Về vấn đề này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, hiện có 2 loại ý kiến của đại biểu Quốc hội: Một số ý kiến nhất trí mô hình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước độc lập và trực thuộc Chính phủ để quyết định nhiều vấn đề trực tiếp hơn theo thông lệ quốc tế; các ý kiến khác cho rằng mô hình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính đã và đang hoạt động tốt, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, tuy nhiên, cần quy định theo hướng tăng thẩm quyền, bảo đảm tính độc lập cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước  trong hoạt động... Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, hiện có 3 phương án cho nội dung này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với phương án Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính. Đây là phương án như Chính phủ đã trình nhưng có chỉnh lý theo hướng bổ sung thêm một số quyền hạn, nhiệm vụ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo phương án này, Ủy ban Chứng khoán nhà nước tương đối bảo đảm tính độc lập, quản lý và giám sát toàn diện thị trường, phù hợp với nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán - IOSCO và khuyến nghị của Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) cũng như quy định của các nước có cơ quan quản lý chứng khoán nằm trong Bộ Tài chính (như Malaysia, Bangladesh, Bồ Đào Nha) và giữ được ổn định, không làm xáo trộn về bộ máy tổ chức...

Tán thành với quy định trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ Tài chính cần tham mưu để tăng vị trí, thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, bảo đảm điều kiện hội nhập quốc tế.  

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN.

Ngoài ra, tại phiên họp, mô hình của Sở giao dịch chứng khoán cũng là nội dung xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đa số ý kiến nhất trí chỉ có Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và được đặt tại trung tâm tài chính quốc gia. Cũng có ý kiến cho rằng mô hình Sở giao dịch chứng khoán theo Đề án thành lập Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 7-1-2019 của Thủ tướng Chính phủ cần được thể chế vào luật.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất phương án chỉ có 1 Sở Giao dịch Chứng khoán duy nhất và đặt tại trung tâm tài chính quốc gia, là đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán. Phương án này bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả của thị trường, minh bạch, rõ ràng trong áp dụng quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư...

Theo đó, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng sửa đổi tên gọi Sở Giao dịch chứng khoán thành Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam tại các điều, khoản liên quan và bổ sung quyền, nghĩa vụ theo Quyết định số 32/QĐ-TTg. Dự thảo Luật cũng quy định rõ Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán; đồng thời bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 43 của dự thảo Luật theo hướng: "Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, giải thể, cơ cấu tổ chức, hình thức sở hữu của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam nhưng phải bảo đảm Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của các đơn vị tổ chức thực hiện giao dịch chứng khoán” để bảo đảm giữ vai trò chỉ đạo, chi phối của Nhà nước đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc thù quan trọng này.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng tán thành với các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính; và phương án chỉ có Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và được đặt tại trung tâm tài chính quốc gia. Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Bộ Tài chính đang hoàn chỉnh Đề án Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam đặt ở Thủ đô Hà Nội và có chức năng quản lý, giám sát, điều hành kinh tế vĩ mô cùng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong ứng phó với các vấn đề.

PHƯƠNG HẰNG