Hai cuốn nhật kí của người chiến sĩ đặc công ở mặt trận Tây Nguyên (B3) đã khiến tôi xúc động. Một cuốn mang tên "Nhật kí Nam tiến" và một cuốn có tựa đề "Đường về hậu phương". Đó là kỉ vật thiêng liêng của CCB Hoàng Thanh Sửu, 73 tuổi ở phường Đồng Sơn, Đồng Hới, Quảng Bình. Ông từng chiến đấu ở Mặt trận B3 những năm 1965-1969, thời kì ác liệt nhất trên miền rừng núi bắc Tây Nguyên…
Nhật kí Nam tiến
Vốn là một giáo viên, ông Hoàng Thanh Sửu nhập ngũ năm 1959, làm công tác thông tin văn hóa ở Tỉnh đội Quảng Bình. Năm 1962, ông chuyển ngành và công tác ở Thị đoàn rồi Thị ủy Đồng Hới. Năm 1965, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Sửu tái ngũ và lên đường hành quân vào chiến trường Tây Nguyên, để lại nơi hậu phương người vợ trẻ và đứa con thơ. Là lính trinh sát đặc công của Đơn vị K28, Mặt trận B3, chịu đựng nhiều khó khăn gian khổ ở miền rừng thiêng nước độc nhưng vốn yêu văn học và có biệt tài hội họa, lúc nào rảnh ông Sửu lại say sưa viết nhật kí và vẽ tranh tặng đồng đội...
Cuốn nhật kí Nam tiến cỡ 13x17cm, giấy ô li dày gần trăm trang, tuy đã nhuốm màu thời gian nhưng vẫn còn dễ đọc, bởi chữ của ông Sửu đẹp, nắn nót, đôi khi có vẽ minh họa sinh động. Xen lẫn từng trang nhật kí là những bài thơ do ông sáng tác trên đường hành quân. Mỗi dòng nhật kí, mỗi câu thơ mang nhiều cảm xúc khác nhau nhưng tất thảy đều toát lên lòng căm thù giặc sâu sắc, quyết tâm chiến đấu đến cùng. Rồi cả tình cảm nhung nhớ hậu phương, tinh thần lạc quan trong chiến đấu. Những bài thơ hay của các nhà thơ Trường Chinh, Tố Hữu về lí tưởng cộng sản cao đẹp cũng được ông chép cẩn thận trong nhật kí. Năm 1967, chứng kiến cảnh giặc Mỹ tàn sát đồng bào, ông căm phẫn viết:
- 13-3-1967: Nhiều người, trong đó có thân nhân của đồng chí Chính trị viên ở xóm Bình An đã bị giặc giết bằng súng tiểu liên và lựu đạn, có người bị bơm thuốc độc vào hầm, chết đau đớn. Chúng giết từ những em bé thơ ngây đến cụ già tóc bạc phơ. Chỉ trong 4 ngày mà chúng đã giết hại 744 người dân vô tội!
Ghi sâu tội ác quân cướp nước, ông và đồng đội đã nêu cao quyết tâm: Dù cho dốc đá tai mèo/Quyết tâm đánh Mỹ, núi đèo vượt qua/ Đường hành quân dẫu còn xa/ Thù kia thôi thúc tạo đà đến nơi/ Đánh cho quân Mỹ tơi bời/ Miền Nam giục giã đoàn người lập công...
Những lá thư của hậu phương gửi vào bị bom thù xé rách, có chỗ không đọc được, tuy đau lòng nhưng ông vẫn kìm nén tình cảm, lấy đó làm quyết tâm cao: Mảnh pháo xé thư; chữ vẫn còn/ Tình cảm đâu sờn bởi đạn bom/ Dẫu quân cướp Mỹ gây tội ác/ Khắc cốt ghi trên nẻo Trường Sơn.
Những bài thơ trong nhật kí của ông mộc mạc, đơn sơ nhưng chứa đựng ý chí quyết tâm cao, đôi khi pha chút tinh nghịch của người lính đặc công. Kỉ niệm một lần vượt sông Pô Cô để nắm tình hình địch:
- Ngày 19-9-1966: Tưởng rằng có chiếc đò ngang/ Ai ngờ nước lớn, vượt sang không thuyền/ Lặng nhìn dòng nước sao yên/ Ni lông gói lại thay thuyền qua sông/ Bơi qua lòng mới nhủ lòng/ Quyết tâm diệt Mỹ, núi sông nào bằng! Nung nấu quyết tâm đó để khi xung trận, đơn vị đã chiến thắng giòn giã, điển hình là các trận tiêu diệt căn cứ địch ở Đắc Tô, Tân Cảnh.
Những năm tháng cùng đồng đội chiến đấu trên Mặt trận B3, đơn vị trinh sát do đồng chí Đức Thịnh làm Tiểu đoàn trưởng đã luồn lách khắp các miền rừng núi Plây-me, Ngọc Linh, Đắc Tô, là nỗi khiếp đảm của lính Mỹ và quân chư hầu. Cuộc sống gian khổ, đói rét và bệnh tật, nhất là sốt rét ác tính hành hạ, nhưng ông và đồng đội đã vượt qua để chiến thắng kẻ thù.
 |
CCB Hoàng Thanh Sửu đọc lại cuốn nhật kí của mình. |
Đường về hậu phương
Qua 4 năm chiến đấu trên đất Tây Nguyên, gối đất, nằm sương để tác chiến nên ông Sửu bị sốt rét nặng. Tháng 5-1969, do bị thương, ông được lệnh ra Bắc điều trị. Hành quân trên đất Việt rồi vòng qua rừng Lào, phần lớn là đi bộ. Lúc khỏe thì tự đi, lúc ốm thì đồng đội cáng, ra đến gần miền Bắc mới được đi ô tô. Suốt hai tháng trèo đèo lội suối vượt dãy Trường Sơn hiểm trở nhưng mỗi lần dừng chân ông lại dành thời gian viết nhật kí:
- 5-5-1969: Nơi chúng tôi đứng cao khoảng ngàn rưởi mét, khung cảnh thật hùng vĩ. Bên phải là tỉnh A-tô-pơ của nước bạn Lào, bên trái là Quảng Nam hay Kon Tum, rừng cổ thụ thẳng đứng bạt ngàn. Dọc đường có rải rác các bản dân tộc Lào, càng đi càng gặp cảnh vật nên thơ. Đến trạm 70 lúc 12 giờ trưa...
Càng đi ra, chiến trường càng ác liệt, phút dừng chân ở trạm giao liên ông tranh thủ viết:
- Ngày 6-6-1969: Vượt trạm 15 về trạm 7, qua ba trọng điểm ác liệt nữa mới đến bờ sông Sê Pôn. Đến đường 9 gặp pháo, dọc đường gặp nhiều bãi bom B52 nham nhở, khét lẹt. Đến trạm T14 lúc 3 giờ chiều, nhưng mãi đến 9 giờ tối mới được ăn cơm. Ngày hôm sau sẽ đến trạm 5, là trạm cuối của đường 559...
Cuốn nhật kí này cũng được ông ghi gần như liên tục. Vừa vượt qua bệnh tật, vừa nuôi ý chí sẽ trở lại chiến trường cầm súng chiến đấu. Hành quân qua quê nhà nhưng ông không kịp ghé thăm vợ con, đi thẳng ra Hà Nội.
Cuối năm 1970, ông Sửu chuyển ngành về công tác ở thị xã Đồng Hới giữ chức Trưởng đài Phát thanh thị xã. Trên làn sóng của đài địa phương, ông tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Tiếng hát át tiếng bom".
Cách đây vài năm, vết thương cũ tái phát, rồi căn bệnh hở động mạch vành phát sinh, phải vào Huế đại phẫu, vết thương chồng lên vết thương. Tưởng không qua khỏi, ông dặn những người con phải giữ gìn cẩn thận hai cuốn nhật kí. Bởi vậy, ngoài các con ông, ít người được xem kỉ vật thiêng liêng đó. Tôi là người vinh hạnh được đọc những con chữ nóng bỏng và đầy lạc quan của người lính đặc công, nhưng đã nằm im nhiều năm trong tủ kính của gia đình.
Bài và ảnh: XUÂN VUI