Cách đây tròn một thế kỷ, ngày 18-6-1919, thay mặt những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lấy tên là Nguyễn Ái Quốc để gửi bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gồm 8 điểm và được viết bằng tiếng Pháp (gọi tắt là bản Yêu sách) đến Hội nghị hòa bình Vécxây, yêu cầu Chính phủ Pháp ân xá các tù chính trị, thực hiện các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Đây là một sự kiện lịch sử gắn liền với sự xuất hiện lần đầu tiên tên gọi Nguyễn Ái Quốc. Để rồi từ đây tên tuổi, sự nghiệp vĩ đại của Người cống hiến cho dân tộc và nhân loại được tôn vinh: Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh.  

Quang cảnh tọa đàm. 

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Tọa đàm khoa học là dịp để nghiên cứu, học tập và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa chính trị và giá trị lịch sử của Yêu sách đối với phong trào cách mạng Việt Nam đồng thời đánh dấu sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức, tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc, một bước ngoặt trên hành trình tìm đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh. Đồng thời góp phần khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân giành thắng lợi và trong thực hiện chúng ta phải không mệt mỏi để hiện thực hóa tư tưởng của Người trong cuộc sống để nhân dân ta thực sự được tự do, ấm no, hạnh phúc một cách vững chắc.

Ban tổ chức đã nhận được hơn 20 tham luận gửi đến tọa đàm. Các tham luận, ý kiến của các đại biểu, các nhà khoa học đã tập trung phân tích, luận giải làm rõ về bối cảnh ra đời, nội dung, tầm vóc, giá trị nhân văn, giá trị lịch sử của bản Yêu sách. Bản Yêu sách đã thể hiện khát vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam và các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh đòi độc lập, tự do; đòi dân sinh, dân chủ; đòi quyền tự quyết dân tộc và khơi nguồn cảm hứng cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Đặc biệt các đại biểu đi sâu làm rõ sự xuất hiện chính thức của Nguyễn Tất Thành với cái tên mới là Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên trên diễn đàn chính trị và vai trò của Nguyễn Ái Quốc với tiến trình đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, đóng góp to lớn của Người đối với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa, làm sụp đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.

Các nhà khoa học cũng thống nhất khẳng định: Đại diện cho những người Việt Nam yêu nước tại Pháp ký tên vào bản Yêu sách, Nguyễn Ái Quốc đã thể hiện trí tuệ, tầm nhìn của nhà cách mạng thiên tài; đóng góp to lớn trong việc thức tỉnh nhân dân Việt Nam và nhân dân các dân tộc thuộc địa đứng lên đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, quyền tự quyết thiêng liêng của các dân tộc. Nhiều ký kiến của các đại biểu nhấn mạnh: Yêu sách là một đòn công kích hàm chứa tư tưởng chống chủ nghĩa thực dân, mang khát vọng đấu tranh của các dân tộc thuộc địa, toát lên sự độc đáo, sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc.

Với dẫn chứng sinh động, có sức thuyết phục, nhiều tham luận cũng làm rõ bản chất lừa bịp của chủ nghĩa thực dân. Cũng qua sự kiện này, Nguyễn Ái Quốc với những hoạt động lý luận và thực tiễn đã tìm thấy con đường giải phóng cho cách mạng Việt Nam. 

Tin, ảnh: THU THỦY