QĐND - “Việt Nam là một trong những nước trong khu vực đi tiên phong trong việc triển khai thực thi nghiêm túc và hiệu quả nội dung của UNCLOS 1982”. Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ - một trong những người đầu tiên tham gia biên dịch các tài liệu và nội dung UNCLOS 1982 ra tiếng Việt, nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân xung quanh quá trình tham gia ký kết và triển khai thực hiện UNCLOS 1982 của Việt Nam.
- Xin ông cho biết quá trình Việt Nam tham gia ký kết UNCLOS 1982 như thế nào?
Việt Nam tham gia nghiên cứu, biên dịch tất cả các tài liệu từ không chính thức, bán chính thức cho đến khi UNCLOS 1982 được ký kết chính thức. Trong quá trình nghiên cứu, Việt Nam đã vận dụng nội dung các tài liệu đó để xây dựng văn bản quy phạm pháp Luật Biển của mình. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên tham gia ký kết và là quốc gia thứ 61 phê chuẩn UNCLOS 1982. Trước khi UNCLOS 1982 được ký kết, Việt Nam đã chủ động vận dụng các nội dung đã được đưa ra thương lượng tại Hội nghị Luật Biển lần thứ 3 của LHQ để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về biển của mình, như Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam ngày 12-5-1977 về các vùng biển và thềm lục địa. Đây là tuyên bố chính thức đầu tiên về biển, thềm lục địa của Chính phủ Việt Nam. Nội dung Tuyên bố hầu như phù hợp các quy định đã được Hội nghị Luật Biển lần thứ 3 thảo luận, thống nhất để đưa vào nội dung của Công ước. Việt Nam cũng ban hành các nghị định: 30-CP (29-1-1980), 31-CP (29-11-1980) quy định hoạt động tàu đánh cá, tàu thuyền qua lại trên các vùng biển của Việt Nam. Cùng thời điểm UNCLOS ra đời vào năm 1982, Việt Nam có tuyên bố về hệ thống đường cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam ngày 12-11-1982. Như vậy, rõ ràng là ngay từ khi UNCLOS 1982 chưa ra đời, Việt Nam đã có trách nhiệm nghiên cứu, đưa ra quy định phù hợp xu thế chung của Luật Biển.
- Việt Nam đã triển khai thực thi nội dung của UNCLOS 1982 ra sao, thưa ông?
 |
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.
|
Theo đánh giá của dư luận, Việt Nam là một trong những nước trong khu vực đi tiên phong trong việc triển khai thực thi nghiêm túc và hiệu quả nội dung của UNCLOS 1982. Ví dụ Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực dịch UNCLOS 1982 ra tiếng bản xứ (ở đây là tiếng Việt) hay Việt Nam đã cho ban hành các văn bản pháp luật phù hợp với UNCLOS 1982, đã căn cứ vào các nguyên tắc, giải pháp giải quyết tranh chấp do UNCLOS 1982 trù định để xúc tiến đàm phán hoạch định ranh giới biển, thềm lục địa với các nước láng giềng và đã thu được những thành quả đáng khích lệ.
Đáng chú ý là cuộc đàm phán phân định ranh giới biển trong Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây là cuộc đàm phán kéo dài hơn 1/4 thế kỷ, kể từ đầu những năm 70 cho đến ngày 25-12-2000, Hiệp định về Phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định Hợp tác Nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ mới được ký kết. Đây là một cuộc đàm phán thành công, được đánh giá là điển hình, tạo tiền lệ cho các nước nghiên cứu, học tập trong giải quyết vấn đề tranh chấp ranh giới vùng biển, thềm lục địa giữa các quốc gia ven biển có vùng biển đối diện và kế cận nhau. Bởi vì, với một tinh thần thật sự cầu thị và có trách nhiệm, Việt Nam đã chủ động thỏa thuận cùng Trung Quốc tiến hành đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ bằng con đường thỏa thuận thông qua thương lượng hữu nghị, trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế, có tính đến các hoàn cảnh hữu quan trong vịnh, nhằm đi đến một giải pháp công bằng mà cả hai bên đều có thể chấp nhận được.
Ngoài ra, giữa Việt Nam và Ma -lai-xi-a cũng đã đàm phán và trong khi chưa tìm được giải pháp cuối cùng thì hai bên đồng ý áp dụng giải pháp tạm thời là hợp tác cùng khai thác chung trong vùng chồng lấn 2.800km2. Đây là một điểm mới khiến nhiều nước quan tâm. Theo UNCLOS 1982, nếu như các bên đàm phán chưa đi đến thống nhất, thì các bên có thể dùng giải pháp tạm thời cùng khai thác chung trên cơ sở yêu sách các bên đưa ra dựa vào tiêu chuẩn của UNCLOS 1982. Đây là tiền lệ hết sức đáng lưu ý trong việc các bên giải quyết ranh giới vùng biển và thềm lục địa. Hiện nay, đương nhiên còn một số phạm vi khác mà Việt Nam với các nước còn tiếp tục đàm phán giải quyết trên cơ sở UNCLOS 1982.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới việc Quốc hội nước ta đã thông qua Luật Biển Việt Nam vào ngày 21-6-2012. Luật Biển Việt Nam, sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2013, chứa đựng những quy định, quy phạm pháp luật hoàn toàn phù hợp với UNCLOS 1982. Việc thông qua Luật Biển Việt Nam là thủ tục pháp lý cần thiết của quá trình nội luật hóa UNCLOS 1982 mà bất kỳ một quốc gia thành viên nào cũng phải có nghĩa vụ thực hiện.
- UNCLOS 1982 có phải là công cụ được áp dụng xử lý mọi tranh chấp hay không, thưa ông?
Có một sự nhầm lẫn trong thực tế khi nghĩ rằng UNCLOS 1982 là công cụ pháp lý duy nhất để giải quyết tất cả mọi tranh chấp. Điều đó là không đúng. Ta phải biết rằng, UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý giải quyết tranh chấp đối với việc xác định các ranh giới, các vùng biển và thềm lục địa của các quốc gia ven biển có bờ biển đối diện nhau và kế cận nhau. Nó cũng có những quy định liên quan đến các thiết chế giải quyết các tranh chấp do những hoạt động trên biển giữa các quốc gia, giữa các cá nhân, tổ chức… có liên quan khi hoạt động nghiên cứu khoa học, thăm dò khai thác, đi lại.
- Ông có thể nói cụ thể hơn về vấn đề này? Việt Nam đã áp dụng UNCLOS 1982 trong vấn đề Biển Đông hiện nay như thế nào?
Như mọi người đã biết, ở Biển Đông hiện đang tồn tại 2 loại tranh chấp chủ yếu: Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và tranh chấp ranh giới biển, thềm lục địa. Đây là những tranh chấp rất phức tạp và kéo dài. Để giải quyết các tranh chấp này, luật pháp và thực tiễn quốc tế đã chỉ rõ những nguyên tắc pháp lý đã được vận dụng khá phổ biến, không thể có sự nhầm lẫn được. Điều đáng lưu ý ở đây là UNCLOS 1982 chỉ là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp ranh giới các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn, không phải là căn cứ để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Việt Nam đã dựa vào UNCLOS 1982 để xúc tiến đàm phán phân định ranh giới biển, thềm lục địa và đã có những thành công, có những đóng góp rất có ý nghĩa trong việc giải quyết tranh chấp ranh giới biển, thềm lục địa giữa các nước trong khu vực và quốc tế. Đồng thời, chúng ta cũng cương quyết phê phán và bác bỏ những yêu sách chủ quan không dựa vào những tiêu chuẩn của UNCLOS 1982. Chúng ta không tách khỏi UNCLOS 1982, tỏ rõ thiện chí của mình trong trách nhiệm giải quyết tranh chấp. Hiện thế giới rất quan tâm xem ứng xử của các bên tranh chấp trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông sẽ vận dụng UNCLOS 1982 đến đâu. Đây là vấn đề Việt Nam đang tiếp tục cùng các nước ASEAN phối hợp xử lý. Vận dụng ở đây phải là vận dụng một cách có trách nhiệm, cầu thị, khoa học và trung thực. Đối với vấn đề Biển Đông, hiện nay Việt Nam và các nước trong khu vực đang vấp phải khó khăn là do có những yêu sách không dựa vào tiêu chuẩn UNCLOS 1982, bất chấp luật pháp và thực tiễn quốc tế.
Ngoài ra, Việt Nam có thiện chí trong việc hợp tác bảo vệ môi trường, chống thiên tai, biến đổi khí hậu bằng nhiều hành động cụ thể trên thực tế. Đây chính là trách nhiệm của Việt Nam trong việc triển khai thực hiện UNCLOS 1982. Công tác nghiên cứu, thăm dò tài nguyên trong vùng biển thềm lục địa, phạm vi mình có chủ quyền, cũng là đóng góp quan trọng cho cộng đồng khu vực, quốc tế trong công cuộc đấu tranh bảo vệ, quản lý, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên sinh vật và không sinh vật của biển và đại dương, đang trở thành cứu cánh của nhân loại trong thế kỷ này.
- Xin cảm ơn ông.
Thu Trang – Lâm Toàn (thực hiện)