Hội thảo do Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” tổ chức sáng 11-12, tại Hà Nội.

Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu khẳng định, việc xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” là nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra. Khi được hoàn thiện và triển khai thực hiện, Đề án có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, kết quả hội thảo cho thấy, đối với thế giới, nhà nước pháp quyền là một vấn đề không mới, đây là tri thức, giá trị tiến bộ của nhân loại đã được đúc kết và khẳng định qua lịch sử hàng trăm năm. Ở Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu rất sâu sắc của các nhà khoa học được công bố, giúp chúng ta hình thành được một hệ thống tư liệu khá phong phú, toàn diện về Nhà nước pháp quyền và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là cơ sở rất thuận lợi cho việc nghiên cứu xây dựng Đề án.

Chủ tịch nước đánh giá, qua trao đổi, thảo luận tại hội thảo, mặc dù vẫn còn có những điểm cần phải tiếp tục nghiên cứu, luận giải, nhưng về cơ bản các đại biểu trong hội thảo đã đi đến những nhận thức thống nhất sau đây. Cụ thể: Pháp quyền, Nhà nước pháp quyền là những giá trị có tính phổ quát trên thế giới, cả trong nghiên cứu lý luận và thực tiễn chính trị-pháp lý.

Ở Việt Nam, những giá trị cốt lõi của Nhà nước pháp quyền về chủ quyền nhân dân, về tư tưởng đề cao giá trị công bằng, công lý, quyền con người đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng tới từ những ngày đầu lập quốc; trở thành tư tưởng xuyên suốt của cách mạng Việt Nam; thể hiện trong nhiều bài viết, bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp của nước ta.

leftcenterrightdel
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các phó trưởng ban và thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đồng chủ trì hội thảo.  

Chủ tịch nước lưu ý, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà chúng ta đang nỗ lực xây dựng và hoàn thiện có đầy đủ cơ sở khoa học lý luận và thực tiễn. Các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là: Nhân dân là nguồn gốc, là chủ thể quyền lực của Nhà nước, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tôn trọng các cam kết quốc tế với tư cách là một thành viên. Quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ; dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quy luật phát triển tất yếu của nhà nước Việt Nam, là ước mơ, khát vọng và sự lựa chọn của nhân dân, phù hợp với các xu hướng phát triển nhà nước trên thế giới, đã được Đảng ta cân nhắc kỹ lưỡng.

Trong điều kiện bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước có những biến đổi to lớn, toàn diện và sâu sắc hiện nay, việc chúng ta tập trung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam để phát huy những giá trị tiến bộ của nó phục vụ phát triển đất nước là yêu cầu cấp thiết.

leftcenterrightdel
Giáo sư, TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương phát biểu tại hội thảo. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, nội dung của hội thảo có ý nghĩa rất thiết thực, giúp nhận diện rõ hơn về cấu trúc, các thành tố và mối quan hệ giữa chúng của mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ đó định hướng, xác định những bước đi, giai đoạn phù hợp cho quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời gian tới.

Chủ tịch nước đề nghị các đồng chí trong Tổ Biên tập Đề án nghiên cứu, chọn lọc, tiếp thu những kiến nghị, đề xuất, giải pháp mà các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ thực tiễn đưa ra để có cách thức, biện pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong lý luận nhận thức cũng như trong quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đưa thành các nhiệm vụ trong Đề án xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tin, ảnh: VŨ DUNG