QĐND - Hoạt động công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) có vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục-đào tạo tại Học viện Lục quân (HVLQ). Trung tướng, PGS, TS Trần Xuân Bảng, Chính ủy HVLQ, đã dành cho phóng viên Báo Quân đội nhân dân cuộc trao đổi về vấn đề này.
Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) của HVLQ?
Trung tướng Trần Xuân Bảng: Trải qua 68 năm xây dựng và phát triển, HVLQ đã đào tạo hơn 40.000 cán bộ chỉ huy-tham mưu (CH-TM) cấp trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn; cán bộ CH-TM cấp tỉnh (thành phố), huyện (quận) cùng hàng nghìn giảng viên chiến thuật, thạc sĩ, tiến sĩ quân sự; học viện còn hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và đào tạo học viên quốc tế.
Những năm gần đây, học viện đổi mới toàn diện các yếu tố, các khâu của quá trình đào tạo, xây dựng tương đối hoàn chỉnh nội dung, chương trình đào tạo theo chức vụ và đào tạo sau đại học, bảo đảm tính cơ bản, hệ thống, chuyên sâu; đổi mới thành công phương pháp, hình thức tổ chức diễn tập cuối khóa cho các đối tượng học viên, diễn tập xa học viện, trên một số địa bàn chiến lược. 100% cán bộ quản lý và giảng viên của học viện có trình độ đại học trở lên, trong đó hơn 50% có trình độ thạc sĩ, gần 20% trình độ tiến sĩ. Học viên sau khi tốt nghiệp có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, có kiến thức sâu về chuyên ngành, có năng lực thực hành nhiệm vụ theo cương vị phụ trách, “sản phẩm” đào tạo của học viện được lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị đánh giá cao. Từ năm 2010 đến nay, học viện được tặng thưởng Huân chương Sao vàng, cùng nhiều bằng khen, cờ thi đua của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ GD-ĐT...
 |
Trung tướng, PGS, TS Trần Xuân Bảng.
|
PV: CTĐ, CTCT có vai trò như thế nào để học viện đạt được những kết quả, thành tích trên, thưa đồng chí?
Trung tướng Trần Xuân Bảng: Chất lượng đào tạo của học viện thời gian qua là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, nhiều mặt hoạt động, trong đó hoạt động CTĐ, CTCT có vai trò rất quan trọng. Thông qua hoạt động CTĐ, CTCT giúp Đảng ủy, Ban giám đốc và cấp ủy, chỉ huy các cấp trong học viện quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ GD-ĐT. Bằng hoạt động lãnh đạo, hoạt động công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ, chính sách... để xây dựng học viện vững mạnh về chính trị, nâng cao năng lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, giữ vững tính Đảng, tính khoa học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mọi tổ chức, cá nhân, mọi hoạt động trong quá trình GD-ĐT.
CTĐ, CTCT ở HVLQ không chỉ là giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo mà còn là những bài học thực tiễn sinh động đối với học viên, là bộ môn chuyên ngành quan trọng. Hoạt động CTĐ, CTCT vừa là giải pháp, vừa là nội dung của quá trình đào tạo, quyết định trực tiếp đến phương hướng, mục tiêu, kết quả của quá trình đào tạo.
PV: Thưa đồng chí, trong tiến hành CTĐ, CTCT, những nội dung, giải pháp nào được học viện chú trọng, góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT?
Trung tướng Trần Xuân Bảng: Các nội dung, biện pháp tiến hành CTĐ, CTCT nhằm nâng nâng cao chất lượng GD-ĐT được học viện tiến hành thường xuyên; chú trọng tiến hành CTĐ, CTCT đồng bộ, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Có những biện pháp học viện đã thực hiện và phát huy hiệu quả rõ rệt, như: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên (CU, CTV) và hướng dẫn, tổ chức thực hiện của cơ quan chính trị đối với công tác tư tưởng trong GD-ĐT, trong đó tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng các khâu, các bước của công tác tư tưởng; xây dựng động cơ, trách nhiệm đúng đắn, tích cực cho người dạy và người học. Thường xuyên chăm lo xây dựng cấp ủy, chi bộ thực sự TSVM, chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; duy trì và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò tập thể lãnh đạo gắn với đề cao vai trò cá nhân phụ trách.
Học viện quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên cả về số lượng và chất lượng; nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, tin học; chủ động bồi dưỡng cán bộ tại chỗ; quan tâm đầu tư trang thiết bị, phương tiện giảng dạy và học tập; chăm lo hậu phương của cán bộ, giáo viên; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để học viên tốt nghiệp đạt kết quả cao ở lại trường công tác...
PV: Trong truyền thụ kiến thức, kỹ năng tiến hành CTĐ, CTCT cho đội ngũ cán bộ CH-TM cấp chiến thuật, chiến dịch, những nội dung nào được nhà trường chú trọng, thưa đồng chí?
Trung tướng Trần Xuân Bảng: Xuất phát từ mục tiêu đào tạo của học viện là đào tạo theo chức vụ, học viên sau khi ra trường trở thành cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn, chỉ huy trưởng ban CHQS huyện (quận), tỉnh (thành phố); cán bộ quân sự địa phương khi tốt nghiệp về địa phương công tác có đủ điều kiện tham gia cấp ủy và có thể đảm nhiệm được chức vụ về Đảng là bí thư, phó bí thư... Do vậy, trên cơ sở truyền thụ kiến thức, kỹ năng tiến hành CTĐ, CTCT toàn diện cho học viên, học viện chú trọng bồi dưỡng nguyên tắc, nội dung hoạt động của đảng ủy các cấp, kỹ năng tiến hành CTĐ, CTCT của đồng chí phó bí thư, chỉ huy trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn và tương đương, đặc biệt là kỹ năng tiến hành CTĐ, CTCT trong giải quyết các tình huống tác chiến. Việc giải quyết mối quan hệ công tác giữa người chỉ huy với CU, CTV theo Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị cũng được học viện chú trọng trong huấn luyện, diễn tập…, nhằm giúp học viên sau khi ra trường vận dụng hiệu quả trong thực tiễn công tác, đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
VŨ ĐÌNH ĐÔNG (thực hiện)