Hôm qua (28-1), một sự kiện trọng đại làm rung động triệu triệu con tim, khối óc người dân đất Việt và mang đến niềm vui khôn xiết cho toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước: Đại hội lần thứ XII của Đảng đã thành công tốt đẹp!
1. Trong tiết trời giá lạnh của miền Bắc, thủ đô Hà Nội vẫn rực rỡ cờ hoa, toát lên sắc Xuân, cùng bao ánh mắt và nụ cười rạng rỡ, bởi những thành tựu rất đáng tự hào của đất nước sau 30 năm đổi mới, nhất là sau 5 năm bứt phá toàn diện, đổi mới đồng bộ trên mọi mặt đời sống xã hội.
Đại hội XII của Đảng đã thành công tốt đẹp-tin vui nhanh chóng lan theo nhịp sóng truyền thông đại chúng đến mọi miền Tổ quốc, đến với bạn bè bốn biển, năm châu, như trao gửi đi một thông điệp rõ ràng: Đảng Cộng sản Việt Nam đang lớn mạnh, trưởng thành vượt bậc ở thời điểm kỷ niệm 86 năm thành lập Đảng.
Tinh thần đổi mới tại Đại hội XII đã bao trùm trong mọi thắng lợi, thành công; lan tỏa mạnh mẽ đến từng ngõ ngách của đời sống xã hội; đến với từng nếp nghĩ, cảm xúc của người dân Việt Nam. Cả dân tộc đều chung một hướng nhìn: Đại hội XII của Đảng đã mở rộng hơn cánh cửa đổi mới, kiến thiết một con đường lớn cho tiến trình đi lên của nước nhà.
“Đường lớn đã mở, đi tới tương lai. Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay...”-lời hát vang lên vẹn đầy kỳ vọng, không chỉ trầm hùng, ngân xa trong cuộc sống thực tại, mà còn giục giã trong ý nghĩ của mỗi người. Đó là niềm kỳ vọng được kết nên từ thực tiễn 30 năm đổi mới, được nung nấu từ Đại hội VI-Đại hội khởi tạo công cuộc Đổi mới đầy sáng tạo.
Nhiều tuyến đường ở Hà Nội được trang hoàng mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới. Ảnh: TTXVN
2. Chúng ta nhớ lại, vào một ngày của năm 1986, tại hội nghị cán bộ trước khi Đại hội VI của Đảng diễn ra, đồng chí Trường Chinh-Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng lúc bấy giờ, đã thẳng thắn chỉ rõ: “Trong lúc này, chúng ta chỉ có hai khả năng lựa chọn: Đổi mới để tiến lên hay đi theo con đường cũ để chết”.
Đại hội VI của Đảng khai mạc sáng 15-12-1986. Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Linh đọc diễn văn khai mạc Đại hội, chỉ rõ: “Để làm chuyển biến tình hình, Đại hội lần thứ VI phải đánh dấu sự đổi mới của Đảng ta về tư duy, phong cách, tổ chức và cán bộ. Đó là đòi hỏi bức thiết của đất nước”. Tổng Bí thư Trường Chinh đọc Bản trích yếu Báo cáo chính trị; Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đọc báo cáo về phương hướng, mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội (1986-1990)-những văn kiện đều thấm đẫm tinh thần đổi mới.
Đổi mới là tất yếu để xã hội chuyển biến theo hướng tích cực, để nhân dân có cuộc sống tốt hơn. Vì thế, công cuộc Đổi mới được khởi phát từ năm 1986 rồi kế tục, bổ sung, phát triển bằng chủ trương, đường lối từ các kỳ Đại hội tiếp sau của Đảng; được hiện thực hóa bằng các chương trình hành động cách mạng của quần chúng nhân dân. Và sau 30 năm phấn đấu bền bỉ, đến nay, Việt Nam đã trở thành một quốc gia “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như điều Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn. Đáng nói hơn, đất nước ta vẫn vững vàng qua những “cơn địa chấn” khủng hoảng kinh tế, trở thành đối tác tốt, quan trọng, tin cậy của nhiều quốc gia trên thế giới...
3. Mùa Xuân này, giữa lòng thủ đô Hà Nội và tại “diễn đàn” lớn nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu khai mạc Đại hội XII với thông điệp rõ ràng về một “Đại hội của bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm đi tới”; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Báo cáo chính trị kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân: “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”... Hầu hết ý kiến tham luận tại Đại hội, dù tiếp cận bằng nhiều lăng kính khác nhau, nhưng đều tựu chung ở quyết tâm đổi mới; đại diện cho trí tuệ, tình cảm của toàn dân tộc kiên định, kiên trì thực hiện sự nghiệp cách mạng vẻ vang mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.
Đổi mới là quy luật của phát triển. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, đất nước sẽ đi lên không chỉ bằng “đôi bàn tay trắng” như 30 năm trước. Cùng với tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực, sự ổn định về chính trị-xã hội, Việt Nam đã có kinh nghiệm nhất định từ thực tiễn đổi mới. Hơn thế, đất nước đã đổi thay, có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, khó khăn cũng vơi dần, nhưng thách thức không hề nhỏ, đặc biệt là trước tình hình khu vực, thế giới diễn biến phức tạp, khó lường...
Tròn 30 mùa Xuân của công cuộc Đổi mới-thời điểm Đại hội XII của Đảng tiến hành tổng kết ba thập niên đã qua, đồng thời khởi phát một giai đoạn đổi mới với tính chất và trình độ cao hơn, là thời điểm lịch sử ghi nhận những vấn đề có tính đặc thù, bước ngoặt của nhân loại và dân tộc. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn đang tác động mạnh đến nền kinh tế đất nước trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng, là “chướng ngại vật” vô hình đối với sự phát triển... Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc không cho phép chúng ta lơ là, mất cảnh giác.
Cách đây tròn 5 năm, cũng tại Hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, gần 1.400 đại biểu dự Đại hội XI của Đảng giương cao thẻ đảng viên, biểu quyết và thể hiện quyết tâm thực hiện ba đột phá chiến lược để đổi mới đất nước: Đột phá xây dựng thể chế; đột phá phát triển nguồn nhân lực và đột phá phát triển hạ tầng. Nhờ có đường lối đúng đắn đó, sau một nhiệm kỳ nhìn lại, đất nước đã có nhiều đổi thay, nhất là trong phát triển kết cấu hạ tầng xã hội. Đến nay, ba đột phá đó vẫn là lựa chọn đúng đắn để tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Và lần này, tại Đại hội XII của Đảng, 1.510 đại biểu lại nhất trí cao biểu quyết cho tinh thần đổi mới mạnh mẽ: Đổi mới với nhịp điệu, cường độ, tốc độ cao hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt và toàn diện hơn.
Đổi mới là phải biết cách vượt qua những thách thức, rào cản để bứt phá; trước hết phải đổi mới kinh tế. Tiền đề cho mỗi bước đổi thay về chất là phải hoạch định cho được chủ trương, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế. Coi trọng nhịp tiến công nghiệp, dịch vụ, nhưng đồng thời không xem nhẹ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục đẩy nhanh, nâng cao hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới đang diễn ra sôi động trên địa bàn cả nước, tạo sự bền vững cho kinh tế nông thôn. Kiềm chế lạm phát và kiềm chế tăng giá tiêu dùng cần được tiếp tục triển khai song song để giữ tình hình ổn định. Xốc lại đội hình các doanh nghiệp nhà nước làm nòng cốt cho sự phát triển kinh tế đất nước cần được tiến hành ráo riết, triệt để hơn…Tất cả những phần việc đó sẽ thúc đẩy sức vươn của đất nước trước thách thức của thời đại.
Đổi mới phải đồng bộ, ưu tiên đổi mới kinh tế, nhưng cũng phải quyết tâm, quyết liệt đổi mới về chính trị. Trong đó, động lực và gốc rễ của đổi mới chính trị là ở chỗ Đảng phải quyết liệt đổi mới chính mình. Nhận rõ điều đó, cách đây 4 năm, đứng trước thử thách lớn và nguy cơ nạn “nội xâm”, Đảng đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, quyết tâm loại bỏ những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Lần này, trong mục tiêu lớn của Đảng, Trung ương đặt thành tố “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh” lên vị trí đầu tiên của mục tiêu Báo cáo chính trị, đồng thời cũng là chủ đề Đại hội XII. Đảng cũng thêm thành tố “xây dựng Đảng vững mạnh về đạo đức” vào nội hàm xây dựng Đảng; đề ra quốc sách tuyên chiến, đẩy lùi nạn tham ô, tham nhũng...
4. Thêm một niềm vui lớn và tín hiệu tốt tại Đại hội XII, đó là việc Đại hội không chỉ mở ra con đường đổi mới, mà còn “tiến cử” được những người dẫn đường cho công cuộc Đổi mới, lãnh đạo toàn xã hội tiếp tục đà đổi mới đất nước. Đó là Ban Chấp hành Trung ương khóa XII gồm 180 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết; là tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam khóa mới.
Suốt tiến trình lịch sử 86 năm xây dựng, trưởng thành, Đảng ta luôn làm tốt công tác tạo nguồn, quy hoạch cán bộ các cấp, nhất là cán bộ Trung ương và Ủy viên Trung ương các khóa. Đặc biệt là từ khi thực hiện đường lối đổi mới, tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ Trung ương. Cán bộ các cấp, nhất là các đồng chí Ủy viên Trung ương qua các nhiệm kỳ đều có những đóng góp quan trọng, cùng Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, giành nhiều thắng lợi trên các lĩnh vực; thể hiện và khẳng định vai trò lãnh đạo toàn xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Công tác cán bộ chiến lược luôn được Đảng ta quan tâm, chăm lo, nhưng có lẽ chưa bao giờ phần việc trọng yếu này lại có nhiều dấu ấn như ở Đại hội XII. Ngay từ Hội nghị Trung ương 6, khóa XI (năm 2012), Trung ương đã thảo luận, thông qua Đề án quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chức danh lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ 2016- 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Công tác nhân sự cấp cao của Đảng đã được thảo luận, xem xét, giới thiệu từ các cấp, là phần việc của toàn dân và hệ thống chính trị, chứ không phải chỉ do Trung ương chuẩn bị.
5. Đại hội XII của Đảng đã thành công tốt đẹp. Ánh sáng chủ trương, đường lối sẽ tiếp tục soi rọi trên con đường đổi mới đang rộng mở. Thêm một lần nữa, Đảng kiến tạo nên mùa xuân cho đất nước. Trước thềm Xuân Bính Thân 2016, niềm tin và khí thế mới từ Đại hội XII đang lan tỏa, hình thành một tâm thế mới, tạo khí thế mới. Thành công của Đại hội là nguồn cổ vũ, động viên toàn xã hội cùng “chung sức, đồng lòng”, nỗ lực đưa đất nước vững tiến vào một giai đoạn phát triển mới cao hơn, nhanh hơn, mạnh mẽ hơn!
Tự tin và quyết tâm đi tới, cả dân tộc sôi nổi ra quân trong mùa Xuân thứ 30 của công cuộc Đổi mới. Tâm thế và dáng dấp của dân tộc thật vững chãi, như lời thơ trong tác phẩm “Ta đi tới” của Tố Hữu: “Lòng ta không giới tuyến/ Lòng ta chung một Cụ Hồ/ Lòng ta chung một Thủ đô/ Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam!”.
Ghi chép của NGUYỄN TẤN TUÂN