QĐND - Phong trào “Ba sẵn sàng” được Thành đoàn Hà Nội khởi xướng và nhanh chóng lan tỏa ra cả nước, không những huy động, cổ vũ mạnh mẽ tuổi trẻ tham gia cách mạng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, góp phần giải phóng đất nước, mà còn để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong tổ chức phong trào của tuổi trẻ hôm nay.

Khởi nguồn và sức lan tỏa

Tháng 8-1964, sau sự kiện đế quốc Mỹ gây hấn ở Vịnh Bắc Bộ, chuẩn bị đợt không kích đánh phá miền Bắc, tuổi trẻ Hà Nội sục sôi ý chí chiến đấu chống ngoại xâm. Tham gia đánh Mỹ, cứu nước trở thành nguyện vọng thiết tha, khát vọng cháy bỏng của thanh niên Hà Nội lúc bấy giờ. Tối 7-8-1964, tại phòng họp trụ sở cơ quan Thành đoàn Hà Nội, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội họp bất thường và thống nhất phát động phong trào “Ba sẵn sàng”: Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm; sẵn sàng gia nhập các LLVT; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến.

Thanh niên Hà Nội hăng hái ghi tên tham gia phong trào “Ba sẵn sàng” . Ảnh tư liệu

Hưởng ứng phong trào, đêm 9-8-1964, hơn 26.000 thanh niên Thủ đô xuống đường lên án hành động phiêu lưu chiến tranh của Mỹ. Từ Quảng trường Nhà hát Lớn thành phố (nay là Quảng trường Cách mạng Tháng Tám), đông đảo thanh niên công nhân, nông dân, trí thức, học sinh… ba lô trên vai cài lá ngụy trang rầm rộ diễu hành qua các đường phố biểu thị lòng quyết tâm sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ mà Đảng, Tổ quốc giao.

Thủ đô Hà Nội vinh dự là nơi khởi nguồn cho phong trào “Ba sẵn sàng”-một phong trào hành động cách mạng-một “trường học” rèn luyện của thanh niên miền Bắc trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Từ ngày khởi đầu, phong trào đã sớm tạo nên cao trào cách mạng rộng lớn, thu hút hàng chục vạn thanh niên Thủ đô và 22 tỉnh, thành phố miền Bắc tích cực tham gia. Tháng 3-1965, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam chính thức kêu gọi thanh niên cả nước hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” của tuổi trẻ Thủ đô và bổ sung thêm vào nội dung của phong trào: Sẵn sàng chiến đấu, gia nhập LLVT; sẵn sàng học tập, lao động xây dựng cuộc sống mới; sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc yêu cầu.

Tháng 5-1965, Đoàn Thanh niên các cơ quan Trung ương tổ chức Đại hội sơ kết phong trào “Ba sẵn sàng”, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới dự, động viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: “Các cháu là thế hệ anh hùng của thời đại anh hùng”. Bác khẳng định: “Với một thế hệ thanh niên hăng hái và kiên cường, chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vì vậy, Bác rất tự hào, sung sướng như thấy mình trẻ lại, thấy tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc và vẻ vang”.

Phong trào “Ba sẵn sàng” đã thắp sáng ngọn lửa hào hùng, khơi dậy và cổ vũ phong trao cách mạng cho lớp lớp thanh niên miền Bắc náo nức “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, gợi mở phong trào “Phụ nữ ba đảm đang” và phong trào “Năm xung phong” của tuổi trẻ miền Nam. “Ba sẵn sàng” ở miền Bắc cùng với “Năm xung phong” ở miền Nam có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ, huy động mọi lớp thanh niên đoàn kết và chiến đấu dưới khẩu hiệu “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Giá trị trường tồn

Từng là cán bộ Thành đoàn Hà Nội, lên đường nhập ngũ đợt đầu tiên trong phong trào “Ba sẵn sàng”, ông Đặng Quang Ngọc, nguyên Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm Thông tin Ban Tuyên giáo Trung ương, chia sẻ: “Chính lớp thanh niên “Ba sẵn sàng” ngày ấy đã sát cánh chiến đấu, hy sinh quên mình cùng với lớp thanh niên “Năm xung phong” từ các vùng nông thôn, thành thị để góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Phong trào “Ba sẵn sàng” thực sự là dấu son trong lịch sử chiến đấu vẻ vang của thanh niên Hà Nội và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với những đóng góp to lớn của một “thế hệ vàng” cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

50 năm đã qua kể từ ngày phát động, ngọn lửa “Ba sẵn sàng” vẫn luôn bừng cháy trong trái tim các thế hệ thanh niên. “Ba sẵn sàng” vẫn còn nguyên giá trị, góp phần quan trọng vào công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ để kế thừa, tiếp bước các thế hệ cha anh trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh khẳng định: Phong trào “Thanh niên tình nguyện” hôm nay chính là hình ảnh, dáng dấp của các phong trào “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” năm xưa. Đó là sự kế thừa của các phong trào đi trước, do vậy, cần phải rút ra những bài học kinh nghiệm để tổ chức có hiệu quả phong trào “Thanh niên tình nguyện” hôm nay. Phong trào này phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn chặt với nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, với mục tiêu cao nhất là khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên.

ĐÔNG HÀ