Phóng viên (PV): Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 diễn ra trong bối cảnh an ninh khu vực đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ dưới tác động của cạnh tranh giữa các nước lớn, vậy xin Thứ trưởng cho biết đâu là những trọng tâm được các đại biểu thảo luận trong các phiên đối thoại?
 |
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. |
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Nhìn các thành phần, số lượng và nội dung mà các Đoàn Đại biểu quốc phòng các nước đem đến Shangri-La 2019 có thể thấy rất đông đảo, phong phú. Điều này thể hiện hai khía cạnh về an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương: Thứ nhất, ngày càng có nhiều nước trên thế giới quan tâm đến khu vực này, kể cả những nước lớn và những nước trong khu vực cũng như những nước ngoài khu vực. Thứ hai là tình hình an ninh châu Á-Thái Bình Dương, lợi ích rất lớn, tương lai rất tốt đẹp nhưng mà thực tế thì có rất nhiều vấn đề đang nổi lên. Đó là vấn đề cạnh tranh giữa các nước lớn; tuân thủ luật pháp quốc tế; sử dụng sức mạnh quân sự trong việc xử lý các vấn đề giữa các cường quốc với nhau và giữa các cường quốc với các nước trong khu vực; tranh chấp lãnh thổ; môi trường hay những vấn đề mới về chiến tranh trong chương lai.
Chính vì vậy mà trong năm nay chủ đề của Shangri-La rất rộng. Có thể khái quát là Đối thoại đã đề cập đến những thách thức an ninh ở trong khu vực cũng như làm thế nào để giải quyết nó để tất cả các nước đều được thụ hưởng lợi ích ở trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, kể cả nước lớn nhất thế giới cho đến nước nhỏ nhất đều phải được công bằng và được bảo trợ bởi một không khí an ninh và hòa bình.
Năm nay có ba chủ đề lớn. Thứ nhất là quan hệ giữa các nước lớn, thứ hai là đối phó với các thách thức mới và thứ ba là xử lý các vấn đề tranh chấp như thế nào. Liên quan đến nội dung thứ ba, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch có bài phát biểu quan trọng nêu lên quan điểm của Việt Nam về an ninh khu vực, đặc biệt là cách làm mà Việt Nam đề xuất với khu vực và thế giới về làm thế nào để giải quyết tranh chấp mà không để xảy ra xung đột. Một nội dung cũng rất được quan tâm là quan hệ giữa hai cường quốc trên thế giới Mỹ và Trung Quốc. Đầu tiên phải thấy là hợp tác và lợi ích của hai nước này không thể bỏ đi được. Hai nước vẫn hợp tác với nhau nhưng những mâu thuẫn và tranh chấp về kinh tế, thương mại, các vấn đề về luật pháp quốc tế hết sức căng thẳng, cho nên các nước rất quan tâm. Vậy thì Trung Quốc và Mỹ sẽ nói gì trong Hội nghị này, đặc biệt khi mà 8 năm nay Trung Quốc mới cử một Bộ trưởng Quốc phòng sang dự Shangri-La? Đây là vấn đề quan tâm hàng đầu của các nước trong khu vực.
Vấn đề thứ hai các nước quan tâm là hiện nay trong khu vực đang nổi lên rất nhiều tranh chấp, lợi ích của các nước càng phong phú thì tranh chấp càng đa dạng, và mỗi một nước đều có lợi ích riêng của họ. Vậy làm thế nào để có thể giải quyết được những tranh chấp này? Thứ ba là trước tình hình mới hiện nay có nhiều vấn đề mới về an ninh đòi hỏi phải có sự hợp tác xuyên quốc gia để có thể giải quyết, như vấn đề an ninh phi truyền thống hay vấn đề an ninh mạng và những vấn đề khác nữa... Điểm đặc biệt là khác với những lần trước, tại Đối thoại Shangri-La lần này mối quan tâm của các nước ngày càng thực chất hơn và nó thể hiện rõ hơn tiếng nói của các nước nhỏ. Các nước nhỏ bây giờ tham gia diễn đàn với tư cách bình đẳng và có tiếng nói như các nước lớn. Tôi cho rằng đây là một điểm mới và là điểm tiến bộ của Đối thoại Shangri-La lần này.
PV: Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long là người phát biểu dẫn đề khai mạc, trong đó nhấn mạnh vai trò của các nước nhỏ trong việc tham gia vào các thể chế đa phương cũng như khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực. Vậy xin Thứ trưởng cho biết những nhận định của mình về vấn đề này?
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi cho rằng, tính trung tâm của các quốc gia ASEAN trong các hợp tác đa phương trong khu vực là một nhân tố quyết định đến tương lai ổn định và phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Nhưng đây cũng lại là một thách thức trong thời điểm hiện nay, đó là liệu tính trung tâm ấy có tồn tại không. Điều đó xuất phát từ việc liệu ASEAN có được tiếng nói chung, có sự đoàn kết trước những vấn đề lớn của khu vực hay không. Đây là vấn đề mà tất cả các nước đều băn khoăn. Làm sao có được tiếng nói chung khi mà lợi ích khác nhau và mối quan hệ giữa các nước ASEAN và các nước lớn cũng khác nhau? Làm sao có được, giữ được sự thống nhất để có được vị trí trung tâm? Có thể thấy các nước ASEAN đều đề cập đến vấn đề này, theo đó phải dựa trên tiêu chí cơ bản về lợi ích, về an ninh là luật pháp quốc tế và lợi ích chính đáng của các quốc gia để mà hành xử với các nước lớn. Như vậy chúng ta sẽ có được tiếng nói trung tâm. Bài phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long cũng hết sức có ý nghĩa khi đề cập đến cả một quá trình dài nhiều thăng trầm mà khu vực đã trải qua để có được sự bình yên ổn định nhưng chưa bền vững như hôm nay và ông lo ngại cho một tương lai chưa bền vững. Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng đề xuất ra những giải pháp, cách tư duy, cách tiếp cận để tìm kiếm sự bền vững, hòa bình, ổn định của ASEAN nói riêng và của châu Á-Thái Bình Dương nói chung.
PV: Ở phiên thảo luận thứ 5 với chủ đề “Ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực có cạnh tranh”, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã có bài phát biểu thu hút được sự quan tâm của các đại biểu. Vậy xin Thứ trưởng cho biết thông điệp của Việt Nam tại diễn đàn lần này, đặc biệt là trong bối cảnh khu vực đang phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh đa dạng? Liên quan đến chủ đề này, Thứ trưởng bình luận gì về những phát biểu của các bên, nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc tại đối thoại lần này?
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi muốn đề cập đến phát biểu của Hoa Kỳ và Trung Quốc trước. Tại Shangri-La lần này, bài phát biểu của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan và Thượng tướng Nguỵ Phượng Hoà, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc được quan tâm đặc biệt, có thể nói là quan tâm hàng đầu, chỉ sau bài phát biểu đề dẫn của Thủ tướng Lý Hiển Long. Trong bối cảnh hai nước đang có rất nhiều căng thẳng, đặc biêt là chiến tranh thương mại rồi cạnh tranh chiến lược về an ninh quốc phòng trong khu vực, rất dễ để mọi người suy đoán rằng liệu có những phát biểu rất cứng rắn mạnh mẽ mang tính chất đối đầu giữa hai nước lớn này. Tuy nhiên, thực tế thì lại không diễn ra như thế. Họ phát biểu rất chừng mực. Điều này làm cho chúng tôi hiểu rằng là có cạnh tranh, có mâu thuẫn, có xung đột nhưng không nước nào muốn "đứt gãy" mối quan hệ này và cũng không nước nào muốn có sự mất ổn định đến quốc gia mình. Dù là lớn đến như thế thì họ phải tìm cách nào đó để xử lý vấn đề trong giới hạn có thể chấp nhận được. Đây là tinh thần chung của hai bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc. Nó tạo ra một sự yên tâm trong suy nghĩ của cử tọa, của những người ngồi nghe. Tuy nhiên, mọi người cũng đều có một câu hỏi thứ hai nữa là nói như vậy nhưng thực tế họ làm như thế nào, họ hành xử như thế nào? Và với các nước nhỏ còn lại thì họ sẽ như thế nào? Điều này thì phải chờ những lời nói và hành động của những nước lớn trong thực tế, trong hành động, trong ứng xử với từng vấn đề một cũng như với từng quốc gia, từng cấu trúc an ninh đa phương.
Năm nay Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam được Ban tổ chức mời phát biểu tại một phiên nói lên nhiều vấn đề rất nhạy cảm của khu vực: Tranh chấp. Tranh chấp hiện nay rất đa dạng: Tranh chấp chủ quyền, tranh chấp về chế độ chính trị, tranh chấp thương mại, tranh chấp về khoa học công nghệ và rất nhiều lĩnh vực khác. Đây cũng là một vấn đề nóng của khu vực, trong đó hồ sơ Biển Đông cũng là một vấn đề rất nóng mà tất cả các nước đều quan tâm. Các đại biểu khi gặp đoàn Việt Nam trước khi Đại tướng Ngô Xuân Lịch phát biểu thì đều cho biết họ rất mong đợi ý kiến phát biểu của Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, không chỉ vì đấy là ý kiến của Bộ trưởng mà đấy là quan điểm của Đảng, Nhà nước và Quân đội Việt Nam về làm thế nào để giải quyết tranh chấp. Rõ ràng, tiêu đề bài phát biểu của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch gần như đã trả lời toàn bộ câu hỏi đó: Chính là giải quyết tranh chấp trong không khí hòa bình, trên tinh thần đối tác và với trách nhiệm cộng đồng. Rất ngắn như vậy thôi.
Điều này có hàm ý là gì?
Trước hết là, thường thì trong tranh chấp, mỗi nước đều phải bảo vệ lợi ích của mình. Vậy thì làm thế nào để có tiếng nói chung khi mà vấn đề khác nhau? Nếu như chúng ta không tạo ra một không khí hòa bình thì nguy cơ xung đột, thậm chí là nguy cơ chiến tranh là rất lớn và cũng rất gần. Thế cho nên việc đầu tiên là phải tạo được không khí hòa bình trong việc giải quyết tranh chấp giữa các nước, nhóm nước với nhau. Thứ hai là vấn đề về chủ quyền dù không thể thỏa hiệp, nhưng nếu như chúng ta không có một tinh thần hợp tác tốt thì không bao giờ giải quyết được và nếu coi nhau là "đối tượng," không chấp nhận một cách tuyệt đối thì chúng ta không có được kết quả tốt đẹp. Cho nên, cần phải có tinh thần đối tác cùng hợp tác để giải quyết sự khác biệt. Ví dụ như giữa ta với Trung Quốc trong giải quyết vấn đề Biển Đông thì phải coi nhau là đối tác và trên tinh thần ấy, tôn trong luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích của nhau thì mới giải quyết được vấn đề khác biệt về chủ quyền của ta với Trung Quốc.
Còn vấn đề nữa là gì? Đây là việc của các nước với nhau để giải quyết tranh chấp nhưng không thể đóng kín để giải quyết tranh chấp được mà giải quyết tranh chấp ấy phải vì trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, cộng đồng khu vực. Nó hàm ý là chúng ta giải quyết tranh chấp, bảo vệ lợi ích của mình, thỏa thuận lợi ích với nước có tranh chấp với mình nhưng chúng ta phải tôn trọng lợi ích của tất cả các quốc gia khác ở trong tranh chấp đó. Đây là những nội dung chính bài phát biểu của Đại tướng Ngô Xuân Lịch. Theo quan sát của chúng tôi thì các đại biểu hết sức quan tâm và họ muốn hiểu rõ hơn nữa những nhân tố giải quyết tranh chấp mà chúng ta đưa ra nhưng nhìn chung, họ rất đồng tình với cách đặt vấn đề của Đại tướng Ngô Xuân Lịch. Đó là gì? Đó là "giải quyết tranh chấp trong không khí hòa bình, với tinh thần đối tác và vì trách nhiệm cộng đồng".
PV: Xin Thứ trưởng cho biết những nhận định và đánh giá về kết quả của Đối thoại Shangri-La lần thứ 18?
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi cho rằng cái được lớn nhất của Đối thoại Shangri-La là các nước có diễn đàn để trình bày về chính sách quốc phòng an ninh của nước mình, nêu ra quan ngại của họ và cơ bản là các nước đều tìm tiếng nói chung để đảm bảo lợi ích của mình đồng thời đảm bảo hòa bình, ổn định của khu vực. Đối thoại Shangri-La năm nay có 2 điểm thành công, trước hết là sự tham gia đông đảo về số lượng và thành phần, sự quan tâm của giới chức chính trị quốc phòng an ninh các nước đối với Đối thoại Shangri-La rất lớn. Điều này thể hiện sự quan tâm của các nước đối với hòa bình, ổn định an ninh của khu vực. Thứ hai là các nước đều có nhận thức chung về an ninh quốc phòng, về tranh chấp, xung đột cũng như những thách thức mới về an ninh với phương châm dù làm gì thì cũng phải giữ cho được hòa bình, ổn định. Trong đó, phát biểu của đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch trình bày đã có đóng góp rất quan trọng vào thành công của Đối thoại Shangri-La 18 trong việc tạo không khí hòa bình cũng như những nguyên tắc, công thức để giải quyết tranh chấp.
PV: Thưa Thứ trưởng, xin Thứ trưởng cho biết Việt Nam đã có những sáng kiến gì để tiếp tục duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như thúc đẩy hợp tác trong việc giải quyết các thách thức an ninh xuyên biên giới, đặc biệt là trong năm 2020 tới đây, khi Việt Nam chính thức đảm nhận vai trò là Chủ tịch ASEAN?
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Những phát biểu và đóng góp trong Shangri-La 18 không có gì hoàn toàn mới so với những quan điểm cơ bản của đoàn Việt Nam từ trước đến nay trước các vấn đề an ninh. Tuy nhiên, tôi thấy có một đóng góp rất nổi bật trong Đối thoại lần này, đó là Việt Nam đưa ra một công thức rất phù hợp với tình hình như tôi đã nói thông qua bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.
Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cũng đã đề cập tới việc Việt Nam sẽ là chủ nhà ASEAN và riêng với quân sự quốc phòng thì có rất nhiều hoạt động trong khuôn khổ ADMM và ADMM+. Việt Nam dự kiến sẽ có tuyên bố chung-tuyên bố Hà Nội của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về việc nâng cao hiệu quả hợp tác quốc phòng của 10 nước ASEAN, nâng cao tính đoàn kết thống nhất trong ASEAN để đối phó với các thách thức khu vực. Thứ hai là Việt Nam cũng dự kiến đưa ra một tầm nhìn chiến lược Châu Á – Thái Bình Dương trong khuôn khổ ADMM+, trong đó đề cập đến tất cả các vấn đề an ninh trong 10 năm (2010-2020) cũng như cho 10 năm tới. Gần như tất cả những nội dung mà đối thoại lần này thảo luận cũng sẽ được đưa vào tầm nhìn này và cách thức chung trong hợp tác để giải quyết vấn đề đó. Ngoài ra, chúng ta cũng đang tính đến làm thế nào để hiện thực hóa hợp tác ADMM, ADMM+ một cách thực chất hơn, và các nước lớn tham gia vào ADMM+ với trách nhiệm phải lớn hơn, đóng góp vào hòa bình ổn định trong khu vực. Hay nói cách khác, đó là biến hợp tác trên bàn thành hợp tác thực chất.
Thứ hai là hiện nay có nhiều nước, hầu hết là các nước lớn trên thế giới (như Anh, Pháp, Canada và một số nước khác) bày tỏ mong muốn tham gia vào cơ chế ADMM+. Cái này là thuộc quyền quyết định của 10 nước ASEAN. Đối với Việt Nam, chúng ta cho rằng điều này thể hiện uy tín của ASEAN cũng như lợi ích của thế giới hiện nay rất rộng lớn và đây là một cơ hội cho việc phát triển cái đặc tính cơ bản của cấu trúc ADMM cũng như ADMM+, đó là mở và dung nạp. Đây là những vấn đề mới và chúng ta sẽ xử lý trong năm làm Chủ tịch ASEAN.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
THU TRANG (ghi)