Cựu chiến binh, đảng viên Nguyễn Hữu Huấn.

QĐND - 76 tuổi đời, 49 năm tuổi đảng, là thương binh nặng mất 81% sức khỏe, nhưng ông Nguyễn Hữu Huấn, ở thôn Quang Trung (xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) vẫn còn khá minh mẫn khi kể về quãng đời quân ngũ của mình. Ánh mắt ông ánh lên niềm tự hào khi kể về những năm tháng bị tra tấn dã man trong nhà tù Phú Quốc. Ông từng tự rạch bụng, tuyệt thực 10 ngày liên tục để đòi tự do, chống lại kẻ thù...

 Cũng như bao trai tráng cùng trang lứa khi đất nước có giặc xâm lăng, tháng 10-1962, chàng thanh niên Nguyễn Hữu Huấn rời làng quê chiêm trũng xã Tiên Lữ khoác ba lô lên đường làm nhiệm vụ. Sau đợt huấn luyện chiến sĩ mới, ông được cử đi học lớp tiểu đội trưởng và đến tháng 1-1966 thì được điều đi chiến trường Đông Nam Bộ, làm chiến sĩ biệt động nội thành. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, ngày 23-4-1966, Tiểu đội trưởng Nguyễn Hữu Huấn được kết nạp vào Đảng ngay trên chiến hào. Từ đó, trong tâm can và trái tim mình, người đảng viên Nguyễn Hữu Huấn luôn nguyện một lòng theo Đảng. Tháng 2-1969, Nguyễn Hữu Huấn bị thương, nhưng chỉ sau 4 tháng điều trị vết thương tạm ổn, ông lại xin được tiếp tục tham gia chiến đấu. Đến tháng 10-1969, ông bị Mỹ-ngụy bắt đưa vào Trung tâm Thẩm vấn Sài Gòn tra khảo dã man. Không khai thác được gì từ người đảng viên trẻ trung kiên, chúng di chuyển ông và một số chiến sĩ khác đến nhà tù Phú Quốc.

Trong ngục tù của kẻ thù, ông Huấn bị đưa vào phòng giam đặc biệt để tra tấn, hỏi cung. Chúng trói hai ngón tay cái, hai ngón chân cái của ông rồi kéo đến sàn nhà riêng, bấm điện kéo lên cao, rồi tắt nguồn điện để người “rơi tự do” từ độ cao 4-5m xuống nền gạch. Mặc cho ăn uống đói khát, thiếu thốn, những đòn roi, gậy gộc quật vào người liên tiếp, nhưng kẻ thù vẫn không lấy được bất kỳ thông tin gì từ ông. Trong thời gian này, do tích cực hoạt động, ông Huấn được đồng đội bầu làm chi ủy viên chi bộ trong nhà tù Phú Quốc. Ông còn kêu gọi đồng đội trong lao tù tuyệt thực hàng tuần liền để đấu tranh đòi trả tự do và cùng nhiều đồng đội khác biểu tình đả đảo những hành động man rợ của địch. Bản thân ông từng xung phong tự rạch bụng để đấu tranh đòi tự do. Sau 31 tháng trong chốn lao tù, đến ngày 15-2-1973, ông được trả tự do, nhưng trên cơ thể chằng chịt những vết thương. Ngay sau đó, ông được đưa về trại an dưỡng, đến tháng 9-1977, đơn vị cho xuất ngũ về địa phương, được công nhận thương binh hạng đặc biệt, mất 81% sức khỏe.

Về quê, sức khỏe giảm sút, các vết thương vẫn thường xuyên hành hạ, hoàn cảnh gia đình lại gặp rất nhiều khó khăn, nhưng đảng viên Nguyễn Hữu Huấn vẫn kiên trì, bền bỉ điều trị vết thương, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạnh phúc gia đình. Ông luôn gương mẫu trong lời nói và việc làm, truyền dạy nghị lực sống cho con cháu. Hằng tháng, đảng viên Nguyễn Hữu Huấn vẫn tham gia sinh hoạt Đảng với nhiệt huyết và tinh thần đấu tranh phê bình, tự phê bình. Ông là tấm gương sáng, một đời sống và trọn vẹn lời thề với Đảng, để các cán bộ, đảng viên, quần chúng trên địa bàn học tập, noi theo.

Bài và ảnh: ĐÀO DUY TUẤN