Vương quốc Hà Lan được mệnh danh là “đất nước nhỏ với nhiều thành tựu lớn”. Đặc điểm địa lý và dân cư cùng với lịch sử phát triển kinh tế quốc dân, đặc biệt là Kỷ nguyên vàng (Gold Age) của Hà Lan trong thế kỷ 17 đã định hình nền kinh tế Hà Lan ngày nay. Hà Lan hiện đứng thứ ba thế giới về đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng dòng đầu tư vào và ra đạt 266 tỷ USD (sau Mỹ và Trung Quốc); thứ ba thế giới về chỉ số sáng tạo toàn cầu; thứ tư thế giới về mức độ cạnh tranh của nền kinh tế; và thứ 7 thế giới về chỉ số phát triển con người. Chính phủ Hà Lan luôn xem tăng trưởng xanh là cần thiết để duy trì khả năng tăng trưởng kinh tế trong tương lai, đồng thời giảm tác động môi trường và lệ thuộc vào các nguồn tài nguyên đang dần khan hiếm.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử hiện đại, Hà Lan xác định hợp tác trong Liên minh châu Âu (EU) là trụ cột của chính sách đối ngoại, có vai trò quan trọng đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng cũng như giúp tăng cường vai trò địa chính trị của đất nước. Những năm gần đây, chính sách đối ngoại của Hà Lan đang dần dịch chuyển sang châu Á với hướng triển khai chính là ngoại giao kinh tế, coi châu Á là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư Hà Lan do châu Á có nhiều nền kinh tế mới nổi và thị trường rộng lớn.

Việt Nam-Hà Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 9-4-1973. Ngay sau khi lập quan hệ ngoại giao, Hà Lan bắt đầu viện trợ ODA không hoàn lại cho Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực nhân đạo, giáo dục-đào tạo và y tế.  

Quan hệ Việt Nam-Hà Lan được xem là điển hình của mối “quan hệ năng động và hiệu quả” giữa Việt Nam và một nước châu Âu. Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai bên phát triển tốt đẹp trên tất cả lĩnh vực, ngày càng đi vào chiều sâu. Tháng 10-2010, hai nước thiết lập đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước; tháng 6-2014, thiết lập đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực... Hai bên đã xác định 5 lĩnh vực hợp tác ưu tiên, bao gồm: Thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp, năng lượng, kinh tế biển và dịch vụ vận tải logistics.

Hai bên tích cực hợp tác tại các tổ chức, diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc (LHQ), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), ASEAN-EU. Hai nước ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ; Hội đồng Bảo an LHQ …

Trong những năm qua, quan hệ thương mại Việt Nam-Hà Lan không ngừng phát triển, kim ngạch thương mại khá lớn và tăng đều hằng năm. Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 7,84 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng thủy sản, rau quả, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, gạo, sản phẩm hóa chất, sản phẩm chất dẻo và nhập khẩu từ Hà Lan chủ yếu thực phẩm, thức ăn gia súc và nguyên liệu, hóa chất, sản phẩm hóa chất, dược phẩm, sản phẩm chất dẻo. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính từ ngày 1-1-1988 đến 31-12-2018, đối với những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực, Hà Lan xếp thứ 10/129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 318 dự án, trị giá hơn 9,3 tỷ USD.

Về quốc phòng, an ninh, hai bên chủ yếu hợp tác thực hiện các hợp đồng đóng tàu quân sự với Tập đoàn Damen. Năm 2016, Việt Nam cử học viên tham gia hai khóa học Gìn giữ hòa bình (GGHB) tại Hà Lan. Đầu tháng 12-2016, đoàn quân sự Việt Nam thăm trao đổi kinh nghiệm với Trường GGHB Hà Lan để chuẩn bị cho việc Việt Nam tham gia các phái đoàn GGHB và thành lập Trung tâm GGHB Việt Nam.

Một trong những “điểm sáng” trong quan hệ hai nước là lĩnh vực giáo dục. Hà Lan giúp Việt Nam trong nhiều dự án, gồm: Chương trình hợp tác liên đại học Việt Nam-Hà Lan, hai chương trình học bổng (Chương trình học bổng của Chính phủ Hà Lan và Chương trình học bổng Huygens với số lượng từ 30 đến 50 học bổng/năm). Tháng 8-2002, Hà Lan đưa Việt Nam vào danh sách được hưởng quy chế đặc biệt trong hợp tác đào tạo đại học. Nhiều đại học, viện nghiên cứu Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác đào tạo nghiên cứu chặt chẽ với các đối tác Hà Lan.

Bên cạnh đó, hai bên cũng hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu ngành hàng hải và đường thủy, hàng không, hợp tác ban đầu trong lĩnh vực hải quan.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte lần này cho thấy, Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Hà Lan và mong muốn nâng tầm quan hệ giữa hai nước lên đối tác toàn diện nhằm thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hà Lan phát triển sâu rộng, hiệu quả hơn.

QĐND