QĐND Online - Số lượng tội phạm luôn có xu hướng gia tăng, nghiêm trọng hơn cả về quy mô và tính chất. Bộ Tư pháp tổng kết như vậy tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999 được tổ chức ngày 15-3. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị trị, Phó thủ tướng Chính phủ;, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tham dự và điều hành hội nghị.
lll
 |
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị
|
Bản tổng kết của Bộ Tư pháp cũng nhấn mạnh, các tội xâm phạm trật tự, an toàn xã hội có tính chất bạo lực gia tăng, thể hiện thái độ coi thường pháp luật của người phạm tội. Họ sẵn sàng sử dụng công cụ, phương tiện có tính nguy hiểm cao để thực hiện tội phạm.
Đặc biệt, tình trạng vỡ “bong bóng bất động sản” từ cuối năm 2012 đến năm 2013 đã làm gia tăng tội phạm hoạt động dưới dạng băng nhóm bảo kê, siết nợ, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật.
Cùng với đó, tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý dự án, đất đai, bất động sản, đầu tư xây dựng cơ bản, tội phạm buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng cấm, trốn thuế diễn biến phức tạp, có sự tham gia, tiếp tay của một số cán bộ nhà nước thoái hóa.
Nhóm tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người diễn biến ngày càng phức tạp về số lượng, phương thức, thủ đoạn cũng như tính chất dã man, tàn bạo của hành vi phạm tội, nổi bật là các tội giết người, cố ý gây thương tích và hiếp dâm. Điều đáng nói là xuất hiện tình trạng trẻ hóa tội phạm, hoạt động tội phạm theo các băng nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu xã hội đen mặc dù chỉ là nhóm nhỏ nhưng hoạt động hết sức manh động và liều lĩnh.
Thời gian qua, tội phạm chống người thi hành công vụ cũng có diễn biến phức tạp. Cá biệt, có những vụ, người phạm tội đã sử dụng "vũ khí nóng" để chống lại các lực lượng chức năng.
Chỉ ra 5 nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng của tình hình tội phạm, Bộ Tư pháp cho rằng 3 trong 5 nguyên nhân ấy đến từ công tác quản lý; bất cập, hạn chế trong hệ thống chính sách, pháp luật và công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; hạn chế trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Hai nguyên nhân còn lại là do tác động tiêu cực của tình hình kinh tế, xã hội, đặc biệt là hệ lụy của quá trình hội nhập quốc tế; sự buông lỏng quản lý, giáo dục thanh-thiếu niên của gia đình và nhà trường.
Tổng kết tình hình thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ Tư pháp cho rằng, từ khi ra đời đến nay, đây là công cụ sắc bén của nhà nước trong việc quản lý xã hội, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của nhà nước, của các tổ chức và của công dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, sau hơn 12 năm thi hành, tình hình đất nước đã có những thay đổi lớn về mọi mặt nên Bộ luật Hình sự đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
Sau khi nêu rõ hàng loạt hạn chế, bất cập của Bộ luật Hình sự hiện hành, Bộ Tư pháp đồng tình phải sửa đổi Bộ luật Hình sự một cách cơ bản, toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
“Hoạt động tổng kết này được coi là khâu quan trọng nhằm đánh giá thực trạng thi hành Bộ luật Hình sự, rút ra những hạn chế, bất cập của Bộ luật Hình sự trong thực tiễn để từ đó nghiên cứu đề xuất sửa đổi Bộ luật Hình sự nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới”, bản báo cáo do Thứ trưởng Hoàng Thế Liên trình bày nêu rõ.
Ngay sau khi Hiến pháp mới được ban hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã lần lượt công bố kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Các bản kế hoạch này đều đặt ra yêu cầu phải sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 1999 cho đúng với tinh thần của Hiến pháp, đặc biệt là trong vấn đề quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Việc sửa đổi Bộ luật Hình sự hiện hành cũng được Quốc hội Khóa XIII đưa vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ Quốc hội này.
MINH THẮNG