QĐND Online – Sáng 22-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân với 444 đại biểu tán thành (đạt 89,16%). Theo đó, Quốc hội quyết định từ 1-7-2013, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng...

Ngay khi trình trước Quốc hội tại kỳ họp này, Dự thảo luật đã quy định nâng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho bản thân người nộp thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên mức 9 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên mức 3,6 triệu đồng/tháng. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đã tán thành với quy định trên. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc nâng mức GTGC như quy định của Dự thảo luật là chưa hợp lý, đưa thuế thu nhập cá nhân trở thành thuế thu nhập cao, thu hẹp quá lớn số lượng người nộp thuế; tác động đến nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước; không bảo đảm mục tiêu điều tiết thu nhập; không bảo đảm công bằng xã hội. Vì vậy, đề nghị giữ mức GTGC hiện hành hoặc quy định mức thấp hơn mức Chính phủ trình.

Nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên mức 9 triệu đồng/tháng. Ảnh: Internet

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thừa nhận việc nâng mức GTGC làm giảm thu ngân sách Nhà nước, thu hẹp số lượng người nộp thuế, làm thay đổi một số mục tiêu ban đầu của việc ban hành Luật. Trong bối cảnh nguồn thu NSNN hiện nay, cơ bản chỉ đủ bảo đảm nhu cầu chi thường xuyên; chi trả nợ, tích lũy đầu tư còn thấp, việc giảm thuế sẽ làm giảm thu ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn lực bảo đảm chi an sinh xã hội, chi cải cách tiền lương. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì mục tiêu ban đầu của Luật Thuế thu nhập cá nhân là khó khăn; đến khi nền kinh tế đất nước phát triển, thu nhập người dân được cải thiện sẽ thực hiện đầy đủ mục tiêu của Luật. Mặt khác, việc điều chỉnh mức GTGC là nhằm chia sẻ khó khăn, động viên, hỗ trợ người hưởng lương có thêm thu nhập, góp phần kích cầu tiêu dùng. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị giữ mức GTGC như quy định của Dự thảo luật.

Cũng trong các buổi thảo luận, có ý kiến đề nghị quy định mức GTGC cho người nộp thuế bị khuyết tật và người phụ thuộc mắc bệnh nan y cao hơn mức quy định của Dự thảo luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra, tại Điều 5 của Luật hiện hành đã quy định về các trường hợp được xem xét giảm thuế. Theo đó, người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, tai nạn, bệnh hiểm nghèo,... ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì thuộc diện được xem xét, giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không bổ sung nội dung này vào Dự thảo luật.

Một số ý kiến đề nghị không quy định mức GTGC theo giá trị tuyệt đối mà theo tỷ lệ phần trăm (%) dựa trên GDP bình quân đầu người hoặc mức lương tối thiểu. Ý kiến khác đề nghị cân nhắc quy định mức GTGC theo vùng, miền. Giải trình về ý kiến này, UBTVQH cho rằng, một trong những nguyên tắc tính thuế là đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện và dễ kiểm tra. Việc quy định mức GTGC theo giá trị tuyệt đối đáp ứng nguyên tắc trên, bảo đảm tính ổn định tương đối trong áp dụng. Mặt khác, trong hệ thống bảng lương của Việt Nam hiện đang áp dụng 2 mức lương tối thiểu, tương ứng với 2 nhóm đối tượng (lương tối thiểu cho khối hành chính sự nghiệp, lương tối thiểu cho khối doanh nghiệp). Vì vậy, sẽ phức tạp nếu quy định mức GTGC theo tỷ lệ % của mức lương tối thiểu. Ngoài ra, chỉ tiêu GDP bình quân đầu người đã là một trong những căn cứ để xác định mức GTGC. Mặt khác, Dự thảo luật đã quy định khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng trên 20% thì điều chỉnh mức GTGC. Vì vậy, để bảo đảm tính ổn định, thuận tiện trong tổ chức thực hiện, giữ như quy định GTGC theo giá trị tuyệt đối của Dự thảo luật.

Về ý kiến quy định mức GTGC theo vùng, miền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định như vậy sẽ khó khả thì. Vì căn cứ để xác định mức GTGC như quy định của Dự thảo luật là dựa trên các tiêu chí: Tốc độ tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, chỉ số CPI, mức lương tối thiểu,... và những tiêu chí này là chỉ tiêu tổng hợp, khách quan, công bằng.

XUÂN DŨNG