QĐND Online - Sáng 1-8, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp và làm việc với lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Tại đây, lãnh đạo các bộ, ngành khẳng định sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thân chủ.
Hơn 2/3 luật sư tập trung tại hai thành phố lớn
Báo cáo với Chủ tịch nước, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh cho biết, tính đến tháng 6-2014, số lượng luật sư trên cả nước là 8.675 người, tăng 40% so với thời điểm thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam vào tháng 5-2009.Tuy nhiên, sự phát triển về số lượng luật sư chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, đặc biệt là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hà Nội hiện có 2.275 luật sư, TP Hồ Chí Minh hiện có 3.756 luật sư, chiếm hơn 2/3 tổng số luật sư của cả nước. Đoàn Luật sư tỉnh Lai Châu có ít luật sư nhất, với 4 luật sư. Đoàn Luật sư Hà Giang có 6 luật sư, Đoàn Luật sư Bắc Cạn và Kon Tum cùng có 7 luật sư, Đoàn Luật sư Hòa Bình có 8 luật sư, Đoàn Luật sư Hậu Giang có 9 luật sư.
Từ tháng 5-2009 đến nay, luật sư trên cả nước đã tham gia bào chữa trong 67.414 vụ án hình sự, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho thân chủ trong 54.005 vụ án dân sự, 5.460 vụ án kinh tế, 4.423 vụ án hành chính, 724 vụ án lao động. Ngoài ra, luật sư cũng thực hiện 248.129 vụ tư vấn pháp luật, 72.809 dịch vụ pháp lý khác, trợ giúp pháp lý miễn phí cho 31.271 vụ việc, làm đại diện ngoài tố tụng cho 6.612 trường hợp.
Những năm gần đây, đội ngũ luật sư đã đảm nhận 100% việc bào chữa trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu, chất lượng bào chữa ngày càng được nâng cao.
 |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam sáng 1-8.
|
Kiến nghị tạo điều kiện thuận lợi hơn cho luật sư
Theo báo cáo của Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư được ký bởi Chủ nhiệm Ủy ban, Luật sư Phan Trung Hoài, so với thời điểm trước khi Chủ tịch nước về thăm và làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam, sự tham gia, phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các yêu cầu bảo vệ quyền lợi của luật sư đã có một số chuyển biến tích cực ban đầu.
Cụ thể, Bộ Công an đã có kết quả thẩm tra và giải quyết 30 trường hợp hồ sơ khiếu nại do Liên đoàn chuyển đến, hình thành cơ chế phối hợp giải quyết khiếu nại thông qua Vụ Pháp chế, Bộ Công an. Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã ban hành thông tư quy định chi tiết về công tác điều tra hình sự của lực lượng công an nhân dân, trong đó có nhiều quy định cụ thể hóa trách nhiệm của điều tra viên trong việc tiếp nhận, giải quyết yêu cầu tham gia tố tụng của người bào chữa. Tuy nhiên, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo của luật sư được các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương quan tâm chỉ đạo, giải quyết là chưa nhiều.
Từ đó, Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư kiến nghị, Chủ tịch nước và Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương xem xét việc bảo đảm nâng cao địa vị pháp lý của luật sư, cơ chế thông thoáng và đơn giản về thủ tục, tạo điều kiện để luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thân chủ; xây dựng cơ chế bảo đảm phán quyết của tòa án phải xuất phát từ kết quả tranh tụng tại phiên tòa như tinh thần nghị quyết của Bộ Chính trị và các quy định mới của Hiến pháp năm 2013.
Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư cũng đề nghị lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương chấn chỉnh và yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc tổ chức mình thực hiện đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không yêu cầu luật sư xuất trình các loại giấy tờ mà pháp luật không quy định, tạo điều kiện cho luật sư hành nghề.
 |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
|
Kiểm điểm điều tra viên sau khi có phản ánh của luật sư
Về những kiến nghị của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho hay, Bộ Công an đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật liên quan đến quyền được bào chữa của bị can và quyền tham gia bào chữa của luật sư.
Riêng với 30 trường hợp luật sư có vướng mắc trong hoạt động và có đơn thư phản ánh, Bộ Công an đã giao C19 và Công an địa phương kiểm tra, báo cáo lại với Bộ trưởng. Kết quả, 21 trường hợp đã được cơ quan điều tra giải quyết cơ bản đúng, 3 trường hợp do có ý hiểu khác nhau về giam và giữ, 5 trường hợp có thiếu sót của cơ quan điều tra và điều tra viên. Trên cơ sở đó, Bộ Công an đã yêu cầu chấn chỉnh, kiểm điểm các cơ quan, cá nhân để xảy ra thiếu sót.
Thứ trưởng Lê Quý Vương nhấn mạnh, lãnh đạo Bộ Công an sẽ tiếp tục nhắc nhở đội ngũ điều tra viên làm việc tốt hơn, nếu có vướng mắc sẽ tiếp tục sửa để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thân chủ.
Phó chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, Trung tướng Trần Văn Độ cũng khẳng định, Tòa án nhân dân tối cao luôn yêu cầu tạo điều kiện thuận tiện, giúp luật sư tham gia tranh tụng nhiều nhất có thể tại các phiên tòa.
Xây dựng đội ngũ luật sư ngang tầm khu vực và thế giới
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao kết quả hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong thời gian qua. Cụ thể, đội ngũ luật sư đã có những thành tích trong một số trường hợp cụ thể phát hiện oan, sai; góp phần ngày càng lớn khẳng định mô hình đúng đắn của hoạt động tố tụng trên cơ sở tranh tụng tại tòa; có những đóng góp tích cực trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của đất nước. Nhờ đó, vị trí của luật sư từng bước được khẳng định trong đời sống chính trị, pháp lý của đất nước.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng nhắc nhở, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tổ chức và hoạt động luật sư ở nước ta vẫn còn hạn chế, bất cập. Số lượng các vụ án có sự tranh tụng của luật sư tuy được nâng lên nhiều, nhưng xét về tỷ lệ thì vẫn còn thấp, mới đạt 21% ở mảng hình sự; vẫn còn một số luật sư vi phạm đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xóa tên trong danh sách luật sư; chất lượng tranh tụng trong một số hạn chế, trong đó có vai trò của luật sư.
Chủ tịch nước yêu cầu, mỗi cá nhân luật sư phải tự giác, gương mẫu tuân thủ pháp luật, không ngừng rèn đức, luyện tài, trau dồi kiến thức, nỗ lực học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng ngoại ngữ, kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng được nhu cầu trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần tăng cường tuyên truyền để người dân biết tới luật sư, vai trò của luật sư nhiều hơn; nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; tiếp tục phát huy vai trò của luật sư trong phát hiện oan sai, kể cả phát hiện việc để lọt, sót tội phạm hay sử dụng nhục hình, góp phần bảo vệ pháp luật…
CHIẾN THẮNG