QĐND Online – Đây là một nội dung được nhấn mạnh trong buổi họp báo Công tác tư pháp quý II năm 2015 của Bộ Tư pháp tổ chức ngày 16-7.
 |
Toàn cảnh buổi họp báo.
|
Trong quý II và 6 tháng đầu năm, Bộ, Ngành Tư pháp đã bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3-1-2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015. Theo đó, công tác xây dựng văn bản đã được đẩy mạnh ngay từ đầu năm. Trong 6 tháng đầu năm, các Bộ, cơ quan đã tập trung soạn thảo đúng tiến độ, trình Quốc hội thông qua 11 dự án luật và cho ý kiến đối với 15 dự án luật khác; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã ban hành 40/95 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật, đạt 42,11%. Bộ Tư pháp đã hoàn thành, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 11/13 đề án, văn bản, đạt tỷ lệ 84,61%. Tính đến cuối tháng 6, Bộ Tư pháp đã thẩm định 136 văn bản (trong đó có 48 điều ước quốc tế); thực hiện góp ý 415 văn bản (trong đó có 175 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế).
6 tháng đầu năm 2015, Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 1.542 văn bản quy phạm pháp luật, kết quả phát hiện 13 văn bản vi phạm về nội dung, thẩm quyền, giảm mạnh so với 6 tháng đầu năm 2014 (cùng kỳ năm 2014, Bộ Tư pháp phát hiện 81 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền).
Về công tác kiểm soát thủ tục hành chính, tính đến cuối tháng 6, các Bộ, ngành đã hoàn thành việc đơn giản hóa 4.431 trên tổng số 4.723 thủ tục hành chính đã được Chính phủ phê duyệt tại 25 Nghị quyết chuyên đề (đạt tỷ lệ 93,8%); các bộ, ngành, địa phương đã đánh giá tác động đối với 1.253 thủ tục hành chính (tăng 369 thủ tục hành chính so với 6 tháng đầu năm 2014).
Công tác thi hành án dân sự tăng so với cùng kỳ. Về lĩnh vực lý lịch tư pháp, tình trạng chậm cấp phiếu lý lịch tư pháp đã từng bước được khắc phục. 6 tháng đầu năm, các Sở tư pháp cấp được 130.586 phiếu lý lịch tư pháp.
Về công tác bồi thường Nhà nước, 6 tháng đầu năm, các Bộ, ngành, địa phương đã thụ lý giải quyết 73 vụ việc (trong đó có 24 vụ việc thụ lý mới), đã giải quyết xong 30/73 vụ việc với số tiền Nhà nước phải bồi thường trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định về giải quyết bồi thường đã có hiệu lực có pháp luật là hơn 7,18 tỷ đồng, tăng hơn 4,61 tỷ đồng so với cùng kỳ.
 |
Ông Trần Tiến Dũng, Chánh Văn phòng Bộ, Người phát ngôn của Bộ Tư pháp phát biểu tại buổi họp. |
Nói về nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm, ông Trần Tiến Dũng, Chánh Văn phòng Bộ, Người phát ngôn của Bộ Tư pháp, cho biết: Ngành tiếp tục đẩy nhanh việc thi hành các vụ việc thi hành án dân sự có điều kiện thi hành, bảo đảm đạt chỉ tiêu do Quốc hội giao; thực hiện tốt việc tổng kết thí điểm, đánh giá đầy đủ, toàn diện, làm cơ sở để báo cáo Quốc hội xem xét, tiến tới xây dựng Luật Thừa phát lại. Tập trung hoàn thành dứt điểm việc đơn giản hoá thủ tục hành chính được quy định tại 25 Nghị quyết của Chính phủ và công tác rà soát, đề xuất phương án đơn giản hoá thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp. Triển khai thi hành kịp thời, hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khoá XIII và năm 2015; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đôn đốc các Bộ, ngành thực hiện quyết liệt các giải pháp để giảm số lượng “nợ đọng” các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực; tổ chức thành công Đại hội thi đua yêu nước Ngành Tư pháp lần thứ IV và kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ngành Tư pháp…
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc “nợ đọng” văn bản pháp luật, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cho biết, đây là vấn đề gây bức xúc trong xã hội. Vấn đề này đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất sát sao, làm cho tình trạng “nợ đọng” văn bản thời gian gần đây đã được cải thiện. Tuy nhiên, có một thực tế là số lượng văn bản “nợ đọng” ngày càng nhiều, đến nay đã lên tới 109 văn bản. Trong đó phải kể đến Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), đến nay đã có hiệu lực pháp luật, nhưng vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn . Ông Tuyến cho biết, với 2 luật này, do việc xây dựng các văn bản hướng dẫn liên quan đến nhiều Bộ, ngành mà trước đó không “lường” trước được. Chính vì vậy, trong các phiên họp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất sát sao, có xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành.
 |
Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật trả lời câu hỏi của phóng viên. |
Ông Tuyến cho biết thêm, đây chính là những hạn chế trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 đã quy định rất rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc xây dựng các văn bản pháp luật. Cùng với đó, quy định khi trình dự thảo luật phải trình cùng văn bản hướng dẫn thi hành chi tiết. Đây là quy định rất chặt, khi được thực hiện nghiêm sẽ không còn tình trạng “nợ đọng” văn bản hướng dẫn thi hành.
Ông Trần Tiến Dũng khẳng định: Với trách nhiệm của mình, Bộ Tư pháp sẽ đôn đốc các bộ, ngành thực hiện quyết liệt các giải pháp để giảm số lượng “nợ đọng” các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực. Riêng với Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi) bất cứ khi nào có văn bản của các bộ, ngành gửi đến, Bộ Tư pháp sẽ triển khai thẩm định ngay, bất kể ngày đêm để việc thẩm định được hoàn thành nhanh nhất đáp ứng yêu cầu hiện nay.
Bài và ảnh: XUÂN DŨNG