QĐND - Tháng 5 này, kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Bác, đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam về thăm đơn vị bộ đội kết nghĩa, Sư đoàn Chiến thắng (Sư đoàn 312).
Là một trong sáu sư đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta, Sư đoàn 312 là đơn vị tinh nhuệ, thiện chiến, nơi sinh ra nhiều tướng lĩnh tài ba của Quân đội, tiêu biểu là Đại tướng Lê Trọng Tấn, người được coi là Giu-cốp của Việt Nam. Trong hồi ký của mình, thể hiện lòng kính yêu vô hạn đối với Bác Hồ, Đại tướng Lê Trọng Tấn đã kể lại chuyện, sau Chiến dịch Hoàng Hoa Thám (từ Phả Lại đến Mạo Khê) năm 1951, ta đã thắng lớn, loại khỏi vòng chiến đấu gần 3000 tên địch, diệt và bức rút 130 vị trí đồn bốt, nhưng bộ đội thương vong cao. Sau chiến dịch, Bác Hồ đến thăm và gọi Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn đứng dậy. Bác nói: “Chú Tấn. Chú đã rửa mặt chưa. Mặt có vết nhọ mà không biết rửa thì không sạch. Phê bình và tự phê bình là cách rửa mặt hằng ngày…”. Trước lời dạy bảo nghiêm khắc và chân tình của Bác, “tôi bỗng trào lên niềm thương yêu Bác vô hạn”-Đại tướng Lê Trọng Tấn bày tỏ. Và mãi về sau này, Đại tướng nhớ lại, mỗi khi xuất trận “Bất giác tôi lại nhớ đến lời nói của Bác: Chú Tấn, chú đã rửa mặt chưa?”.
Đối với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 312 cũng như cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân, hình ảnh của Bác là hình ảnh của người cha thân yêu, gần gũi nhất. Bác mặc bộ quần áo bộ đội, quần xắn cao, đội mũ nan, đi dép cao su, ngang lưng đeo sắc cốt, đến thăm một đơn vị trước khi ra trận. Trong tiếng hò reo như sấm của bộ đội, Bác bước lên bục, tươi cười vẫy tay: “Hôm nay là cha đến thăm con, bác đến thăm cháu, không riêng là Chủ tịch nước đến thăm bộ đội”. Tất cả đang trong tiếng hò reo, nghe câu nói của Bác, đều nghẹn ngào, xúc động, không cầm được nước mắt. Giản dị vậy mà thiêng liêng quá đỗi. Với cán bộ, chiến sĩ, hình ảnh ấy mãi mãi đọng lại trong tâm trí mỗi người, là hình ảnh của lãnh tụ, của người cha thân yêu. Bởi vậy, những năm tháng chiến tranh, cứ nghĩ đến Bác, noi theo gương Bác là lớp lớp thanh niên náo nức ra trận, như vào hội, “đường ra trận mùa này đẹp lắm”, dẫu biết có thể phải hy sinh. Nhà thơ Phạm Tiến Duật đã nói lên tấm lòng của thế hệ thanh niên thời chống Mỹ: “Ta đi hôm nay cũng không là sớm. Đất nước hành quân mấy chục năm rồi. Ta đi hôm nay cũng không là muộn. Đất nước còn đánh giặc chưa thôi”.
 |
Biểu diễn văn nghệ trong đêm khai mạc Lễ hội Làng Sen - 2015. Ảnh: TRẦN HOÀI
|
Mãi mãi mong đất nước yên bình để không bao giờ còn những cuộc hành quân như thế. Nhưng lại mong sao đất nước hôm nay tạo nên những cuộc hành quân hừng hực khí thế của tuổi trẻ, trong cuộc trường chinh chống đói nghèo, lạc hậu. 2000 đô-la bình quân đầu người hôm nay, so với 30 năm trước, thời bao cấp, đã là cao gấp 10 lần. Nhưng so với chung quanh ta thì còn rất khiêm tốn. Thắng trận giòn giã, vinh quang chiến công tột đỉnh, mà đất nước cứ loay hoay với mức bình quân GDP là 2000 đô- la/người, như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói gần đây, thì thật đáng suy ngẫm.
Sinh thời, lo nước thương dân, Bác thường quan tâm nhất là bộ đội. Bởi đấy là lớp người hy sinh kham khổ, xông pha nơi trận mạc.
Bác rèn luyện bộ đội, ân cần từ lời ăn tiếng nói, từ cử chỉ hành động. Với nước, Bác dạy Quân đội phải trung với nước, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội... Với dân, Bác dạy bộ đội phải hết lòng hết dạ kính trọng, phục vụ nhân dân, không lấy cái kim sợi chỉ của dân, phải kính già, yêu trẻ, đoàn kết với thanh niên, đứng đắn với phụ nữ, để làm sao khi chưa đến thì dân mong, khi ra đi thì dân nhớ. Cho đến hôm nay, sau 46 năm Bác đi xa, hình ảnh bộ đội với “nồi cơm nấu dở, bát nước chè xanh”, lăn lộn cùng người dân xóa đói giảm nghèo, bài trừ hủ tục… vẫn là hình ảnh thân yêu với bà con mọi vùng miền của Tổ quốc, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Đặc biệt, với mối quan hệ cán bộ, chiến sĩ, Bác coi vai trò nêu gương của cán bộ, tình cảm yêu thương đồng cam cộng khổ với chiến sĩ là chất keo tạo nên mối tình đồng đội, bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng. Bác dạy cán bộ có coi chiến sĩ như chân tay, thì chiến sĩ mới coi cán bộ như ruột thịt. Mãi mãi chúng ta không quên lời Bác: “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng tư lệnh trở xuống phải săn sóc đời sống vật chất, tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt”.
Thái độ và tình cảm của người dân là sự đánh giá khách quan và công tâm của lịch sử đối với sự kiện và nhân vật. Đất nước đã trải qua hai cuộc tiễn đưa lịch sử và đó cũng là hai cuộc biểu dương ý chí, nguyện vọng và sức mạnh của dân tộc: Lần tiễn Bác đi xa và cuộc tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Bác và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hai bức tượng đài bất tử trong lòng dân. Sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trọn vẹn cuộc đời mình, phấn đấu trở thành người học trò trung thành của Bác. Đại tướng luôn luôn biết ơn và ghi nhớ trọng trách mà Bác đã trao “tướng quân tại ngoại”, được toàn quyền quyết định ngoài mặt trận. Và đó chính là dấu ấn lớn của thiên tài quân sự, khi quyết định kéo pháo ra ở Mặt trận Điện Biên Phủ. Xương máu chiến sĩ bao giờ cũng là mối quan tâm lớn nhất của Đại tướng trước mỗi chiến dịch. Và như Thượng tướng Trần Văn Trà đã nói: “Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp biết quý từng giọt máu của mỗi chiến binh”.
Trong việc rèn luyện cán bộ, đảng viên, Bác luôn nhấn mạnh, trung thực là phẩm chất đặc biệt cao quý, không thể thiếu được của người cán bộ.
Trung thực không chỉ là bước đi đầu tiên đến sự cao cả. Bản thân nó đã là sự cao cả.
Giật mình xem Báo Tuổi trẻ ra ngày 12-5-2015, nói về quá trình đi thực tế tại một số địa phương trở về, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa đã nói: “Nếu chúng ta cứ vẽ bức tranh đẹp quá, phản ánh không đúng tình hình, đến khi gặp vấn đề gì đó lại bất ngờ, đối phó không kịp”. Đồng chí cho biết, con số tăng trưởng GDP ở các tỉnh được báo cáo đều 2 con số trở lên, tức là tăng trên 10%, chí ít cũng là 8-9%. Nhưng khi đến tỉnh Kiên Giang, tỉnh báo cáo tăng trưởng 5%. Thấy lạ, hỏi lãnh đạo tỉnh, thì được trả lời đấy là thống kê thật của tỉnh nhà, hay đoàn đại biểu muốn nghe báo cáo trên giấy tờ.
Ngẫm ra, thì thật là đáng lo với căn bệnh thổi phồng thành tích lâu nay chưa được xử lý nghiêm túc. Báo cáo sai sẽ khiến những quyết sách không sát thực tế, có khi còn gây nguy hại khôn lường. Chúng tôi nghĩ, việc này có thể khắc phục được bằng cách Thủ tướng ra chỉ thị bất cứ tỉnh, thành phố, bộ, ngành nào báo cáo mà thổi phồng thành tích, đều bị xử lý nghiêm minh. Cấp trưởng phải bị cách chức, hoặc điều chuyển công việc, bởi báo cáo sai. Khi đó, lãnh đạo các cấp phải cương quyết chỉ đạo cấp dưới coi việc báo cáo trung thực là sinh mệnh chính trị. Hệ thống báo cáo trung thực từ dưới lên sẽ được thực thi. Khắc phục được bệnh “nan y” này, sẽ là phúc lớn cho đất nước.
Kỷ niệm trọng thể 125 năm Ngày sinh của Bác đúng vào dịp Đảng ta đang tiến hành các bước lựa chọn nhân sự cho Đại hội XII của Đảng. Đây là một thuận lợi vô cùng to lớn, tưởng như trong mỗi lời bàn, mỗi lời giới thiệu hoặc bỏ lá phiếu bầu của các đồng chí Trung ương Ủy viên, đều như có Bác ở bên. Đại hội XII, với phẩm chất cao đẹp của Đảng, với nguyện vọng cháy bỏng của dân, chắc chắn sẽ chọn được một Bộ Tham mưu chiến lược, xứng đáng với tầm vóc của một dân tộc quật cường, gần trăm triệu dân.
Thiếu tướng NGUYỄN QUANG THỐNG