Tham dự hội nghị có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng; lãnh đạo một số bộ, ngành và các tỉnh, thành phố Trung ương. Đại diện Bộ Quốc phòng có Thượng tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

leftcenterrightdel

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Dương Giang. 

Báo cáo đề dẫn tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm cho biết ở nước ta, công tác truyền thông các chủ trương, đường lối, chính sách luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng với phương châm truyền thông phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả đối với những xu hướng thông tin sai lệch bản chất, không có lợi cho sự phát triển của đất nước. Hệ thống báo chí, truyền thông (bao gồm Cổng Thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, các báo, đài, các trang thông tin điện tử tổng hợp hệ thống thông tin ở cơ sở, các phương thức truyền thông mới qua mạng xã hội, tin nhắn qua hệ thống viễn thông...) cũng góp phần hết sức to lớn vào việc truyền đi kịp thời những thông điệp quan trọng trong chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.

Tuy nhiên, các kết quả bước đầu của việc đổi mới công tác truyền thông chính sách chủ yếu vẫn tập trung ở các cơ quan đầu não ở trung ương với nguồn lực ít nhiều cũng được trang bị, đầu tư cơ bản. Ở nhiều địa phương và cá biệt ở một số bộ ngành hiện nay, công tác truyền thông không được quan tâm do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan.

Gần đây nhiều vụ việc nổi cộm trên không gian báo chí, truyền thông (trong đó có vụ việc trở thành "sự cố truyền thông", ảnh hưởng lớn đến tâm lý xã hội, sản xuất kinh doanh, thậm chí trật tự an ninh...) có nguyên nhân xuất phát một phần từ sự thiếu kinh nghiệm xử lý truyền thông hiệu quả từ phía các cơ quan hành chính nhà nước. Nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa hình thành được đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp, chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải bố trí được nguồn lực phù hợp…

leftcenterrightdel

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách.

Hiện chưa thể thống kê kinh phí dành cho truyền thông chính sách là bao nhiêu (vì chưa có danh mục các công việc, nhiệm vụ cụ thể được coi là thuộc nhiệm vụ truyền thông chính sách), nhưng nhìn chung các đơn vị chưa được cấp kinh phí để thực hiện truyền thông chính sách.

Báo chí chính thống vẫn là kênh chủ lực trong việc hỗ trợ tuyên truyền chủ trương chính sách, nhưng đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn. Lực lượng báo chí cách mạng của nước ta hiện bao gồm 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện của quốc gia, 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí và 64 đài phát thanh, truyền hình của các tỉnh, thành phố trực thuộc.

Kinh tế báo chí khó khăn do nguồn thu quảng cáo, dịch vụ giảm mạnh (trong 3 năm gần đây còn do ảnh hưởng chung từ đại dịch Covid - 19). Về thu hút quảng cáo, báo chí chính thống đang mất dần ưu thế so với các nền tảng mạng xã hội (toàn bộ hệ thống báo, đài và trang tin trong nước chỉ thu hút khoảng 40% tổng doanh thu quảng cáo trên toàn thị trường, còn lại 60% doanh thu thuộc về các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới). Với nguồn thu từ dịch vụ quảng cáo giảm sút nêu trên, các cơ quan báo chí tự đảm bảo kinh phí hoạt động (chỉ có số tương đối về ngân sách đặt hàng, giao nhiệm vụ của Nhà nước, của cơ quan chủ quản) đang gặp khó khăn cho việc đảm bảo nguồn kinh phí cho hoạt động truyền thông chính sách. Cùng với đó, báo chí truyền thống đang gặp khó khăn về nguồn lực đầu tư để thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để sản xuất và đưa nội dung báo chí lên chiếm lĩnh, lan tỏa rộng trên không gian mạng…

Phân tích về nguyên nhân của những hạn chế, báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trước hết chưa có sự thống nhất trong tư duy tiếp cận về truyền thông chính sách. Vẫn còn có nhận thức chưa đúng rằng "truyền thông chính sách là việc của báo chí", trong khi trên thực tế, truyền thông chính sách thuộc chức năng của chính quyền, là việc của chính quyền. Việc hoạch định, ban hành và thực thi chính sách nhiều lúc, nhiều nơi thiếu hẳn khâu đánh giá tác động truyền thông, dẫn đến không được truyền thông đúng cách và đủ "liều lượng". Một số bộ, ngành và địa phương chưa ban hành kế hoạch tổng thể và cụ thể về truyền thông chính sách, để từ đó có lộ trình, bước đi, đội ngũ và nguồn lực triển khai công tác truyền thông một cách bài bản, chuyên nghiệp. Việc chủ động tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí vẫn được coi là việc "khó", tâm lý cán bộ ngại tiếp xúc với báo chí khá phổ biến ở nhiều bộ ngành, địa phương, dẫn đến việc báo chí gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn thông tin chính thống để giải thích chính sách.

Kinh tế báo chí chưa được chú trọng đúng mức để cơ quan báo chí có thêm nguồn lực tham gia vào quá trình truyền thông chính sách một cách hiệu quả. Công tác quản lý "báo, đài" chủ yếu được coi là việc của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, trong khi nhiều cơ quan chủ quản gần như buông lỏng, chưa giao nhiệm vụ tương xứng và chưa quan tâm đến việc phải đảm bảo đủ điều kiện, nguồn lực cho cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ. và chủ động truyền thông chính sách từ cơ quan nhà nước.

Từ thực trạng và bài học kinh nghiệm thực tiễn, Bộ TT&TT đề xuất một số giải pháp, kiến nghị: Cần cấp bách thay đổi nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách như là một nhiệm vụ, một chức năng của cơ quan hành chính nhà nước, từ đó định hình bộ máy chuyên trách và hình thành vị trí việc làm phù hợp cho công tác truyền thông của cơ quan nhà nước. Bộ TT&TT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị tăng cường công tác truyền thông chính sách để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương hình thành bộ phận/đơn vị thực hiện chức năng nhiệm vụ tham mưu truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp, cũng như tăng cường bố trí kinh phí cho công tác này. 

Nhà nước có chính sách và nguồn lực hỗ trợ các cơ quan báo chí đổi mới công nghệ, chuyển đổi số để chiếm lĩnh và dẫn dắt thông tin trên không gian mạng, trở thành dòng chảy chính, tích cực để dẫn dắt dư luận, truyền thông chính sách hiệu quả. Các bộ, ngành, địa phương ban hành quy tắc ứng xử, quy trình truyền thông chính sách; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ truyền thông của các bộ, ngành và địa phương; bố trí kinh phí cho hoạt động truyền thông trọng điểm…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, truyền thông chính sách là phần quan trọng trong hoạt động truyền thông của Đảng, Nhà nước, trong đó có truyền thông của Chính phủ, có vai trò hết sức quan trọng, là chức năng của các cơ quan chính quyền trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Hiện nay, chúng ta đang tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ XHCN và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, mà xuyên suốt là lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, nguồn lực cho sự phát triển.

Từ đó, truyền thông chính sách phải tập trung vào người dân, mọi chính sách đều hướng đến người dân làm sao bảo đảm cho nhân dân sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. “Đảng, Nhà nước không có mục tiêu nào ngoài mục tiêu làm cho nhân dân sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, chúng ta xây dựng chính sách phải hướng đến người dân. Và người dân phải tham gia vào xây dựng chính sách pháp luật. Người dân cũng phải tham gia tổ chức thực hiện chính sách pháp luật với tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”, Thủ tướng nói. 

Theo Thủ tướng, vừa qua, nhận thức về công tác truyền thông ở các cấp các ngành chưa thật tốt, chưa chủ động cung cấp thông tin, chất liệu thông tin chưa chuẩn bị tốt, chưa đầy đủ, kịp thời nên hiệu quả truyền thông thấp. Tính tương tác hai chiều truyền thông chính sách còn hạn chế. Việc lắng nghe ý kiến phản biện, trái chiều cần nhiều hơn, tôn trọng sự khác biệt. Một số chủ trương, chính sách đúng nhưng truyền thông chưa tốt, người dân chưa hiểu hết, khi thực hiện thì “chập chờn”. Thủ tướng nhấn mạnh cần phải truyền thông chính sách bằng các biện pháp, số liệu cụ thể, không để xảy ra khủng hoảng truyền thông.

Nguyên nhân của thực trạng trên là lãnh đạo, người đứng đầu, cấp uỷ, chính quyền chưa quan tâm, chỉ đạo chưa ráo riết, chưa đúng tầm. Việc đầu tư cơ sở vật chất, con người, tài chính chưa xứng tầm.

Thủ tướng lưu ý, thời gian tới, nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước giao Chính phủ, chính quyền các địa phương, các bộ ngành hết sức nặng nề, khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang diễn biến phức tạp, lạm phát toàn cầu là sức ép lớn và các vấn đề an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh thông tin, phòng, chống dịch của các nước đang tác động tới nước ta. Do đó, công tác truyền thông chính sách phải làm tốt, quán triệt đầy đủ tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết XIII của Đảng, các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.

Truyền thông chính sách là trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị của các cơ quan hành chính, cơ quan báo chí trong xây dựng, tổ chức thực hiện, đánh giá để mọi chính sách đến với nhân dân theo tinh thần dân là gốc, "Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm". “Mọi chính sách phải đến được với người dân”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng, cần phải làm truyền thông trước, trong, sau khi ban hành chính sách, đánh giá tác động chính sách. Tạo cơ chế, điều kiện để người dân, doanh nghiệp góp ý, phản biện chính sách. Một chính sách đưa ra phải lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động, nhất là người dân với tinh thần người dân là chủ thể, phát huy tinh thần sáng tạo, trách nhiệm của nhân dân.

Thủ tướng khẳng định phải nâng cao nhận thức về truyền thông chính sách, vị trí, vai trò của truyền thông chính sách. Công tác truyền thông không chỉ là cơ quan báo chí mà là nhiệm vụ của các cơ quan, bộ, ngành. Phải đổi mới tư duy cách làm, cách nghĩ, cách tiếp cận, sát thực tiễn, sát điều kiện khả năng, bối cảnh của đất nước, con người Việt Nam. Cần chủ động cung cấp thông tin trung thực khách quan, sát thực; đấu tranh với các quan điểm, thông tin sai trái. Cần tạo động lực, tạo cảm hứng cho người dân tham gia công tác truyền thông chính sách chủ động, tích cực. Đánh giá chính sách và giám sát thực hiện thi hành chính sách theo nhiều chiều, nhiều hướng, ý kiến khác nhau, để từ đó thấy được cái gì đi vào thực tiễn, cái gì cần bổ sung.

Thủ tướng nhấn mạnh việc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan; phối hợp cung cấp chất liệu truyền thông. Muốn làm tốt phải có phương tiện tốt, do đó cấp uỷ, chính quyền phải làm tốt việc này, đầu tư về con người, phương tiện, trang thiết bị, đổi mới cách tuyên truyền từng nội dung. Về việc tăng cường đội ngũ truyền thông ở các bộ ngành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ nghiên cứu các văn bản pháp luật, các bộ ngành cũng cần quan tâm, cơ cấu lại vị trí việc làm, nâng cao năng lực cán bộ. Thủ tướng chỉ đạo phải bố trí kinh phí cho hoạt động truyền thông chính sách, các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào ngân sách chi thường xuyên; tăng cường đặt hàng các cơ quan báo chí trong truyền thông chính sách.

Thủ tướng cho biết, sản phẩm từ Hội nghị sẽ là ban hành một văn bản với hình thức, nội dung phù hợp và kết quả quan trọng là làm sao thống nhất nhận thức, hành động cho đúng, cho trúng, có hiệu quả, mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc, nhân dân.

QUANG PHƯƠNG - HUY LÊ