QĐND Online - Sáng 9-9, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống (13-9-1945/13-9-2015); đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tòa án nhân dân lần thứ ba.
Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an đã tới dự buổi lễ. Cùng dự buổi lễ còn có Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào Khăm-Phăn xít Thị-đăm-pha và Phó chánh án Tòa án tối cao Vương quốc Cam-pu-chia Chiv Keng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gửi lẵng hoa chúc mừng.
 |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên Cờ truyền thống của ngành Toà án nhân dân. Ảnh: TTXVN.
|
Đọc diễn văn khai mạc buổi lễ, đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh: Ngay sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng bộ máy nhà nước của chính quyền cách mạng. Ngày 13-9-1945, thay mặt Chính phủ lâm thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 33C thiết lập các tòa án quân sự để “Xét xử tất cả các người nào vi phạm một việc gì có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa...”. Ngay từ khi mới được thành lập, các tòa án quân sự đã tổ chức tốt việc xét xử, kịp thời trừng trị bọn phản cách mạng, Việt gian bán nước, góp phần vào cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng chính quyền nhân dân, xây dựng lòng tin của nhân dân đối với chính quyền cách mạng và đảm bảo cho những sắc lệnh, quy định của Chính phủ ban hành phải được thực hiện nghiêm chỉnh.
Trong giai đoạn 2011-2015, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, phong trào thi đua của Tòa án nhân dân các cấp đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ và đạt được hiệu quả thiết thực.
Về công tác chuyên môn, nghiệp vụ, trong 5 năm qua, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý hơn 1,6 triệu vụ án các loại, giải quyết, xét xử hơn 1,5 triệu vụ án, đạt tỷ lệ 92,83%. Nhìn chung, số lượng các loại vụ án được các tòa án giải quyết, xét xử năm sau cao hơn năm trước và được nâng cao về chất lượng. Tỷ lệ các bản án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của tòa án giảm dần theo các năm (năm 2011 là 2,14%, năm 2012 là 1,83%, năm 2013 là 1,71%...). Công tác phát hiện, bồi dưỡng các nhân tố điển hình trong phong trào thi đua của Tòa án nhân dân các cấp luôn được quan tâm và coi đây là nội dung, động lực quan trọng trong tổ chức phong trào thi đua; xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến. Từ năm 2013 đến nay, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức và duy trì việc vinh danh các “thẩm phán mẫu mực” “thẩm phán tiêu biểu” và tổ chức thi tuyển “Thẩm phán giỏi”. Qua các phong trào thi đua, ngành Tòa án đã vinh danh 10 thẩm phán với danh hiệu Thẩm phán mẫu mực, 46 Thẩm phán tiêu biểu và 189 thẩm phán được tặng thưởng danh hiệu Thẩm phán giỏi.
Tòa án quân sự các cấp trong giai đoạn vừa qua đã tổ chức triển khai thực hiện tốt các kế hoạch thi đua của Tòa án nhân dân phát động, gắn với phong trào thi đua quyết thắng trong toàn quân. Từ phong trào thi đua, các tòa án quân sự đã hoàn thành các chỉ tiêu công tác chuyên môn, thụ lý và giải quyết hơn 1.274 vụ, xét xử phúc thẩm 266 vụ, xét xử lưu động 707 vụ...
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương và chúc mừng những thành tích đã đạt được của ngành tòa án trong suốt 70 năm qua. Ôn lại lịch sử ngành tòa án trong 70 năm qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, hiện nay, tổ chức của ngành tòa án không ngừng được hoàn thiện và đổi mới. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến của đất nước, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”. Vị thế, trách nhiệm của tòa án, thẩm phán tòa án nhân dân được đề cao. Cùng với nhiệm vụ xét xử, tòa án có nhiệm vụ phát hiện và kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bãi bỏ các văn bản trái Hiến pháp và pháp luật.
Chủ tịch nước khẳng định, 70 năm qua, các tòa án đã xét xử nghiêm minh, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm hình sự, góp phần bảo vệ đất nước, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân. Trong xét xử, các tòa án đã giải quyết công bằng, khách quan các tranh chấp khiếu kiện, góp phần hóa giải các mâu thuẫn, giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết trong xã hội, bảo vệ các hoạt động giao dịch dân sự, kinh tế hợp pháp của cá nhân, tổ chức; thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập kinh tế của đất nước. Thông qua hoạt động xét xử, các tòa án đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân...
Trong giai đoạn hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN có những thời cơ lớn nhưng cũng phải đương đầu với khó khăn, thách thức hết sức gay gắt. Các tòa án bên cạnh những thuận lợi nhưng những thách thức cũng rất lớn, nhiệm vụ của ngành tòa án hết sức nặng nề. Tình hình các loại tội phạm, tranh chấp trong xã hội ngày càng gia tăng về số lượng, phức tạp hơn về tính chất. Yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân với công tác xét xử ngày càng tăng. Do vậy, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị mỗi thẩm phán trong các tòa án cần luôn luôn có quyết tâm cao, tính cầu thị sửa chữa khuyết điểm, củng cố và nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, nâng cao hiệu quả hoạt động. Các tòa án cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Mỗi thẩm phán, cán bộ tòa án phải luôn luôn ghi nhớ, thấm nhuần sâu sắc, thực hiện thật tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu. Trong công tác xét xử phải công bằng, liêm khiết phải “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng; nêu cao gương “Phụng công-Thủ pháp, Chí công-Vô tư” để nhân dân noi theo.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao Quyết định và gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên Cờ truyền thống của ngành Toà án nhân dân; trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng ông Trần Kim Giám, nguyên Vụ trưởng Tổ chức Cán bộ, Tòa án nhân dân tối cao; truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cố Chánh án đầu tiên của Tòa án nhân dân tối cao Phạm Văn Bạch.
MINH MẠNH