Có thể nói rằng, sự trưởng thành và phát triển của lực lượng GGHB Việt Nam gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Cục GGHB Việt Nam. Trong suốt quá trình hoạt động, Cục GGHB Việt Nam với sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ban, ngành liên quan đã góp phần mang lại những kết quả tốt đẹp trong tham gia sứ mệnh GGHB LHQ của đất nước,góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự tham gia của Việt Nam vào sứ mệnhchung.

Kể từ khi được thành lập cho đến nay, Cục GGHB Việt Nam luôn hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân tin tưởng giao phó, cũng như hoàn thành các nhiệm vụ của LHQ. Mặc dù là lực lượng “sinh sau đẻ muộn”, nhưng đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Lực lượng tham gia tại các phái bộ của Việt Nam từ hình thức cá nhân cho tới đơn vị tiếp tục được duy trì và bảo đảm chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn cao của LHQ.100% cán bộ, sĩ quan triển khai làm nhiệm vụ đều hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bệnh viện dã chiến (BVDC) cấp 2 Việt Nam được LHQ đánh giá cao về chuyên môn y tế, nhận được nhiều thư khen ngợi của lãnh đạo LHQ.Đặc biệt Việt Nam đã có 3 sĩ quan trúng tuyển vào các vị trí tại Cục hoạt động hòa bình, trụ sở LHQ ở New York (Hoa Kỳ). Với sự tham gia của các sĩ quan ở cơ quan đầu não của LHQ về GGHB, Việt Namkhông chỉ tuân thủ và làm theo các quy tắc, luật lệ đã được hoạch định sẵn mà tiến tới tham gia vào quá trình xây dựng các quy tắc, luật lệ của hoạt động GGHB.

Các y, bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 của Việt Nam tại Cộng hòa Nam Sudan bảo đảm an toàn cho bệnh nhân trong quá trình vận chuyển cấp cứu đường không. Ảnh do Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 cung cấp

Qua những hoạt động cụ thể kể từ khi thành lập, Cục GGHB Việt Nam, tiền thân là Trung tâm GGHB Việt Nam, đã không ngừng phát triển,xây dựng lực lượng GGHB Việt Nam trở thành lực lượng ngày càng chuyên nghiệp, ghi dấu ấn đối với bạn bè quốc tế.Năm 2018, Việt Nam lần đầu tiên cử đội hình đơn vị BVDC cấp 2 số 1 tới Phái bộ ở Cộng hòa (CH) Nam Sudan-một sự kiện được LHQ đánh giá có ý nghĩa lịch sử, ghi dấu mốc quan trọng trong quá trình tham gia hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam. Sự hiện diện của các y, bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam ở CH Nam Sudan thực sự đã mang đến cho bạn bè quốc tế và người dân nước sở tại những hình ảnh sống động và chân thực về người lính Bộ đội Cụ Hồ yêu chuộng hòa bình, có đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ GGHB quốc tế. Tiếp bước sứ mệnh của các đồng đội đi trước, các thê đội 2 và 3 của BVDC cấp 2 Việt Nam đã lần lượt triển khai thực hiện sứ mệnh GGHB LHQ và trở thành chỗ dựa tinh thần cho lực lượng mũ nồi xanh LHQ tại địa bàn. Nhất là khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở CH Nam Sudan, BVDC cấp 2 số 2 Việt Nam đã nhận được những lời khen ngợi từ LHQ dành cho những chiến sĩ mũ nồi xanh thực thi sứ mệnh giữa tâm dịch. Hiện nay, BVDC cấp 2 số 3 đang tiếp tục thực hiện sứ mệnh đầy thử thách ấy với mục tiêu kép, vừa mở cửa thu dung tiếp nhận bệnh nhân, vừa tích cực phòng, chống Covid-19.

Đặc biệt, các sĩ quan GGHB LHQ của Việt Nam không chỉ hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn, mà còn là các “sứ giả” của hòa bình và tình hữu nghị, với việc tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ người dân nghèo khó ở địa bàn, góp phần lan toả tinh thần nhân văn của người lính mũ nồi xanh. Hình ảnh Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga ở CH Nam Sudan-nữ sĩ quan Việt Nam đầu tiên tham gia hoạt động GGHB LHQ-như người mẹ, người chị giúp đỡ những đứa trẻ nghèo; Trung tá Nguyễn Thị Liên ở Phái bộ CH Trung Phi hướng dẫn người dân bản địa trồng cây lương thực cải thiện cuộc sống, may khẩu trang tặng các đồng nghiệp và người dân phòng, chống Covid-19 đã góp phần lan toả hình ảnh tốt đẹp của người lính Bộ đội Cụ Hồ.

Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chỉ huy, điều hành các lực lượng của ta tại các phái bộ,Cục GGHB Việt Nam cũng thực hiện tốt các nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện, chuẩn bị tiền triển khai, với các kết quả được LHQ đánh giá cao. Đặc biệt, LHQđã ủng hộ mạnh mẽ việc xây dựng Cục GGHB Việt Nam trở thành trung tâm nâng cao năng lực GGHB của khu vực và trên thế giới. Đây cũng là mục tiêu được Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng Việt Namxác định rõ, góp phần thực hiện cam kết Việt Nam tham gia lâu dài vào hoạt động GGHB LHQ, đồng thời khẳng định vai trò, trách nhiệm, uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Việt Nam có những thuận lợi để thực hiện mục tiêu trên, đó là một số quốc gia đối tác có thế mạnh về huấn luyện GGHB trên thế giới đã và đang tỏ ra rất quan tâm tới sáng kiến này của Việt Nam. Họ chờ đợi LHQ và Việt Nam xác định mô hình phù hợp và sẵn sàng tham gia hỗ trợ. Cùng với đó là sự quan tâm đầu tư của Bộ Quốcphòngtrong tương lai sẽ góp phần thúc đẩy mục tiêu sớm trở thành hiện thực.

Nếu được thành lập, một trung tâm như vậy đặt tại Việt Nam sẽ là nơi huấn luyện, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực của các lực lượng như công binh, quân y, ngoại ngữ, pháp luật, phụ nữ tham gia GGHB LHQ...Trung tâmsẽkhông chỉbồi dưỡng,đào tạo cho các lực lượng của chúng ta màcòn bồi dưỡng và đào tạo,huấn luyệnchocác lực lượng GGHB trong khu vực, các quốc gia lân cận.

Sự tin tưởng và ủng hộ mạnh mẽ của LHQ dành cho Việt Nam cũng được thể hiện thông qua việc LHQ mời Việt Nam triển khai Đội Công binh, ngoài đề nghị Việt Nam duy trì triển khai BVDC cấp 2 tham gia Phái bộ ở CH Nam Sudan. Trải qua quá trình huấn luyện hơn 4 năm qua, hiện Đội Công binh Việt Nam đã sẵn sàng triển khai tham gia hoạt động GGHB LHQ. LHQ đã xếp Việt Nam lên nhóm các nước có mức độ sẵn sàng cao nhất trong danh sách các quốc gia có chuẩn bị Đội Công binh GGHB LHQ.

Hiện Việt Nam đang đàm phánvới LHQ về địa bàn triển khai Đội Công binh. LHQ đang đưa khả năngĐội Công binh GGHB Việt Nam triển khai tại CH Trung Phi.Đây cũng là một khả năng tốt, bởi quân đội Việt Nam đã quen với địa bàn này sau gần 7 năm cử các sĩ quan tới làm nhiệm vụ quốc tế tại đây, nên có cơ sở rất vững chắc. Nếu đội hình BVDC cấp 2 của Việt Nam có hơn 60 người, thì Đội Công binh có lực lượng đông đảo hơn nhiều với biên chế 290 sĩ quan chính thức và 29 người dự bị. Sự tham gia của Đội Công binh vào hoạt động GGHB LHQ sẽ là bước tiến quan trọng trong quá trình tham gia hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam.

Cần phải khẳng định,Việt Nam đạt được những thành công bước đầu đó là nhờcó những động lực quan trọng, đặc biệt là quyết tâm chính trị mạnh mẽ cùngsự ủng hộ mạnh mẽ của LHQ và cộng đồng quốc tế. Trong đó phải kể tới việcQuốc hội Việt Nam, ngày 13-11-2020,đã thông qua Nghị quyết số 130/2020/QH14về việc Việt Nam tham gia lực lượng GGHB LHQ, khẳng định Việt Nam có chủ trương và lộ trình bài bản trong tham gia hoạt động GGHB LHQ. Các chế độ, chính sách liên quan tới hoạt động GGHB LHQ trong đó tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam có thể tuyển dụng lực lượng không chỉ ở Bộ Quốc phòng mà cả Bộ Công an để tham gia vào các lĩnh vực mới của GGHB ở các phái bộ. Không phải quốc gia nào tham gia hoạt động GGHB LHQ cũng có một bộ luật hay nghị quyết của Quốc hội như Việt Nam. Do vậy, việc Việt Nam thông qua Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định sự nghiêm túc của Việt Nam trong thực hiện trách nhiệm, vai trò của mình đối với nỗ lực chung GGHB.

Việc Việt Nam trải qua nhiều cuộc chiến tranh, được biết tới là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, có kinh nghiệm xử lý các vấn đề phức tạp và thành công trong xây dựng đất nước, cũng là một lợi thế khi tham gia hoạt động GGHB LHQ. Với uy tín đó, việc tham gia hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam góp phần tạo dựng lòng tin ở những khu vực mà lực lượng mũ nồi xanh hoạt động.Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam có truyền thống anh hùng, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua và kỷ luật nghiêm minh cùng với quá trình chuẩn bị kỹ càng đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ của quốc gia và nhiệm vụ của LHQ tại các phái bộ. Việt Nam đã khắc phục những khó khăn và hạn chế về nguồn lực dành cho hoạt động GGHB LHQ, thu hút được các nguồn tài trợ quốc tế cho hoạt động GGHB.

Nhằm tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong hoạt động GGHB LHQ, Cục GGHB Việt Nam xác định một số nhiệm vụ trọng tâmtrong thời gian tới,đó là tiếp tục thúc đẩy các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc phòng trong lĩnh vực GGHB LHQ, tiếp tục thu hút các nguồn lực quốc tế để nâng cao năng lực toàn diện của Việt Nam cũng như QĐND Việt Nam trong chuẩn bị và triển khai lực lượng tham gia các hoạt động GGHB LHQ trong tương lai; xây dựng Cục GGHB Việt Nam và Trung tâm Huấn luyện của Cục GGHB Việt Nam có năng lực, đạt chuẩn và tầm cỡ quốc tế.Trước mắt, tiếp tục chuẩn bị để sẵn sàng triển khai thêm các suất cá nhân phù hợp khi LHQ đề nghị và chuẩn bị nhân sự thay thế cho các vị trí cá nhân hiện nay sĩ quan Việt Nam đang triển khai sau khi kết thúc nhiệm kỳ, nhất là vị trí sĩ quan nữ. Chuẩn bị mọi mặt chu đáo để triển khai lực lượng thay thế BVDC cấp 2 số 3 đầu năm 2022 và triển khai Đội Công binh trong thời gian sớm nhất; chuẩn bị tốt cho các sĩ quan của QĐND Việt Nam tiếp tục ứng thi vào làm việc tại cơ quan thường trực tại trụ sở của LHQ.

Thiếu tướng HOÀNG KIM PHỤNG, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam