Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị được tổ chức vàongày 2-4, tại Hà Nội. Hội nghị này có sự tham dự của các Phó thủ tướng: Nguyễn Sinh Hùng, Trương Vĩnh Trọng và Hoàng Trung Hải; lãnh đạo các bộ, ngành; Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân của 32 tỉnh, thành phố phía bắc.

Khu đô thị Mỹ Đình, một trong nhiều khu đô thị mới có chất lượng xuất hiện đáp ứng nhu cầu phát triển của thủ đô Hà Nội. Ảnh: VŨ QUANG THÁI

Các đại biểu dự Hội nghị đã bày tỏ ý kiến một cách thẳng thắn và sôi nổi, kiến nghị các giải pháp để “Trả lời một loạt câu hỏi đang được cuộc sống đặt ra...” như Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhận xét.

Bài toán ổn định kinh tế vĩ mô

Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng nói: Chúng ta phải trả lời một loạt câu hỏi đang được cuộc sống đặt ra là làm gì và làm như thế nào để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tiềm năng tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội. Đồng chí cho rằng, lạm phát là căn bệnh của kinh tế vĩ mô nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Lạm phát hiện nay khác với lạm phát thời kỳ 1997-1998 là chúng ta có nhiều tiền, hàng hóa không thiếu từ cả nguồn trong nước và nhập khẩu. Bởi vậy mà bài toán ổn định kinh tế vĩ mô cũng có những yếu tố khác thường.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, tình hình mới đặt ra yêu cầu tập trung thực hiện mục tiêu chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tiềm năng phát triển đất nước ở mức hợp lý, chuẩn bị điều kiện phát triển cao hơn trong các năm sau. Tiếp tục mở rộng mạng lưới an sinh xã hội, giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc.

Thứ trưởng Bộ Công thương-Bùi Xuân Khu, cho rằng muốn hạn chế nhập siêu, cần kiểm soát chặt ngoại tệ cho nhập khẩu, chia nguồn hàng nhập khẩu thành ba nhóm: Loại cần nhập khẩu là nhóm mặt hàng thiết yếu, đầu vào cho sản xuất và xuất khẩu; loại cần kiểm soát nhập khẩu và loại hạn chế nhập khẩu. Bộ sẽ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và hiệp hội ngành nghề đánh giá nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng và khả năng đáp ứng của sản xuất trong nước. Từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể với từng mặt hàng để hạn chế nhập trong năm nay. Nhưng điều quan trọng là phát động rộng rãi trong nhân dân phong trào sử dụng hàng Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Tài chính-Đỗ Hoàng Anh Tuấn, nêu lên một giải pháp quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô là điều hành chính sách tài chính-ngân sách, phải tăng thu, thắt chặt chi tiêu, nâng cao hiệu quả sử dụng, bảo đảm mức bội chi ngân sách, mức dư nợ Chính phủ, dư nợ Quốc gia ở mức an toàn.

Kế sách từ các địa phương

Tại Hội nghị, nhiều địa phương đã có những phản ánh, kiến nghị thiết thực. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội-Phí Thái Bình, cho biết: Trước tình hình hiện nay, thành phố sẽ chưa tăng giá nước sinh hoạt và giá xe buýt. Để góp phần kiềm chế lạm phát, Hà Nội đang tập trung tuyên truyền tiết kiệm trong tiêu dùng, ổn định tư tưởng nhân dân. Bên cạnh đó, thành phố kiến nghị Chính phủ cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức kinh doanh, lợi dụng tình hình đầu cơ, ép giá…

Lãnh đạo thành phố đã có những cuộc trao đổi thẳng thắn nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Bắt đầu từ 1-4-2008, thời hạn cấp phép cho doanh nghiệp là 5 ngày. Tuy nhiên, môi trường đầu tư và thủ tục đầu tư cần được cải thiện. Các doanh nghiệp phải chịu áp lực lớn về lãi suất nếu thủ tục rườm rà, kéo dài. Công tác quy hoạch trên địa bàn cũng chưa được chuẩn bị tốt nên thành phố mất nhiều cơ hội đầu tư. Hiện, một số dự án trọng điểm trên địa bàn, công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đang trong tình trạng rất khó khăn. Chính phủ cần có các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái-Hoàng Thương Lượng, trong việc chi cho đầu tư xây dựng cơ bản, Chính phủ cần nghiên cứu việc tiết kiệm thông qua quyết định các dự án đấu thầu. Cắt giảm bớt thủ tục hành chính về đấu thầu cũng như thời gian mời thầu, đấu thầu trên cơ sở quy mô, giá trị của mỗi một dự án. Trong việc hỗ trợ cho người dân có trâu, bò chết, đồng chí cho rằng tỷ lệ ngân sách trung ương 30% và địa phương 70% là chưa hợp lý. Hỗ trợ từ ngân sách trung ương nên ở mức ít nhất từ 20 đến 30% giá trị của một con trâu, bò. Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ nghèo ở địa phương. Ngân hàng nhà nước nên có chính sách ưu tiên cho vay đối với các công trình dự án trọng điểm của địa phương.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng phản ánh rằng nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn cũng đang bị chững lại do vướng mắc về chính sách đất đai, giá cả đền bù. Từ đầu năm đến nay, tại thành phố đã xảy ra 13 vụ đình công, trong đó có nguyên nhân là do người lao động không được tăng lương trong bối cảnh đang có biến động giá cả… Thành phố cũng đã dừng chủ trương tăng giá nước sinh hoạt.

Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh-Nhữ Thị Hồng Liên, đề nghị Chính phủ sớm bố trí vốn đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn. Có thể nói tỉnh chưa phát huy hết những tiềm năng, lợi thế một phần là do cơ sở hạ tầng không theo kịp tốc độ, nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Cũng cần có chiến lược đầu tư đối với các dự án hạ tầng du lịch để đáp ứng nhu cầu của lượng khách tham quan ngày càng lớn trên địa bàn.

Kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây-Nguyễn Xuân Cường, cho rằng hiện nay đã có những chính sách về đất cho công nghiệp, dịch vụ và các lĩnh vực khác nhưng riêng về chuyển đổi kinh tế nông nghiệp tập trung thì chưa được quan tâm đầy đủ cũng như có những hướng dẫn cụ thể. Địa phương đang lúng túng về vấn đề này nên sự phát triển của mô hình còn thấp.

Thống nhất ý kiến với các lãnh đạo địa phương khác là nhất trí với quyết định của Chính phủ về tiết kiệm 10% ngân sách cho chi tiêu thường xuyên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang-Lê Thị Quang, đề nghị Bộ Tài chính nên có những hướng dẫn cụ thể là tiết kiệm như thế nào, ở những khoản nào. Nếu chỉ nói chung là chi tiêu thường xuyên thì rất khó hình dung vì chi thường xuyên của tỉnh vào khoảng 1000 tỷ đồng, 10% là con số lớn. Hơn nữa, tỉnh đã dự toán ngân sách, cân đối thu, chi và phân bổ vốn của quý 1 rồi thì việc điều chỉnh khoản tiết kiệm này trong các quý còn lại ra sao, cũng cần có sự chỉ đạo. Khoản tiết kiệm này nên để lại cho ngân sách địa phương và có những quy định rõ ràng về việc sử dụng. Về phía tỉnh, sẽ cố gắng trong hoàn cảnh khó khăn này vẫn tăng được nguồn thu cho ngân sách.

Cả hệ thống chính trị: Nhất quán chủ trương, thống nhất hành động

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xúc động nói: Các đồng chí đã có những ý kiến thẳng thắn, cùng nhau nhận rõ tình hình, thể hiện sự đồng tâm, nhất trí trong phát huy thuận lợi, tiềm năng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, quyết tâm trụ vững để vượt lên. Mục tiêu đề ra là kiềm chế lạm phát, giữ ở mức không cao hơn năm 2007 và giảm dần qua từng thời gian. Tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 6,5 đến 7,5%, nếu có điều kiện thì phấn đấu cao hơn. Không vì chống lạm phát mà thắt chặt đến mức chưa “chết” vì lạm phát đã “chết” vì không tăng trưởng, phát triển.

Các địa phương cùng Chính phủ tháo gỡ cho được những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và đời sống- Thủ tướng nhấn mạnh- không để ách tắc dòng vốn đầu tư; bảo đảm đủ điện cho sản xuất, giảm điện tiêu dùng trong đời sống để ưu tiên cho sản xuất; thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất. Lương thực, thực phẩm là mặt hàng đang có lợi thế trên thị trường thế giới, nên tập trung chỉ đạo, điều hành sản xuất nông nghiệp, từng mùa vụ, cây trồng, vật nuôi. Như vậy sẽ tăng được nông sản hàng hóa, bảo đảm an ninh lương thực và tăng thu nhập cho nông dân. Tiếp đó là công nghiệp và dịch vụ, ưu tiên những ngành hàng, mặt hàng xuất khẩu. Giải quyết vấn đề nhập siêu cao bằng chính việc tăng xuất khẩu, giảm chênh lệch giữa kim ngạch nhập khẩu và kim ngạch xuất khẩu.

Thủ tướng nói rõ: Rà soát, điều chỉnh dự án ở từng địa phương là việc làm cấp bách, để không tăng thêm vốn ngân sách, trong lượng vốn đã có mà vẫn có nhiều dự án, công trình sớm đưa vào sử dụng. Việc tạm ứng vốn đầu tư của năm 2009 và năm 2010 cần được nghiên cứu và nếu có cũng tập trung cho các dự án, công trình đó. Còn với các dự án, công trình ít hiệu quả hoặc không hiệu quả thì kiên quyết loại bỏ hoặc tạm dừng.

Tiết kiệm trong toàn xã hội là quyết tâm chính trị của tất cả các cấp, các ngành, các doanh nghiệp cùng toàn dân và phải được thực hiện thật tốt- Thủ tướng nhắc nhở- Nơi nào cũng phải giảm hội họp hoặc đi công tác nước ngoài chưa thật cần thiết, giảm chi tiêu ngân sách cho các cơ quan nhà nước 10% trong sử dụng điện, ô tô, điện thoại, tiếp khách, tiệc tùng, lễ lạt... Chúng ta không quay lại bao cấp nhưng thực hiện bù lỗ để giữ ổn định giá cả, nhất là các mặt hàng xăng, dầu, điện, xi măng... trong thời gian trước mắt, khi ổn định lại hướng theo cơ chế thị trường. Như vậy càng phải tiết kiệm nghiêm ngặt các mặt hàng đó trong sản xuất và tiêu dùng.

Thủ tướng kêu gọi: Chính phủ cùng các địa phương hết lòng, hết sức chăm lo an sinh xã hội, không để người dân nào bị đói. Chúng ta tuyên bố rõ ràng như thế và chắc chắn làm được nếu địa phương cùng đồng tâm, hiệp lực với chính phủ, đưa gạo và các khoản hỗ trợ đến tận tay bà con. Trong hoàn cảnh hiện nay, đời sống của những người nghèo, trong vùng thiên tai và người hưởng lương, trợ cấp xã hội gặp khó khăn. Các cấp ủy Đảng, chính quyền phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp bảo đảm cung ứng đồng đều các mặt hàng thiết yếu với đời sống như lương thực, thuốc chữa bệnh, nước sạch...; không tăng các loại phí, lệ phí do địa phương quản lý; quản lý thị trường tại chỗ, chống đầu cơ, tăng giá tùy tiện. Ngân sách trung ương đang chuyển từ hỗ trợ ưu đãi cho sản xuất lâu nay sang hỗ trợ đời sống, từ kinh tế sang xã hội; coi đó là đầu tư cơ bản. Ngân sách địa phương cũng cần được dành phần hợp lý, sử dụng có hiệu quả cho đời sống xã hội.

Được biết sau Hội nghị, sẽ có Nghị quyết của Chính phủ về những vấn đề nêu trên. Nhưng với sự thống nhất cao, lãnh đạo các địa phương đều khẳng định sẽ triển khai ngay tinh thần đã thống nhất tại Hội nghị, không chờ đợi văn bản. Điều này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo các địa phương kiềm chế cho được lạm phát bằng các công việc cụ thể ở từng vùng, miền, góp sức cho thắng lợi của cả nước.

VIỆT ÂN và HẠNH NGUYÊN