QĐND - Các nhà sáng lập Chủ nghĩa Mác luôn cho rằng, tiến hành khởi nghĩa vũ trang tuyệt nhiên phải dựa vào “cao trào cách mạng của nhân dân”. Bạo lực cách mạng nhằm lật đổ giai cấp thống trị nhất thiết phải là bạo lực của quần chúng. Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 ở Việt Nam đã chứng minh luận điểm này.

Ph.Ăng-ghen. Ảnh tư liệu

 

1. Trong tác phẩm “Chống Đuy-rinh”, Phrê-đrích Ăng-ghen (Friedrich Engels) viết: “Bạo lực còn đóng một vai trò khác trong lịch sử, vai trò cách mạng. Theo lời C.Mác, bạo lực là bà đỡ cho mọi xã hội cũ đang thai nghén một xã hội mới trong lòng; bạo lực là công cụ mà sự vận động xã hội dùng để đánh thắng và đập tan tành những hình thức chính trị cứng đờ và chết”(1). C.Mác và Ph.Ăng-ghen coi bạo lực là bà đỡ cho xã hội cũ đang thai nghén xã hội mới, là phương tiện của cách mạng để giành chính quyền cách mạng.

Sáng tạo lớn của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh là xác định đúng động lực của cuộc cách mạng ở Việt Nam là giai cấp công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động khác dưới sự lãnh đạo của một đảng cách mạng chân chính. Ngoài ra, lực lượng cách mạng dân tộc còn bao gồm cả những nhà tư sản, địa chủ yêu nước, có thể đồng hành cùng cách mạng. Từ những năm 1925-1927, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định trong tác phẩm Đường Cách mệnh nổi tiếng của mình: Phải vận động, tổ chức nhân dân; phải thành lập Đảng có lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin; Đảng phải thật sự là đội tiên phong lãnh đạo nhân dân đấu tranh bằng mọi hình thức và khi có thời cơ thì nổi dậy tổng khởi nghĩa...

Hội nghị Trung ương 8 của Đảng (tháng 5-1941), do Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh chủ trì, đã bàn về những vấn đề trọng đại của đất nước trước những chuyển biến nhanh chóng của tình hình, báo trước một cơn bão táp cách mạng đang đến gần. Những nhiệm vụ cốt lõi được hội nghị nêu lên khi đó là: “Đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết” và “Xúc tiến chuẩn bị các điều kiện để khởi nghĩa vũ trang thắng lợi, giành chính quyền trong cả nước”. Để hoàn thành được nhiệm vụ đó, Đảng chủ trương thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng minh (tức Việt Minh), đưa ra Chương trình Việt Minh, giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, kêu gọi nhân dân tích cực chuẩn bị lực lượng, đứng về phe Đồng minh chống phát xít.

Trong quá trình tiến tới tổng khởi nghĩa, nhất là từ cao trào kháng Nhật cứu nước sau khi Nhật đảo chính hất cẳng Pháp (ngày 9-3-1945), Đảng đã xây dựng được nhiều căn cứ địa, nhiều chiến khu trên nhiều địa bàn trong cả nước, đặc biệt đã thành lập được Khu giải phóng Việt Bắc gồm nhiều tỉnh. Ở những khu căn cứ địa, Đảng và Mặt trận Việt Minh đã tỏ rõ uy tín và sức mạnh lãnh đạo nhân dân của mình, từng bước xây dựng hệ thống chính quyền nhân dân sơ khai, từng bước xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng lớn mạnh làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng. 

Cùng với các khu căn cứ địa và lực lượng vũ trang cách mạng ở miền núi và nông thôn, Đảng cũng lãnh đạo mở rộng và củng cố các tổ chức cứu quốc ở khu vực đô thị. Thắng lợi của Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 cho thấy, nhờ có cơ sở chính trị vững chắc ở đô thị, khi thời cơ đến, Đảng đã kịp thời huy động được lực lượng của đông đảo quần chúng ở thành thị phối hợp chặt chẽ với lực lượng nông dân từ nông thôn cùng về giành chính quyền tại những trung tâm đầu não, nhanh chóng giành thắng lợi quyết định.

2. Khi bàn đến những cuộc chiến tranh nhân dân ở các nước nhỏ, Ph.Ăng-ghen chỉ rõ: “Một dân tộc muốn giành độc lập cho mình thì không tự giới hạn trong những phương thức tiến hành chiến tranh thông thường. Khởi nghĩa quần chúng, chiến tranh cách mạng, các đội du kích ở khắp mọi nơi-đó là phương thức duy nhất nhờ đó mà một dân tộc nhỏ có thể đánh thắng được một dân tộc lớn, một quân đội ít mạnh hơn có thể đương đầu được với một quân đội mạnh hơn và có tổ chức hơn”(2). Ph.Ăng-ghen cũng đã khái quát những vấn đề cốt lõi về khởi nghĩa vũ trang trong luận văn Cách mạng và phản cách mạng ở Đức (tháng 8-1852).

Khi nói tới bạo lực cách mạng, Hồ Chí Minh coi trọng cách đánh du kích. Đây là cách đánh phù hợp với một nước nhỏ chống lại những nước có nền quân sự hùng mạnh, có ưu thế tiến hành chiến tranh hiện đại. Đây cũng là cách đánh mang lại hiệu quả cao, tổn thất ít cho cách mạng. Sau khi về nước (tháng 1-1941), Người trực tiếp dịch và giới thiệu một số sách viết về cách đánh du kích. Đó là những cuốn: Cách đánh du kích Tàu, Cách đánh du kích Pháp, Cách đánh du kích Nga. Những “tài liệu giáo khoa” đó đã phát huy tác dụng ngay trong thời kỳ vận động giải phóng dân tộc và sau này còn tiếp tục có tác dụng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Chọn đúng thời cơ là một khoa học và là một nghệ thuật, nhờ thế sức mạnh của toàn dân được nhân lên gấp bội, khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước một cách nhanh, gọn, không đổ máu và thành công triệt để. Nhờ có sự chuẩn bị về mọi mặt: Xây dựng căn cứ địa, chiến khu kháng chiến, phát triển các hoạt động chiến tranh du kích và tập dượt phong trào quần chúng mà đến tháng 8-1945, Đảng Cộng sản Việt Nam và Hồ Chí Minh đã kịp thời nắm lấy thời cơ khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong cả nước.

*

 

*        *

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về khởi nghĩa toàn dân, khởi nghĩa để giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là sự vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin về bạo lực cách mạng và khởi nghĩa vũ trang, cùng theo đó là một phương thức phát động và tiến hành Tổng khởi nghĩa năng động và sáng tạo đã đi vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, tạo ra sức mạnh vĩ đại. Đó là một trong những nhân tố quyết định bảo đảm cho thắng lợi trọn vẹn của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945. Tư tưởng đó, sự vận dụng đó đúng với những gì người thầy của những người cộng sản - Ph.Ăng-ghen - đã chỉ dẫn trước đó nhiều năm.

NGÔ VƯƠNG ANH

(1) Ph.Ăng-ghen, Chống Đuy-rinh, Nxb Sự thật, H, 1959, tr.308.

(2) Ph.Ăng-ghen, Bàn về chiến tranh nhân dân, Nxb Sự thật, Sđd, tr.72.