Phóng viên (PV): Thưa Đại sứ, ba lần tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam đã để lại cho ngài những ấn tượng như thế nào?

Đại sứ Saadi Salama: Lần đầu tiên tôi có kỷ niệm liên quan tới đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam đó là năm 1982 khi tôi là du học sinh tại đất nước của các bạn và đóng góp một phần nhỏ vào thành công của đoàn đại biểu Palestine sang thăm Việt Nam và tham dự Đại hội V. Tôi nhớ khi đó đại hội đã giành được sự đoàn kết và ủng hộ mạnh mẽ của các đảng anh em và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Sau này, khi giữ cương vị Phó đại sứ Palestine tại Việt Nam, tôi tham dự Đại hội VII. Đây là giai đoạn Việt Nam đổi mới thông qua một loạt quyết sách cực kỳ quan trọng liên quan tới tương lai đất nước khi Việt Nam đã nhận thấy những biến đổi phức tạp trên thế giới, đặc biệt là liên quan tới việc áp dụng các chính sách đổi mới được đề ra từ Đại hội VI. Thông qua các chính sách của mình, Việt Nam đã cho thấy sự quan tâm tới phát triển đất nước, phục hồi sau chiến tranh và giải quyết thông minh, sáng tạo một số vấn đề trong quan hệ với các nước láng giềng. 

 Đại sứ Nhà nước Palestine tại Việt Nam Saadi Salama.

PV: Giữ cương vị Đại sứ tại Việt Nam từ cuối năm 2009 đến nay và ngài vẫn nói rằng Việt Nam đã mang lại cho mình nhiều nguồn cảm hứng. Đại sứ có thể chia sẻ cụ thể hơn? 

Đại sứ Saadi Salama: Để nói hết thì tôi phải viết hẳn một cuốn sách về những đổi thay cũng như công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Tôi tới đất nước của các bạn lần đầu tiên khi là một du học sinh. Việt Nam khi đó đang ở thời kỳ cực kỳ khó khăn (những năm 1980), một đất nước yên bình, hiền hòa, nhưng cuộc sống của người dân còn thiếu thốn và vất vả. Tôi ấn tượng với hình ảnh trên đường phố khi nam giới thường mặc quần kaki với áo sơ mi trắng, còn nữ giới thì mặc quần lụa đen với áo sơ mi và đầu đội chiếc nón. Họ đi xe đạp có treo một chiếc cặp lồng cơm mang từ nhà đến nơi làm việc. Khi đó Việt Nam còn phải nhập khẩu gạo của nước ngoài. Vậy mà thật kỳ diệu, Việt Nam hiện đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, đồng thời là quốc gia xuất khẩu nông sản lớn. Tôi nhớ Hà Nội những năm 1980, nhà cao nhất cũng không quá 5 tầng. Vậy mà giờ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có nhiều tòa nhà chọc trời. Đây chính là những hình ảnh của thành công, của cố gắng vươn lên. Chỉ trong vòng 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành quả đó. Nếu so với các nước tôi từng làm việc ở châu Phi thì rõ ràng, sự thành công này đã đi xa hơn rất nhiều. 

Tôi còn nhớ sau khi tới Việt Nam nhận nhiệm vụ mới với vai trò Đại sứ, tôi có cơ hội tham dự Đại hội XI. Đây cũng là giai đoạn cả thế giới đang phải vật lộn để vượt qua những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu từ năm 2008 và hệ luỵ trong những năm tiếp theo. Phải nói rằng, thời kỳ này, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã khéo léo xử lý các vấn đề để vượt qua khó khăn chung mà cả khu vực và thế giới đang phải đối mặt.

Còn hiện nay, Việt Nam đang được cả thế giới ngưỡng mộ khi kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, góp phần đưa kinh tế phát triển trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế trên thế giới bị suy giảm, thậm chí tăng trưởng âm. Trong khi nhiều quốc gia đang phải chống đỡ với đại dịch Covid-19 cùng với những tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế, Việt Nam đã kiểm soát thành công đại dịch, GDP tăng trưởng 2,91%, thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới năm 2020. Đây chính là minh chứng cho sự lãnh đạo với những đường lối và quyết sách đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam.  

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế. Có thể thấy rằng, trong 5 năm trở lại đây, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của thế giới với những thành tựu không chỉ về phát triển kinh tế. Đất nước Việt Nam được cả thế giới biết tới với vai trò “điểm hẹn” hòa giải khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump gặp thượng đỉnh năm 2019 để thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Đây chính là nỗ lực đóng góp cho hòa bình thế giới của Việt Nam-quốc gia hiểu hơn ai hết hậu quả chiến tranh và giá trị của hòa bình là như thế nào.  

PV: Vậy theo ngài, đâu là nguyên nhân giúp Việt Nam đạt được những thành tựu như vậy?

Đại sứ Saadi Salama: Đằng sau thành quả đó chính là những chính sách phát triển kinh tế-xã hội gắn liền với tình hình thực tế, điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Đoàn kết dân tộc, sự ủng hộ của người dân đối với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước là những nhân tố đặc biệt quan trọng. Người dân Việt Nam cần cù, chịu khó, luôn hướng về tương lai, luôn mong muốn đóng góp cho sự phát triển đất nước. Các quyết sách đúng đắn của Đảng đã đưa Việt Nam vượt qua các cuộc khủng hoảng, phát triển vươn lên và giành được sự khâm phục của các quốc gia trên thế giới.

Việc thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đã giúp Việt Nam giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị và an ninh tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước.

Là một người bạn của Việt Nam và là một nhà ngoại giao, tôi luôn gửi những thông điệp cho bạn bè quốc tế và đất nước Palestine về một Việt Nam đầy hứa hẹn. 

PV: Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

MY HẠNH (ghi)