QĐND - Tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đặt tại vườn hoa Hàng Đậu tái hiện hình ảnh người chiến sĩ cảm tử quân ôm bom ba càng trong tư thế sẵn sàng lao vào xe tăng địch như minh chứng cho ý chí quật cường, “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” của đồng bào và chiến sĩ cả nước nói chung và quân, dân thủ đô Hà Nội nói riêng trong 60 ngày đêm anh dũng.
Ngày ấy, một bộ phận của Trung đoàn Thủ Đô được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ kìm chân địch trong lòng Thủ đô càng lâu càng tốt để các lực lượng của ta ở bên ngoài chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Theo dự kiến ban đầu Hà Nội sẽ để lại khoảng 500 người, nhưng sau khi các cơ quan Trung ương và nhân dân Hà Nội rút khỏi thành phố, số người ở lại lên tới 1.200 người. Lời thề “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của những chiến sĩ quyết tử Trung đoàn Thủ Đô vang lên như sóng dậy tại Rạp hát Tố Như (số 27 Hàng Bạc).
 |
Tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đặt tại vườn hoa Hàng Đậu. Ảnh internet. |
Theo lời kể của các CCB Trung đoàn Thủ Đô, những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, quân ta chủ yếu chiến đấu bằng vũ khí thô sơ và số súng đạn cướp được từ tay quân Pháp, đặc biệt có loại bom ba càng dùng để phá hủy xe tăng, xe bọc thép của quân Pháp. Đây là loại bom có cán dài chừng 1,5m, thuốc nổ và ngòi nổ ở đầu cán. Để kích nổ loại bom này cần phải có một người ôm bom đâm trực tiếp vào xe tăng địch. Biết rõ hành động này là cực kỳ nguy hiểm, là sẽ hy sinh vì phải lao cả người và bom vào xe tăng thì sức công phá mới có hiệu quả cao nhất, nhưng rất nhiều chiến sĩ của Trung đoàn Thủ Đô vẫn viết đơn tình nguyện xin được làm nhiệm vụ vinh quang đó. Và trước mỗi lần làm nhiệm vụ, họ đều được đồng đội làm lễ truy điệu sống và “được” dự lễ truy điệu của chính mình…
Mặt trận Hà Nội lúc bấy giờ có 13 đội quyết tử. Đã có nhiều tấm gương chiến đấu và hy sinh cao đẹp. Chẳng hạn như tấm gương Lê Gia Đỉnh, Chính trị viên Đội bảo vệ Bắc Bộ phủ, “chiến sĩ quyết tử số một” của Liên khu I Hà Nội trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến. Tại đây, từ đêm 19-12-1946, chiến sự đã diễn ra ác liệt. Cuối cùng, do trận đánh diễn ra dữ dội và kéo dài, quân ta cạn dần vũ khí, đạn dược, chỉ còn lại duy nhất một quả bom ba càng. Các chiến sĩ đề nghị chiến đấu đến cùng dù không thể giữ cũng phải ngăn chặn không cho giặc chiếm Bắc Bộ phủ theo kế hoạch chúng dự định, nhưng Lê Gia Đỉnh đã cho anh em chuyển toàn bộ thương binh sang Nhà Bưu điện ở phía sau rồi lệnh cho hai trung đội, rút lui để bảo toàn lực lượng, còn riêng mình ở lại chờ địch với quả bom ba càng. Không có cách nào hơn, các chiến sĩ phải nghẹn ngào, chào vĩnh biệt người chính trị viên dũng cảm, kiên trung. Chỉ mấy phút sau, khi cho xe tăng và bộ binh địch bu đến chân tiền sảnh Bắc Bộ phủ thì bỗng nhiên dội lên một tiếng nổ vang trời. Đó chính là lúc Lê Gia Đỉnh dũng cảm ôm bom, lao vào xe tăng địch. Và từ giờ phút thiêng liêng ấy đã xuất hiện biết bao hành động quả cảm với tinh thần “sống chết với Thủ đô” như: Chiến sĩ quyết tử Trần Thành, Trung đội trưởng Trung đội bảo vệ cơ quan Bộ Tổng tham mưu; Đại đội trưởng tự vệ thành Trịnh Sĩ Bình; nữ tự vệ trinh sát Hoàng Hà, Tiểu đội trưởng Tiểu đội du kích Hồng Hà - Nguyễn Ngọc Nại…
Trân trọng trước sự dũng cảm hy sinh của quân và dân Hà Nội, ngày 27-1-1947 (tức mồng 5 Tết Đinh Hợi), đúng ngày kỷ niệm Chiến thắng Đống Đa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen các chiến sĩ đang xả thân bảo vệ từng góc phố, căn nhà của thủ đô Hà Nội. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau... Các em hăng hái tiến lên, lòng Già Hồ, lòng Chính phủ và lòng toàn thể đồng bào luôn luôn ở bên cạnh các em. Tôi thay mặt Chính phủ và đồng bào gửi cho các em lời chào thân ái và quyết thắng”.
Minh Mạnh – Tấn Tuân