QĐND - Sinh ra và lớn lên trong cảnh dân tộc lầm than dưới ách thống trị của chính quyền thực dân Pháp, Hồ Chí Minh sớm nhận thức phải thay thế chính quyền phản động đó bằng một chính quyền mới tiến bộ hơn. Trên cơ sở kế thừa và tiếp thu truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa văn hóa của nhân loại, từ sự khảo nghiệm những cuộc cách mạng “không đến nơi” và “đến nơi” điển hình trên thế giới, Người đã lựa chọn và trực tiếp chỉ đạo xây dựng nhà nước kiểu mới ở Việt Nam, là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

1. Trên thực tế, tư tưởng về nhà nước của dân, do dân, vì dân đã xuất hiện từ thời cận đại cùng với những nhà tư tưởng dân chủ tư sản. Song, nội hàm khái niệm “Dân” thời điểm đó chỉ bao gồm một thiểu số người trong xã hội. Ở nước Mỹ, cho đến trước cuộc nội chiến giữa hai miền Bắc - Nam vào thập niên 60 của thế kỷ 19, chế độ nô lệ vẫn tồn tại và người nô lệ rõ ràng không thể có được chỗ đứng trong khái niệm “Dân”. Người phụ nữ ở Mỹ chỉ thực sự có quyền bầu cử từ năm 1920; trước đó, họ cũng chưa có quyền công dân một cách đầy đủ. Hồ Chí Minh đã đưa vào khái niệm “Dân” nội hàm mới rộng rãi hơn. Đó là tất cả những ai nhận mình là con dân nước Việt, con Lạc cháu Hồng.

Hồ Chí Minh nhấn mạnh bản chất của Nhà nước Việt Nam là: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra”.

Nhà nước của nhân dân được thể hiện ở chỗ tất cả quyền hành trong nước đều thuộc về nhân dân. Nhân dân cử ra những người đại diện để điều hành đất nước, quản lý xã hội; đồng thời có quyền bãi miễn các đại biểu được cử ra, nếu những đại biểu ấy không làm tròn nhiệm vụ phục vụ nhân dân. Quyền lực của nhà nước, của cán bộ, công chức nhà nước là do nhân dân ủy thác. Nhà nước phải thể hiện ý chí cũng như tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Nhà nước có nghĩa vụ với công dân, đồng thời có những quyền theo quy định của pháp luật để thực thi công quyền mà nhân dân giao phó; ngược lại, nhân dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm, đồng thời có nghĩa vụ đối với nhà nước, với cộng đồng.

Bác Hồ với bà con nông dân. Ảnh tư liệu.

Nhà nước do dân được thể hiện ở chỗ Nhà nước Việt Nam được ra đời từ thành quả của Cách mạng Tháng Tám 1945 - cuộc cách mạng do toàn thể nhân dân Việt Nam đóng góp công sức. Cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước cũng do nhân dân lựa chọn, bầu ra. Tài chính là do dân ủng hộ, đóng góp. Đường lối, chính sách, cơ cấu tổ chức do nhân dân góp ý, phê bình, xây dựng. Hoạt động của nhà nước do nhân dân kiểm soát.

Nhà nước vì dân là nhà nước không có mục đích tự thân mà chỉ có một mục đích duy nhất là phục vụ lợi ích chính đáng của nhân dân. Hồ Chí Minh cho rằng, nhà nước đó hoạt động theo phương châm: Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì hại cho dân ta phải hết sức tránh. Để phục vụ hiệu quả cho đời sống người dân, bộ máy nhà nước phải thực sự trong sạch, liêm khiết. Cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước từ Chủ tịch nước trở xuống đều là công bộc của nhân dân, phải chăm lo đời sống của nhân dân, hoàn toàn không phải là những vị “quan cách mạng”, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để “đè đầu cưỡi cổ nhân dân”.

Nhà nước là hiện tượng lịch sử xuất hiện gắn liền với sự ra đời và tồn tại của các giai cấp trong xã hội, do đó, nó mang tính giai cấp rõ rệt. Khẳng định nhà nước mới ở Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Hồ Chí Minh không hề xem nhẹ bản chất giai cấp công nhân của nhà nước. Người chỉ đạo xây dựng bộ máy nhà nước theo phương châm: “Nhà nước của ta là nhà nước dân chủ nhân dân dựa trên nền tảng liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo". Nhà nước Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đồng thời, nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ - nguyên tắc tổ chức sinh hoạt cơ bản của Đảng của giai cấp công nhân. Định hướng của nhà nước là xây dựng chủ nghĩa xã hội - mục tiêu, lý tưởng của giai cấp công nhân.

Điều quan trọng và nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và về nhà nước nói riêng là Người không có sự tuyệt đối hóa yếu tố giai cấp, mà luôn luôn xem xét và đặt vấn đề giai cấp trong sự thống nhất với lợi ích dân tộc, phục vụ cho lợi ích dân tộc. Lợi ích dân tộc luôn luôn phải được đặt lên trên hết và trước hết. Do đó, trong quan niệm của Người, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, đồng thời là Đảng của dân tộc; Đảng đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, đồng thời đại biểu trung thành cho lợi ích toàn thể dân tộc. Nhà nước cũng vậy, không phải chỉ của riêng giai cấp công nhân mà còn là của toàn thể dân tộc. Đó là thành quả của sự nghiệp cách mạng chung của toàn thể dân tộc, của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

2. Nhà nước phải bảo đảm vai trò và hiệu lực, hiệu quả của pháp luật trong mọi hoạt động của đời sống xã hội. Pháp luật và nhà nước gắn bó chặt chẽ với nhau. Pháp luật là hệ thống những quy tắc ứng xử do nhà nước đặt ra, hoặc thừa nhận và bảo đảm thực hiện trong thực tiễn đời sống xã hội. Đến lượt nhà nước, đó là nhà nước của giai cấp, tầng lớp nào, vai trò có được xác lập hay không, có được xây dựng và củng cố vững mạnh hay không, phải thông qua những quy định pháp luật. Pháp luật chính là phương tiện để nhà nước quản lý, điều hành xã hội.

Kế thừa tư tưởng đề cao vị trí, vai trò của pháp luật trong các hoạt động của bộ máy nhà nước được các nhà tư tưởng phương Tây nêu ra trong thời đại các cuộc cách mạng dân chủ tư sản, ngay từ năm 1919, thay mặt những người Việt Nam yêu nước đang sống tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã gửi đến Hội nghị Véc-xây bản yêu sách 8 điểm, trong đó có yêu cầu Chính phủ Pháp thực hiện ở Việt Nam việc thay thế “chế độ sắc lệnh bằng chế độ pháp luật”. Người diễn đạt yêu cầu đó bằng thơ ca: “Bảy xin hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.

Rõ ràng, một xã hội được quản lý, điều hành bằng hiến pháp và pháp luật - hệ thống những quy tắc thể hiện ý chí, nguyện vọng của người dân sẽ là bước tiến bộ hơn, dân chủ hơn so với một xã hội được quản lý, điều hành bằng sắc lệnh, mang nặng ý chí của giới cầm quyền. Hồ Chí Minh vừa là người sáng lập nhà nước dân chủ mới ở Việt Nam, đồng thời cũng là người đóng góp nhiều nhất cho sự nghiệp lập hiến, lập pháp của đất nước.

Sau ngày nước nhà giành được độc lập, Hồ Chí Minh vừa quan tâm đến việc xây dựng, hoàn thiện hiến pháp và pháp luật, vừa chú trọng đưa hệ thống pháp luật vào thực tiễn đời sống xã hội, phát huy hiệu lực, hiệu quả. Để pháp luật đi vào cuộc sống, Hồ Chí Minh trước hết chú trọng nâng cao trình độ dân trí của nhân dân, bồi dưỡng ý thức làm chủ, tinh thần tích cực và trách nhiệm công dân. Người nhắc nhở chính quyền các cấp phải: “Làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”. Năm 1959, khi bàn về Luật Hôn nhân và Gia đình, Người từng chỉ rõ: “Công bố đạo luật này chưa phải đã là mọi việc đều xong, mà còn phải tuyên truyền giáo dục lâu dài mới thực hiện được tốt”. Với Người, giáo dục ý thức pháp luật luôn luôn gắn chặt với việc giáo dục đạo đức.

Đồng thời, để pháp luật có hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn đời sống xã hội, Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò tiên phong, gương mẫu chấp hành pháp luật của các cán bộ, đảng viên và công chức nhà nước. Người căn dặn các cán bộ ngành tư pháp: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương "phụng công, thủ pháp, chí công vô tư" cho nhân dân noi theo”. Bản thân Người luôn luôn nêu gương là một vị nguyên thủ quốc gia chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, sự phân công của Quốc hội và quốc dân đồng bào.

Trải qua 70 năm từ khi thành lập nước, việc xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới. Bên cạnh đó, hiện nay, việc xây dựng Nhà nước vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế và quản lý đất nước, với những biểu hiện như: Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn cả về năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức; năng lực xây dựng thể chế, quản lý, điều hành, tổ chức thực thi pháp luật còn yếu; việc cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, việc cải cách tư pháp còn chậm, chưa đạt hiệu quả; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng...

Để góp phần giải quyết tình trạng trên, một trong những biện pháp quan trọng trước hết là phải quán triệt và vận dụng sâu sắc hơn nữa những quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đó vẫn sẽ là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam soi đường cho công cuộc xây dựng nhà nước ở Việt Nam hiện nay và mai sau.

TS LÝ VIỆT QUANG