nói như thế. Các nước đồng minh của Mỹ đều thừa nhận việc rút quân là đúng, chưa thấy nước nào nói rút quân là sai lầm. Bây giờ tôi mới nghe thấy có ý kiến trái ngược như vậy.

- Thế còn thảm cảnh “thuyền nhân”, “trại cải tạo”?

- Làm gì có các chuyện như “tắm máu” hay “đàn áp” như người ta dựng lên. Việt Nam là nước có nền văn hóa lâu đời. Nguyễn Trãi đã nói “hận thù rồi kêu gọi trả thù thì oán mãi không thôi”. Chúng ta đã thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc, giáo dục, cảm hóa, giúp cả triệu binh lính của chính quyền cũ hòa nhập dần vào cuộc sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, giải phóng dân tộc phải gắn liền với giải phóng con người, đề cao con người, thức tỉnh con người, vì con người. Việt Nam đã đối xử nhân đạo với tù binh Mỹ, huống hồ cùng là người Việt Nam với nhau, làm sao có chuyện “tắm máu”. Đó là sự bịa đặt.

Còn về “nạn thuyền nhân”. Đó là chuyện có thật. Thử tưởng tượng sau chiến tranh, đất nước bị tàn phá nặng nề như vậy thì khó khăn về kinh tế sẽ lớn tới mức nào. Thế mà, Việt Nam còn bị bao vây, cấm vận về kinh tế, tình hình càng khó khăn hơn. Tháng 10-1975, Ngoại trưởng Mỹ Kít-xinh-giơ sang châu Á, rồi sang châu Âu. Khi đến Áo, ông tiết lộ “Đối với Mỹ, tình hình thật tốt đẹp. Vì Mỹ, Việt Nam sẽ chảy máu một lần nữa”. Đó là âm mưu hậu chiến. Đã thế họ lại kích động, đưa ra những viễn cảnh thiên đường ở bên ngoài gây nên tình trạng có một bộ phận người Việt Nam bỏ đất nước ra đi. Không ít người đã thiệt mạng trên biển do bị chìm thuyền, bị bọn đưa người vượt biên trái phép lừa gạt giết chết. Đó đúng là một thảm cảnh nhưng là hệ quả do những chính sách chống phá Việt Nam từ bên ngoài.

- Sự thật đã được ghi nhận rõ trong lịch sử. Vậy theo phó giáo sư, tại sao lúc này những đánh giá sai lệch về chiến tranh Việt Nam lại được đưa ra?

- Họ làm như vậy để biện hộ cho những khó khăn trong cuộc chiến I-rắc hiện nay. Cuộc chiến kéo dài đã 4 năm mà tình hình an ninh I-rắc vẫn rất bất ổn. Khi chiến tranh nổ ra được 3 ngày, tôi đã nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn rằng, với bộ máy quân sự khổng lồ, Mỹ có thể giành được thắng lợi quân sự tạm thời rất nhanh, nhưng nước Mỹ sẽ sa lầy về chính trị. Thực tế đó đang diễn ra và nay chính Quốc hội Mỹ cũng đang đòi phải rút quân Mỹ về nước và rút ra bài học. Họ nên nhìn vào thực chất.

- Trước những đánh giá sai lệch như vậy, cuộc chiến tranh Việt Nam phải được nhìn nhận thế nào?

- Đây là cuộc chiến tranh chống xâm lược cực kỳ oanh liệt của dân tộc Việt Nam. Nó đem lại thắng lợi trọn vẹn cho Việt Nam. Quá khứ đó thật oanh liệt và nếu không có quá khứ đó thì đất nước làm sao có vị thế quốc tế và phát triển như ngày nay.

Còn phía bên kia trong chiến tranh. Theo tôi, họ nên nhìn nhận cuộc chiến như một bài học. Không phải lúc nào có sức mạnh, có tiền của, vũ khí hiện đại là có thể áp đặt ý muốn của mình với nước khác. Áp đặt là một sai lầm.

- 32 năm sau chiến tranh, giờ nói về quan hệ Việt - Mỹ, phó giáo sư có suy nghĩ gì?

- Rõ ràng kết cục cuộc chiến tranh Việt Nam như vậy mới tạo cơ sở mới cho quan hệ Việt - Mỹ phát triển như hiện nay. Nước Mỹ phải thừa nhận rằng, quan hệ hai nước đang phát triển theo chiều hướng tốt đẹp, trên nhiều mặt, đất nước Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh. Với Mỹ, chúng ta gác lại quá khứ để hướng tới tương lai. Nhưng chiến tranh là một bài học, là một trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam mà chúng ta không quên. Vì bên Mỹ có những người hiểu sai lệch, không đúng về chiến tranh Việt Nam nên chúng ta phải giải thích rõ. Phải làm thế nào rút ra bài học từ cuộc chiến tranh đó để mối quan hệ Việt - Mỹ ngày càng tốt hơn.

-Xin cảm ơn phó giáo sư.

Mạnh Tường-Mỹ Hạnh