Trung tướng Vũ Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng và Đại tá Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân (QĐND) đồng chủ trì tọa đàm.

Trung tướng Vũ Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đối ngoại và Đại tá Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân (QĐND) đồng chủ trì tọa đàm. 

Dự tọa đàm có các đồng chí: Thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng; Trung tướng phi công Phạm Tuân, Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng lao động, Anh hùng Liên Xô, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng; Thiếu tướng Lê Xuân Sang, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị; Đoàn Khắc Việt, Phó vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí/Bộ Ngoại giao; cùng đại diện lãnh đạo, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị: Tăng Thiết giáp, Hải quân, Pháo binh, Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga; Phân viện Puskin...; các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh, các nhân chứng lịch sử trong và ngoài quân đội từng sống, học tập tại Liên Xô/LB Nga.

Với chủ đề xuyên suốt về hợp tác Việt Nam – Liên Xô/LB Nga trong lĩnh vực đào tạo trong 70 năm qua, tọa đàm nhằm khẳng định hợp tác đào tạo giữa Việt Nam - Liên Xô/LB Nga góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước; là một trong những động lực quan trọng trong quá trình xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của QĐND Việt Nam.

Quang cảnh tọa đàm. 

Tại tọa đàm, các đại biểu đều thống nhất khẳng định: Phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với LB Nga là ưu tiên quan trọng hàng đầu của Việt Nam, trong đó hợp tác quốc phòng là trụ cột, hợp tác đào tạo là điểm sáng. Trong đó, hợp tác đào tạo trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng dựa trên nền tảng quá khứ tốt đẹp đã và đang ghi nhiều dấu ấn quan trọng trong quan hệ đối tác quốc phòng nói riêng và quan hệ hai nước nói chung.

Phát biểu mở đầu tọa đàm, Đại tá Đoàn Xuân Bộ nhấn mạnh: Trong mỗi bước đường phát triển của Việt Nam luôn có dấu ấn của mối quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống Việt Nam - Liên Xô/LB Nga. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đã khẳng định “đây chính là tài sản vô giá mà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam quyết tâm gìn giữ và phát huy, là tiền đề đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả”.

Với hàng chục tham luận gửi tới tọa đàm, các diễn giả đã tập trung trao đổi, đánh giá về những thành tựu, kết quả, bài học kinh nghiệm quý giá trong suốt chiều dài 70 năm quan hệ hợp tác truyền thống, hữu nghị, được thử thách qua thời gian. Qua đó, góp thêm những thông tin, tư liệu và khẳng định sự đóng góp to lớn, hiệu quả của hợp tác đào tạo Việt Nam – Liên Xô/LB Nga đối với sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng, phát triển đất nước của Việt Nam, nhất là xây dựng QĐND Việt Nam.

Là người đầu tiên của Việt Nam, của châu Á bay vào vũ trụ năm 1980, Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động Việt Nam, Anh hùng Liên Xô, Trung tướng Phạm Tuân đã có những chia sẻ khái quát, nhấn mạnh đến sự giúp đỡ to lớn, toàn diện và hiệu quả của Liên Xô/LB Nga, nhất là trong lĩnh vực đào tạo, huấn luyện phi công quân sự. Trung tướng Phạm Tuân nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân làm nên chiến thắng của nước ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cũng như trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc là nhờ sự giúp đỡ to lớn, toàn diện và hiệu quả của nước bạn.  

Trung tướng Phạm Tuân phát biểu tại tọa đàm. 

Trung tướng Phạm Tuân nhắc lại sự giúp đỡ của Liên Xô trong lĩnh vực đào tạo, huấn luyện phi công quân sự cho chiến đấu từ năm 1956 khi đoàn 110 cán bộ đầu tiên được cử sang Liên Xô đào tạo về hàng không. Những năm sau đó, Bộ Quốc phòng liên tục cử các đoàn học viên sang Liên Xô đào tạo, huấn luyện về không quân, chuẩn bị lực lượng phi công quân sự cho chiến đấu.

Với mặt bằng chung của học viên Việt Nam thấp hơn so với học viên phi công các nước cùng học, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu của ta, Liên Xô đã biên soạn một chương trình huấn luyện bay riêng; ưu tiên những giáo viên giỏi nhằm nhanh chóng đào tạo, đưa phi công về nước tham gia chiến đấu. Bất chấp khó khăn, nguy hiểm, với tình cảm quốc tế cao cả, tình đoàn kết thủy chung, bạn đã tổ chức cho học viên của ta học tập trong điều kiện tốt nhất. Kết quả, với 447 học viên đào tạo ở Liên Xô, đã có 220 phi công tiêm kích tốt nghiệp, chiếm gần một nửa số phi công chiến đấu của Việt Nam. Các phi công tốt nghiệp từ Liên Xô về đã kịp thời bổ sung cho các đơn vị tham gia chiến đấu dũng cảm, sáng tạo ra nhiều cách đánh hay và họ đã bắn rơi 170/293 máy bay Mỹ, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng của lực lượng không quân nói riêng, của quân đội ta nói chung.

Trung tướng Phạm Tuân kể, trong kháng chiến chống Mỹ, bạn bắt đầu ủng hộ, giúp đỡ toàn diện cho Việt Nam. Cùng với việc tăng cường viện trợ về vũ khí, trang bị kỹ thuật, bạn bắt đầu cử chuyên gia quân sự đến Việt Nam; rồi viện trợ cho ta nhiều loại máy bay hiện đại, trực thăng vận tải, ném bom; cử những giáo viên bay giỏi, chuyên gia kỹ thuật lành nghề giúp chúng ta khai thác tốt tính năng của vũ khí hiện đại. Đội ngũ chuyên gia của bạn đã lăn lộn cùng chúng ta, cùng chung sự thiếu thốn về ăn, ở, đi lại, cùng chịu sự rình rập của bom đạn, sẵn sàng vượt qua khó khăn, nguy hiểm để cùng với chúng ta thực hiện tốt nhiệm vụ cao cả mà hai Đảng, hai Nhà nước giao cho. Thậm chí, trong huấn luyện, một số phi công Liên Xô đã hy sinh cùng phi công Việt Nam...

“Các chuyên gia, phi công của bạn không những đổ mồ hôi, công sức mà còn đổ máu cho những thắng lợi của Không quân nhân dân Việt Nam nói riêng cũng như nhân dân Việt Nam nói chung. Nếu không có tình quốc tế cao cả, không có tình yêu với đất nước, con người Việt Nam thì bạn không giúp đỡ chúng ta chí tình, chí nghĩa đến như vậy! Đó là một tình bạn đặc biệt sâu sắc Liên Xô/LB Nga – Việt Nam!”, Trung tướng Phạm Tuân nhấn mạnh.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng cũng nhấn mạnh đến sự hỗ trợ, giúp đỡ to lớn, toàn diện, nhiệt tình và hiệu quả của bạn với nước ta. “Có lẽ không có quan hệ nào trải qua được thăng trầm như thế, từ khó khăn gian khổ, hàn vi cho đến nay. Trong quan hệ quốc tế, có lẽ chỉ có mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga”, Thượng tướng Võ  Văn Tuấn nói.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn nhắc đến một số câu chuyện, khẳng định sự giúp đỡ nhiệt tình của bạn với nước ta. Theo đó, vào thời điểm cuối năm 1988, bạn đã viện trợ cho ta một Trung đoàn Không quân tiêm kích-bom Su-22M4, bao gồm 34 máy bay, có 30 máy bay chiến đấu Su-22M4 và 4 máy bay huấn luyện – chiến đấu Su-22UM3 cùng vũ khí trang bị đồng bộ. Sau lễ tái lập Trung đoàn Không quân 937 vào ngày 25-11-1988, Trung đoàn bắt đầu một trang sử mới với nhiệm vụ rất quan trọng là phối hợp với Quân chủng Hải quân và các đơn vị bạn bảo vệ vững chắc biển đảo và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc...

Thượng tướng Võ  Văn Tuấn, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng phát biểu tại tọa đàm. 

Đại tá Hoàng Văn Lợi, Phó chính ủy Binh chủng Tăng thiết giáp (TTG) cũng nhấn mạnh đến sự trợ giúp chí tình của nước bạn với quân đội nước ta trong xây dựng Binh chủng TTG, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. “Trong suốt chặng đường 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Bộ đội TTG luôn có sự giúp đỡ to lớn của bạn trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng, nhất là hợp tác về đào tạo cán bộ, chuyển giao vũ khí, trang bị kỹ thuật... góp phần duy trì ổn định, hòa bình và phát triển tại khu vực cũng như trên thế giới”, Đại tá Hoàng Văn Lợi thông tin.

Theo đó, từ năm 1960 đến 1990, Việt Nam đã được Liên Xô viện trợ rất nhiều chủng loại vũ khí, trang bị, vật tư kỹ thuật TTG như xe tăng, pháo tự hành, xe dắt, các loại xe bảo đảm kỹ thuật, xe bắc cầu, xe chiến đấu bộ binh, xe thiết giáp lốp... cùng hàng trăm ngàn tấn đạn dược, phụ tùng, vật tư kỹ thuật TTG. Ngoài sự giúp đỡ, viện trợ to lớn về vũ khí, trang bị kỹ thuật, Liên Xô còn giúp cử các chuyên gia, cố vấn có trình độ chuyên môn giỏi, tinh thần trách nhiệm cao sang trực tiếp hỗ trợ huấn luyện, đào tạo chuyên ngành TTG cho Việt Nam. Đến nay, các hệ thống, trang thiết bị kỹ thuật, nhà xưởng mà Liên Xô viện trợ và giúp ta xây dựng vẫn phát huy hiệu quả, góp phần tích cực nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật, chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của Bộ đội TTG Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cũng theo Đại tá Hoàng Văn Lợi, trong những năm gần đây, LB Nga đã từng bước giúp Binh chủng TTG cải tiến, hiện đại hóa xe tăng, xe thiết giáp...

Đại tá Hoàng Văn Lợi, Phó chính ủy Binh chủng Tăng thiết giáp phát biểu tại tọa đàm. 

Điểm nhấn là trong những năm gần đây, với sự giúp đỡ nhiệt tình của Quân đội LB Nga khi sang thi đấu các kỳ Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games), bạn đã tạo điều kiện cho ta mượn trang bị, thao trường, nơi ăn ở, với điều kiện tốt nhất, từ đó giúp ta qua 3 mùa hội thao đã giành được Huy chương Vàng bảng 2 vào năm 2020, mang vinh dự về cho Tổ quốc. Qua hội thao đã giúp cán bộ, chiến sĩ xe tăng trưởng thành hơn về khả năng thao tác, sử dụng, bảo dưỡng trang bị vũ khí hiện đại.

Thiếu tướng Đặng Hồng Triển, Tổng giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga thì khẳng định, trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm đã không ngừng phấn đấu, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, trở thành cơ sở khoa học, công nghệ hỗn hợp quốc tế đa ngành về nhiệt đới. Kết quả hoạt động của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã góp phần củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị, đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm. 

Với sự giúp đỡ của phía Nga thông qua các khóa đào tạo tại LB Nga, Trung tâm đã xây dựng được đội ngũ cán bộ chuyên sâu để nghiên cứu về phòng, chống các bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt, một trong những kết quả nổi bật về hợp tác nghiên cứu, phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch Covid-19 giữa Việt Nam và LB Nga là việc đưa vào khai thác và sử dụng hiệu quả xét nghiệm lưu động do LB Nga tài trợ, qua đó góp phần vào thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19...

Những ý kiến và tham luận gửi về tọa đàm đều khẳng định, trong mỗi chặng đường phát triển của đất nước Việt Nam chúng ta luôn có dấu ấn của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt –Nga. Những hỗ trợ vô cùng quý báu cả về vật chất, tinh thần, và đặc biệt là nguồn tri thức khổng lồ mà chúng ta tiếp cận được từ Liên Xô/LB Nga qua từng giai đoạn khác nhau của lịch sử đất nước nhiều thăng trầm, sẽ mãi là di sản quý báu trong quan hệ hợp tác truyền thống, hữu nghị hai nước cần phải được gìn giữ cho muôn đời sau. Trên nền tảng quá khứ tốt đẹp, Việt Nam và Liên bang Nga đang đứng trước rất nhiều cơ hội để củng cố và tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khác nhau, làm sinh động và cụ thể hơn mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-LB Nga. Trong đó hợp tác đào tạo đóng vai trò là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, lan toả ra nhiều lĩnh vực khác nhau. Hợp tác đào tạo sẽ luôn là một điểm sáng trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước.

PHƯƠNG HẰNG - PHẠM HƯNG