 |
Toàn cảnh công trường thi công nhà máy Thuỷ điện Sơn La nhìn từ hạ lưu |
Những ngày này, đến công trường xây dựng nhà máy thuỷ điện Sơn La, ai cũng mừng vui khi vóc dáng của một nhà máy thuỷ điện vào loại lớn nhất Đông Nam Á đã dần hiển hiện.
16 giờ ngày 24-6, chúng tôi có mặt tại bờ trái đập thuỷ điện, nơi đang đổ bê tông khối L1. Từ bờ phải sang bờ trái, đập tràn xả lũ đã xong phần xây, đang chuẩn bị lấp các van cung. Khối trung tâm của đập thuỷ điện (C1, C2, C3) đã đổ bê tông đầm lăn lên tới cao trình 146,7m, sừng sững chắn ngang lòng sông. Phần đổ bê tông các gian máy và đường nước ra của nhà máy đã xong, đang bắt đầu lắp đặt thiết bị. Tin vui mới nhận được là khoảng thời gian chậm 60 ngày so với Tổng tiến độ đắp đập đã được lấp đầy.
Từ cao trình 146,7 của khối C3 nhìn xuống cao trình 120,6m, thấy xe máy hối hả đi lại: xe ben nhận bê tông từ băng tải, trút xuống vị trí, xe gạt san gạt, xe lu đầm, nén. Đếm được 4 xe ben, 2 xe gạt, 5 xe lu tất cả. Kỹ sư Đinh Văn Đại, Phó giám đốc Công ty Sông Đà 908, đơn vị chủ lực đổ bê tông đầm lăn đập thuỷ điện cho biết: Do khối C4 chuẩn bị chưa xong, nên công trường quyết định đổ khối L1 trước lên đến cao trình 137, 97m. Kỹ sư Ram- sa San- my, chuyên gia tư vấn giám sát của Ban quản lý dự án cho biết: chất lượng đắp đập tốt. Tuy lúc đầu gặp khó nhưng càng về sau năng suất càng cao.
Quy trình đổ bê tông đầm lăn đập thuỷ điện đòi hỏi rất nghiêm ngặt và phải được thực hiện liên tục cho đến khi đạt cao trình thiết kế mới tạm dừng. Lượng mưa khoảng 2 ly là phải dừng, bê tông lúc nào cũng phải giữ ở nhiệt độ 22
0 C, cứ đổ dày 35cm thì lại lu lèn. Với quy trình ấy, đạt năng suất đề ra đã là khó, vượt năng suất lại càng khó hơn. Vậy mà các đơn vị của Tổng công ty Sông Đà (công ty Sông Đà 5- 6 và 9) đã làm được việc ấy. Bắt đầu đổ bê tông đầm lăn đập thuỷ điện từ 11/1/2008, chậm 2 tháng so với tổng tiến độ đề ra, vậy mà đến 30/6, Tổng công ty Sông Đà đã vui mừng báo cáo Đảng và Nhà nước rằng những người thợ Sông Đà chẳng những đã lấp đầy sự chậm chễ 60 ngày, mà còn vượt kế hoạch đề ra. Tính đến hết tháng 6, đã đắp được 760 nghìn m
3 bê tông đầm lăn đập thuỷ điện.
 |
Khối Trung tâm đập dâng nhà máy thuỷ điện Sơn La nhìn từ hạ lưu |
Kỹ sư Đinh Văn Đại là người trực tiếp phụ trách đổ khối L1. Thấp nhỏ, chắc nịch, mặt đen cháy nhưng Đại có nét cười rất tươi. Được hỏi nguyên nhân nào dẫn đến kết quả này, Đại chỉ vào dòng khẩu hiệu lớn treo ở công trường: “Tuổi trẻ Sông Đà 9 quyết tâm giành năng suất cao, chất lượng tốt” nêu rõ: Đấy chính là nhờ phong trào thi đua. Công ty phát động thi đua hàng quý, lấy Thanh niêm làm nòng cốt, giao chỉ tiêu thi đua cho từng đầu xe, đầu máy, với thời gian rất cụ thể. Như khối L1 này, thời gian đổ là 14 ngày. Ngày 5/7 phải xong để chuyển sang khối C4.
6 tháng cuối năm, Tổng công ty Sông Đà phải đổ hơn 500.000 m3 bê tông đầm lăn đập thuỷ điện, trong đó có các khối R1, R2 (bờ phải) phải lên đến cao trình 146,7m để phục vụ cho việc ngăn sông đợt 2. “Công việc còn nặng nề nhưng với kinh nghiệm của 6 tháng qua và phong trào thi đua trên công trường, chắc sẽ vượt qua”- Kỹ sư Nguyễn Kim Tới, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Sông Đà, giám đốc Ban điều hành dự án thuỷ điện Sơn La khẳng định như vậy.
Công trường đạt kết quả tốt trong 6 tháng đầu năm, nhưng anh Nguyễn Kim Tới vẫn dè dặt. Anh cho biết công trường có 2 mục tiêu lớn: tháng 6 năm 2010 tích nước hồ chứa; cuối năm 2010, phát điện tổ máy số 1. Từ nay đến đó, phải thực hiện đồng bộ hàng loạt hạng mục công trình: đắp đập, chặn dòng đợt 2 vào cuối năm nay, lắp đặt các chi tiết đặt sẵn và thiết bị của tuyến đầu mối, tuyến năng lượng… Trong đó việc đổ bê tông đầm lăn đập thuỷ điện phải đi trước một bước, để tiến hành thi công cửa nhận nước, đường ống áp lực dẫn nước vào các tổ máy, lắp đặt thiết bị các tổ máy…
Chúng tôi cùng chia vui với Nguyễn Kim Tới và những người thợ lắp máy (Công ty lắp máy số 10) về việc ngày 19/6, 2 đốt đầu tiên của đường ống áp lực tổ máy số 2 đã được lắp đặt vào vị trí an toàn, đánh dấu một bước ngoặt của việc lắp máy trên công trường.
Gặp tốp công nhân đội lắp máy số 3 (Lilama 10)- những người mới có 5-6 năm vào nghề lắp máy, nhưng trên công trường Sơn La hôm nay, họ rất vững tin vào khả năng làm việc của mình. Đội trưởng Nguyễn Văn Xuân, khẳng định: từ nay đến cuối năm sẽ đảm bảo việc lắp đặt các chi tiết đặt sẵn thuộc tuyến năng lượng, lắp đặt đường ống áp lực các tổ máy số 1 số 2.
Đi trên công trường lắp máy hôm nay, lại bâng khuâng nhớ về một thời lắp máy gian khổ ở Hoà Bình, khi mọi việc đều bắt đầu từ A- B-C…Chính từ gian khó ấy, đã xuất hiện tấm gương lao động của vua cẩu chuyển Nguyễn Huyền Chiệc, của Chánh, phó giám đốc lắp máy 10 Đặng Văn Vỵ, Nguyễn Viết Bổng… Ở thuỷ điện Hoà Bình, các anh đã thực hiện toàn bộ các bước của việc lắp đặt các thiết bị của một nhà máy thuỷ điện vào loại phức tạp nhất- nhà máy để trong hầm, đã bảo dưỡng, xử lý các chi tiết rồi lắp đặt hoàn chỉnh, đặt vào vị trí trong gian máy với độ chính xác tới từng milimet, các Rôto và Stato siêu trường, siêu trọng Để rồi các tổ máy thuỷ điện Hoà Bình bấm nút là khởi động, bấm nút là phát điện.
Nay Anh hùng lao động Nguyễn Huyền Chiệc, kỹ sư Nguyễn Viết Bổng đã mất. Kỹ sư Đặng Văn Vỵ đã nghỉ hưu. Nhưng toàn bộ quy trình lắp máy thuỷ điện Hoà Bình mà các anh đã thực hiện, trên thưc tế đã trở thành quy chuẩn mà các đơn vị lắp máy thuỷ điện ở Việt Nam thực hiện. Thế hệ Hoà Bình đã tạo ra một sự đột phá trong xây dựng thuỷ điện, để ngày hôm nay, cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam có thể tự mình đảm đương thiết kế và thi công những công trình thuỷ điện lớn của đất nước, mà thuỷ điện Sơn La là một đỉnh cao.
Trao đổi với kỹ sư Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Ban Quản lý dự án thuỷ điện Sơn La (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), được anh cho biết: Vốn cho công trình không thiếu. Ban quản lý đã chuẩn bị xong các bản vẽ, cung cấp cho đơn vị thi công các thiết kế thi công đập tràn xả lũ, gian máy… đồng thời đôn đốc các hợp đồng cung cấp thiết bị cho công trình theo đúng tiến độ. Mọi việc đều đang tiến triển thuận lợi.
Từ cao trình 146,7m của đập thuỷ điện, chúng tôi nhìn xuống kênh và cống dẫn dòng. Nước sông Đà mùa này đỏ quạch, cuồn cuộn chảy. Trời Mường La lúc mây trắng phủ kín các sườn núi, trời xanh, đất xanh, lúc mưa giông đổ sầm sập kín đất kín trời.
Tháng 12/2008 này công trường sẽ chặn dòng Sông Đà đợt 2 để đến năm 2009 nâng cao độ cuả đập thuỷ điện đến cao trình 190m ở khối Trung tâm, chuẩn bị cho việc tích nước lòng hồ vào giữa năm. Vẫn còn hàng núi công việc chất lên vai những người thợ Sông Đà. Khi họ cất bỏ được gánh nặng trên vai cũng là lúc ngày phát điện tổ máy số 1 thuỷ điện Sơn La sắp tới gần. Tôi mong mình được là một cái đinh ốc nhỏ xíu trong guồng máy khổng lồ ấy, góp sức cùng những người xây dựng thuỷ điện Sơn La.
Theo VOV