QĐND - "Thường xuyên quan tâm, tưởng nhớ đến các tướng lĩnh, những người đã có những đóng góp lớn cho quân đội, cho Tổ quốc là sự tri ân, tiếp nối truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" tốt đẹp của dân tộc ta”. Đó là khẳng định của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi đến thăm gia đình và dâng hương tưởng nhớ các tướng lĩnh quân đội đã có đóng góp to lớn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta vào sáng 1-5, nhân dịp kỷ niệm 39 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2014) và 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954/7-5-2014).
Sáng mãi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Sáng 1-5, tại ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh thành kính dâng hương với niềm tự hào, biết ơn và tưởng nhớ Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong không khí ấm áp, nghĩa tình, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã trao đổi, thống nhất với gia đình Đại tướng về những công việc liên quan đến khu an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa-Đảo Yến (Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình). Mong muốn của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh là sớm hoàn thiện nơi an nghỉ của Đại tướng vừa bảo đảm an toàn, vừa tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân đến thăm viếng. Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh: Đó không chỉ là chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, mà còn là nguyện vọng tha thiết của đồng bào, chiến sĩ cả nước đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
 |
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh Hoàng Hà.
|
Đứng bên bức tượng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh bồi hồi nhớ lại: “Những ngày chiến đấu ở chiến trường, anh em cán bộ, chiến sĩ đơn vị rất khâm phục những bài bình luận quân sự sắc sảo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Những bài viết đó là nguồn cổ vũ lớn lao, giúp chúng tôi có thêm niềm tin, nghị lực chiến đấu và chiến thắng kẻ thù trên các chiến trường đầy gian khổ, hiểm nguy”.
Trò chuyện với người thân của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết, đồng chí rất cảm phục đạo đức, tác phong công tác, cũng như những đóng góp to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Bản thân Bộ trưởng Phùng Quang Thanh luôn học tập, làm theo và mong muốn thế hệ trẻ hôm nay học tập, kế thừa và phát huy những phẩm chất cao đẹp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
 |
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cùng người thân gia đình xem lại các kỷ vật của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
|
Dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của QĐND Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, các thành viên trong đoàn rất xúc động khi người con gái của Đại tướng là bà Hoàng Minh Châu cho biết, ngày này cũng là ngày sinh lần thứ 99 của cha mình. Sau khi ân cần thăm hỏi sức khỏe, đời sống, học tập, công tác của các thành viên trong gia đình, Đại tướng Phùng Quang Thanh mong muốn gia đình cung cấp thêm cho Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam các tư liệu về Đại tướng Hoàng Văn Thái, vừa phục vụ công tác lưu trữ, vừa góp phần giáo dục truyền thống vẻ vang của quân đội và những đóng góp to lớn của Đại tướng Hoàng Văn Thái đối với quân đội và đất nước. “Tôi cùng mọi người trong gia đình vô cùng xúc động trước sự quan tâm của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đối với gia đình” - bà Hoàng Minh Châu bày tỏ.
Trong ngôi nhà của gia đình Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu trên phố Lý Nam Đế, Đại tá Phạm Kỳ Châu, cán bộ quân đội đã nghỉ hưu, con gái của Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu, rất tự hào và xúc động khi nói về cha mình. Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Chính ủy Đại đoàn Công pháo 351 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bà Châu đã không kìm được những giọt nước mắt khi Đại tướng Phùng Quang Thanh, thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đến dâng hương tưởng nhớ thân phụ của bà. Bà tâm sự: “Những ngày này, tôi và mọi người trong gia đình lại cảm thấy nhớ cha mẹ mình hơn bao giờ hết. Bởi thế, khi Đại tướng Phùng Quang Thanh đến thăm gia đình, chúng tôi càng thêm tự hào về cha mình. Chúng tôi hứa sẽ giáo dục con cháu phát huy truyền thống gia đình, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ cho đất nước và quân đội”.
Tự hào tiếp bước cha anh
Tại gia đình Đại tướng Văn Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh sau khi dâng hương đã ân cần hỏi han sức khỏe cụ Nguyễn Thị Kỳ, phu nhân Đại tướng Văn Tiến Dũng. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh lưu ý Văn phòng Bộ Quốc phòng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và các cơ quan chức năng thường xuyên quan tâm, liên hệ, chăm sóc sức khỏe phu nhân Đại tướng Văn Tiến Dũng thật chu đáo. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh ngắm nhìn những bức ảnh và kỷ vật của Đại tướng Văn Tiến Dũng, bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm ngày nào. Bộ trưởng kể: “Khi Đại tướng Văn Tiến Dũng là Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, lúc đó tôi là chiến sĩ binh nhì của Đại đoàn Đồng Bằng và trưởng thành từ đó. Hôm nay, tôi đến dâng hương tưởng nhớ Đại tướng là để tri ân những công lao, đóng góp của Đại tướng đối với Tổ quốc, cũng là tri ân người thủ trưởng của đại đoàn năm xưa. Đó cũng là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta”.
Là một trong số 11 người được Bác Hồ ký Sắc lệnh số 111/SL, phong quân hàm cấp tướng đợt đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, Thiếu tướng Hoàng Sâm, nguyên Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304, được đồng bào, chiến sĩ cả nước biết đến là vị tướng tài ba, có nhiều năm tháng lăn lộn trên chiến trường. Khi đến dâng hương Thiếu tướng Hoàng Sâm, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã bày tỏ lòng kính trọng với vị tướng mẫu mực đức, tài. Đại tướng Phùng Quang Thanh rất xúc động khi biết các con của Thiếu tướng Hoàng Sâm mong muốn được hiến tặng những kỷ vật mà Thiếu tướng sử dụng ở chiến trường cho quân đội. Đại tướng Phùng Quang Thanh xúc động trước nghĩa cử của gia đình: “Những kỷ vật của Thiếu tướng Hoàng Sâm là vô giá, có ý nghĩa lớn để góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu hơn về truyền thống đánh giặc giữ nước của thế hệ cha anh, của dân tộc ta”.
Tuy thời gian không nhiều, nhưng đến thăm gia đình nào, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng giới thiệu cặn kẽ những đức tính, phẩm chất tốt đẹp và công trạng của các tướng lĩnh mà đoàn đến. Khi đến dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Lê Trọng Tấn, Đại tướng Đoàn Khuê, Đại tướng Chu Huy Mân, Thiếu tướng Lê Quảng Ba, Trung tướng Vương Thừa Vũ..., các thành viên trong đoàn lại có dịp hiểu hơn về đức, tài của thế hệ cha anh đi trước. Trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, đồng chí Lê Trọng Tấn là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312, đơn vị đánh trận Him Lam mở màn chiến dịch, đồng thời là đơn vị thọc sâu bắt sống toàn bộ Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đồng chí Vương Thừa Vũ là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308, đơn vị đã tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, thực hiện cuộc hành quân nghi binh chiến lược về Thượng Lào, sau khi Đảng ủy Mặt trận đổi phương châm tác chiến sang "đánh chắc, tiến chắc"...
Cùng với khẳng định công lao và đóng góp to lớn của các vị tướng lĩnh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và sự lớn mạnh, trưởng thành, chiến thắng của quân đội, Đại tướng Phùng Quang Thanh chăm chú lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các gia đình. Thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã giao cho các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng tổng hợp những nguyện vọng của các gia đình, trình Bộ trưởng giải quyết theo đúng chức năng, thẩm quyền…
Đến dâng hương tưởng nhớ các tướng lĩnh quân đội, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã thay mặt cán bộ, chiến sĩ toàn quân bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn đến thế hệ cha anh đi trước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, Quân đội ta. Sự quan tâm của đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng không chỉ là niềm vinh dự, tự hào, sự chia sẻ đối với mỗi gia đình người thân của các tướng lĩnh quân đội, mà còn là việc làm cụ thể, cao đẹp, có ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ ra sức phấn đấu, học tập, công tác và cống hiến xây dựng quân đội, xứng đáng với truyền thống oai hùng của quân đội mà các thế hệ cha anh đã vun đắp, xây dựng nên.
Bài, ảnh: LÊ DUY HỒNG