QĐND - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tỉnh Thái Bình luôn thực hiện “thóc thừa cân, quân vượt mức”, chi viện cao nhất sức người, sức của cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Hằng năm, tỉnh huy động từ 20 đến 23% tổng sản lượng lương thực giao nộp cho Nhà nước; chỉ tính riêng 10 năm (1965-1975) đã huy động hơn một triệu tấn lương thực gửi ra tiền tuyến.

Thi đua với tiền tuyến lớn, cấp ủy Đảng và Ủy ban hành chính các cấp trong tỉnh đã quán triệt, vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, lãnh đạo nhân dân và LLVT trong tỉnh kịp thời chuyển hướng từ thời bình sang thời chiến, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa xây dựng CNXH, làm hậu phương vững chắc, chi viện cao nhất sức người, sức của cho cuộc kháng chiến.

Đảng bộ và nhân dân Thái Bình xác định: Là tỉnh trọng điểm lúa của Đồng bằng Bắc Bộ, là hậu phương trong hậu phương lớn, nên địa phương phải phát huy cao nhất thế mạnh của tỉnh, lấy nông nghiệp làm trọng tâm; sản xuất lương thực, thực phẩm là quan trọng hàng đầu để đáp ứng cho được nhu cầu lương thực của đời sống nhân dân và chi viện chiến trường... Năm 1966, Thái Bình đạt năng suất lúa 5 tấn/ha, ghi dấu mốc đầu tiên trong lịch sử về năng suất lúa của miền Bắc. Ngày 31-12-1966, Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ năm. Bác đã đi thăm và khen ngợi cán bộ, đảng viên và nhân dân một số xã đạt năng suất lúa cao. Tại xã Hiệp Hòa, gặp mặt đại biểu nhân dân trong tỉnh, Bác căn dặn: “...Năm nay Thái Bình được mùa khá, nhưng chớ vì được mùa mà chủ quan. Cụ thể là: Phải cố gắng hơn nữa, không cho thế là đủ rồi, phải là cho năng suất cao hơn nữa. Phải tiết kiệm không được lãng phí... Bác rất vui lòng thấy Thái Bình có tiến bộ nhiều. Bác mong các đồng chí và đồng bào cố gắng hơn nữa để cho Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt”. Thực hiện lời Bác dạy, Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh hăng hái thi đua lao động, sản xuất; sau một năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả và trong ký ức của cán bộ, nhân dân Thái Bình, năm 1967 là một năm thật đáng ghi nhớ, đầu năm Bác về thăm, động viên; giữa năm Bác viết báo biểu dương, cuối năm Bác gửi thư khen.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tỉnh Thái Bình đã chi viện hàng nghìn tấn thóc cho tiền tuyến. Ảnh tư liệu

Để chi viện cho miền Nam ruột thịt, lực lượng lao động nam giới tỉnh Thái Bình hầu hết được huy động ra chiến trường, các lực lượng lao động còn lại ở địa phương đã hăng hái thi đua lao động sản xuất và chiến đấu bảo vệ quê hương. Từ trong lao động sản xuất, các phong trào thi đua do Mặt trận Liên Việt tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh và Đoàn thanh niên tỉnh phát động được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Là lực lượng lao động chính còn lại ở hậu phương (chiếm 70-75%) phong trào thi đua “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” do Hội LHPN Việt Nam phát động được triển khai sâu rộng trong phụ nữ Thái Bình. Trong điều kiện lớp lớp trai làng lên đường ra trận, nơi hậu phương, người phụ nữ đã phải “Tay mò từng quả bom xuyên/ Tay nâng từng dảnh mộc tuyền cấy theo”. Hưởng ứng phong trào “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”, chị em đã mưu trí, anh dũng canh giữ bầu trời quê hương. Trên các mục tiêu, ụ pháo, không nơi nào không có phụ nữ tham gia. Tiêu biểu như Đại đội 4 nữ dân quân xã Nguyên Xá (Đông Hưng) và xã Thụy Trình (Thái Thụy); chị Nguyễn Thị Hoàng (huyện Vũ Thư)-Tiểu đội trưởng pháo 37mm đã chỉ huy bắn rơi máy bay; chị Nguyễn Thị Vy, Xã đội trưởng xã Thái Mỹ (huyện Thái Thụy), chồng đi chiến đấu xa, chị đã lãnh đạo đội công binh, hầu hết là nữ đi phá bom nổ chậm. Hơn 50% phụ nữ ngành bưu điện, 74% phụ nữ ngành y tế, ngành thương nghiệp đã phục vụ trên các tuyến đường mà địch đánh phá ác liệt. Nữ dân quân trực chiến luôn bám sát vị trí, giặc đến thì đánh, máy bay địch đi lại giải quyết hậu quả kịp thời.

Hoạt động của lực lượng thanh niên tại địa phương trong những năm tháng đánh Mỹ cũng diễn ra rất sôi nổi. Trên mặt trận nông nghiệp, Đoàn thanh niên Thái Bình đã xây dựng 930 đội xung kích với các tên gọi: “Đội mũi tên”, “Đội tên lửa” và các khẩu hiệu “Gánh thêm 1 gánh đất, làm thêm 1 giờ, thêm 1 ngày để góp phần thống nhất đất nước”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì đồng bào miền Nam ruột thịt”; nêu cao tinh thần “bốn không”: Không đòi hỏi quyền lợi, không ngại mưa nắng, không quản ngày đêm, không tiếc công sức. Đặc biệt, trong phong trào làm thủy lợi, đoàn viên thanh niên Thái Bình đã thi đua cải tiến công cụ, làm thủy lợi ban đêm, tăng hiệu quả lao động từ 300-500% trên 98 công trình thủy lợi lớn, nhỏ... Phát huy lợi thế của quê hương, tuổi trẻ Thái Bình còn dồn sức tiến công ra biển, tổ chức trồng hàng vạn cây sú, vẹt chắn sóng; huy động hàng chục vạn ngày công của đoàn viên, thanh niên và học sinh trong tỉnh lên công trường đắp đê lấn biển ở huyện Thái Thụy.

Trong những năm tháng sục sôi, vừa sản xuất, vừa đánh giặc, phong trào “đền ơn đáp nghĩa” ở Thái Bình được triển khai tích cực và phát triển sâu rộng. Với phương châm phục vụ “Thương chóng khỏi, bệnh mau lành”, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh đã tiếp nhận và điều trị gần 3 vạn thương binh, bệnh binh, hầu hết là những người con của quê hương từ các chiến trường gửi về. Chính sách đối với gia đình thương binh, liệt sĩ và hậu phương quân đội được các cấp ủy, chính quyền thường xuyên quan tâm chặt chẽ, chu đáo.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, toàn tỉnh Thái Bình có hơn 80% gia đình có người đi bộ đội, thanh niên xung phong; 47.000 phụ nữ có chồng, con là liệt sĩ, 13.000 là vợ thương binh. Ghi nhận những đóng góp to lớn về sức người, sức của của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chính phủ đã gửi thư khen và công nhận “Thái Bình dốc lòng chi viện tiền tuyến”.

Với những thành tích to lớn và đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, lao động và sản xuất trong hai cuộc kháng chiến, Đảng bộ, nhân dân, LLVT tỉnh Thái Bình vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất, 6 Huân chương Quân công; 5.500 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; 96 tập thể và 78 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động; 23 vạn người được tặng thưởng Huân chương, Huy chương Kháng chiến; hàng trăm tập thể và cá nhân được tặng Huân chương Độc lập, Huân chương Chiến công, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

ĐÀM VĂN VƯỢNG, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình