Buổi sáng, bầu trời Sài Gòn nặng trĩu những đám mây mưa. Lâu lắm mới có một ngày đất trời âm u như thế. Tôi bàng hoàng nhận được tin chú Sáu Dân (tức nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đã ra đi. Với tôi, dù là biết rõ sẽ có ngày này nhưng không thể tin sao lại là hôm nay và sao lại sớm thế, bởi chú Sáu thân thương của chúng tôi vẫn rất tinh anh, rất năng động…

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Chú Sáu là thủ trưởng, là người thầy chí tình, chí nghĩa của tôi và nhiều đồng chí khác. Ngay từ những năm đầu 1960, tôi được chọn vào tiểu đội bảo vệ Khu ủy, Bộ tư lệnh khu Sài Gòn-Gia Định mà chú Sáu Dân là thủ trưởng. Chúng tôi đều là những thanh niên Nam Bộ trẻ măng, được chú quan tâm chăm sóc, giáo dưỡng. Tuy trong gian nan cực điểm nhưng chú là thần tượng của lớp chiến sĩ giải phóng quân rời ruộng đồng thoát ly theo cách mạng. Chú đã đào tạo tôi từ chiến sĩ bảo vệ trưởng thành đến cán bộ tiểu đội, trung đội, đại đội trong quân đội, rồi Bí thư Liên quận 9 - Thủ Đức, Phân khu ủy viên Phân khu 4 (1972).

Sau ngày thống nhất nước nhà, trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, công việc chung bộn bề, nhưng lúc nào chú Sáu cũng luôn quan tâm, thăm hỏi lớp anh em chúng tôi thuở chiến trường xưa, ai còn, ai mất… Từ chiến sĩ biệt động thành, sau ngày giải phóng, tôi chuyển ngành sang lực lượng Công an nhân dân. Thời điểm cuối những năm 1980, tình trạng buôn lậu qua biên giới Tây Nam “nóng” lên. Chú Sáu Dân lúc ấy là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng rất trăn trở với vấn nạn này, yêu cầu các lực lượng chức năng phải ngăn chặn tình trạng buôn lậu qua biên giới. Là chiến sĩ nhận lệnh, tôi tuyệt đối phục tùng và đã chỉ huy góp phần ngăn chặn cuộc buôn lậu thuốc lá quy mô lớn từ biên giới Cam-pu-chia về thành phố ngay trong năm 1987...

Khi Trung ương điều chú ra Hà Nội giữ trọng trách mới, chúng tôi sau bao năm thực hiện nhiệm vụ cho cách mạng cũng dần trở về với cuộc sống đời thường. Chú Sáu Dân-người thầy lớn vẫn đối xử với chúng tôi rất chân tình giản dị và bao dung. Hình ảnh chú Sáu Dân trong tâm trí anh em chúng tôi luôn đầy ắp lòng kính trọng.

Tuy hai vai gánh nặng việc non sông, nhưng chú vẫn sắp xếp thời gian đi thăm hỏi anh em chúng tôi những lúc đau ốm. Tôi không ngờ và vô cùng cảm động khi tại căn nhà lá ngoại thành không điện nước ở kênh 9, ấp Tam Tân, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, một vùng hoang hóa nhiễm phèn nặng, con đường ven kênh gồ ghề bụi đỏ, chú Sáu Dân đã đến thăm tôi và động viên tôi ráng phủ xanh vùng hoang hóa này. Dù trăm công nghìn việc, chú vẫn ở lại chòi tranh của tôi hơn hai tiếng đồng hồ. Anh em bảo vệ của chú nói, đấy là cái tình, cái nghĩa của chú với những người đồng đội cũ. Tôi chợt nhớ lúc ở mật khu Bến Dượt, chú cháu đang ngồi chuẩn bị công việc thì giặc càn đến. Anh Sáu Nô chỉ huy đơn vị đưa chú xuống hầm. Một viên đạn bay ngay vào chỗ chú ngồi, chú thoát hiểm. Tôi lấy được đầu đạn ấy và chú đã giữ làm kỷ niệm. Ngày ấy, trong bom đạn, chú cháu tôi cùng đi mò cua, bắt ốc, bắt cá để ăn lấy sức đánh giặc.

Chú Sáu ơi! Kỷ niệm tràn đầy. Chú Sáu ơi! Chú ra đi để lại trong cháu khoảng trống sâu thẳm. Một mắt cháu đã mất trong chiến tranh, mắt còn lại nước trong hố mằn mặn chảy dài. Cuộc đời chú không một ngày không lo cho sự nghiệp chung, cả những lúc đã về nghỉ khi tuổi già. Hình ảnh chú gắn liền với cả nước và đặc biệt với Sài Gòn - Gia Định, với Nam bộ thân yêu. Hình ảnh chú luôn sáng mãi trong trái tim những đồng đội xưa, những lớp học trò như chúng cháu. Vĩnh biệt chú, cháu xin khắc sâu lời chú dặn dò: “Còn sức còn chiến đấu. Phục vụ suốt đời vì nhân dân”…

Đại tá Trần Xuân Trí (Nguyên chiến sĩ bảo vệ Khu ủy, Bộ tư lệnh khu Sài Gòn - Gia Định năm 1960)