Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) do ông Trần Văn Hằng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội trình bày trước Quốc hội nêu rõ: Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí sửa tên luật hiện hành thành “Luật Điều ước quốc tế”. Tên gọi của luật hiện hành tuy dài nhưng cũng chưa bao quát hết phạm vi điều chỉnh của luật, do vậy, sửa tên luật thành “Luật Điều ước quốc tế” sẽ bảo đảm tính khái quát, ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với thực tiễn tên gọi các luật trong nước và pháp luật quốc tế về điều ước quốc tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN.
Về nguyên tắc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, có ý kiến đại biểu đề nghị sửa cụm từ “phù hợp với Hiến pháp” bằng “không trái với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” tại khoản 1 Điều 3 về nguyên tắc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế. Trước ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng cho biết, nguyên tắc quan trọng hàng đầu khi ký kết và thực hiện điều ước quốc tế là không được trái với quy định của Hiến pháp. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định tại khoản 1 Điều 3.
Trước ý kiến cho rằng ngoài quy định chung về cơ quan chủ trì đề xuất đàm phán điều ước quốc tế là Bộ Ngoại giao thì đối với điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội, cơ quan chủ trì đề xuất đàm phán nên là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ông Trần Văn Hằng cho rằng, các điều ước quốc tế về chiến tranh, hòa bình, an ninh, chủ quyền quốc gia, biên giới lãnh thổ là những điều ước quốc tế thể hiện chính sách lớn về đối ngoại, có tầm ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội. Thực tiễn từ trước đến nay, các Hiệp định lớn như Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, Hiệp định Paris 1973 đều do Bộ Ngoại giao chủ trì đàm phán. Do đó, quy định giao cho Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan đề xuất đàm phán các điều ước quốc tế kế thừa quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế hiện hành cũng như Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế được ban hành trước đó.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội) kiến nghị, luật cần quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan chủ trì đề xuất ký điều ước quốc tế. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh phân tích, trong báo cáo của Bộ Tư pháp trình Quốc hội năm 2015 về việc xây dựng hoàn thiện pháp luật phục vụ hội nhập quốc tế, đã nêu rằng, bất cập trong quá trình tham gia đề xuất ký kết điều ước quốc tế là không ít cơ quan chưa coi trọng việc lấy ý kiến của các chuyên gia pháp lý, các luật sư, luật gia, bộ phận pháp chế các bộ, ngành... để cho ý kiến vào dự thảo các điều ước quốc tế. Do đó, thực tiễn đã xảy ra một số sơ suất, gây thiệt hại trong quá trình thỏa thuận nghị định thương, bản ghi nhớ của các cơ quan Việt Nam với nước ngoài.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN.
Mặc dù dự thảo luật lần này đã có Điều 78 đã quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp nhưng đại biểu TP Hà Nội bày tỏ lo lắng rằng một mình Bộ Tư pháp khó có thể làm xuể được. Do đó, dự thảo luật cần tính đến việc để từng bộ, ngành phát huy nội lực cũng như vai trò bộ phận pháp chế, tham vấn các chuyên gia pháp lý, luật sư trong quá trình xây dựng các dự thảo quốc tế, hỗ trợ có hiệu quả cho Bộ Tư pháp trong quá trình thẩm định theo quy định của luật, góp phần khắc phục những bất cập trong thực tiễn hiện nay.
Cũng đồng tình với đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cho rằng, trong ký kết và phê chuẩn điều ước quốc tế, việc tham vấn ý kiến của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội, Ủy ban Quốc hội là vô cùng quan trọng, nhất là về các vấn đề kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh... để sau khi khi ký kết và phê chuẩn sẽ đi vào cuộc sống, nhận được sự đồng thuận cao của cử tri và nhân dân cả nước, đồng thời bảo đảm lợi ích quốc gia cũng như lợi ích của kinh tế.
Dẫn chứng về việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa qua, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng: Vì chúng ta không công khai những thông tin trong dự thảo mà chờ đợi đến khi có chỉ thị, thông tư nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam không biết mà thực hiện. Do đó, để tránh “thua ngay trên sân nhà”, đại biểu đề nghị cần công khai, tuyên truyền cả những vấn đề còn nằm trong dự thảo hay còn trong quá trình đàm phán. Đó là thể hiện công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam trong chủ động hội nhập quốc tế, chuẩn bị tâm thế trong quá trình thực hiện các điều ước quốc tế khi đã được ký kết.
Còn Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) phân tích: Luật quy định trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế trừ Hiến pháp. Chính vì sự ràng buộc có tính pháp lý cao như vậy nên trong ký kết các điều ước chúng ta không được chủ quan, thiếu trách nhiệm, có sai sót hay có hành vi trái pháp luật. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị luật cần bổ sung nhiều hành vi bị cấm để từ đó làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình trong các bước ký kết điều ước quốc tế, từ đó bảo đảm các điều ước quốc tế khi được ký kết phải đem lại lợi ích cao nhất cho quốc gia.
* Theo chương trình, thời gian còn lại của phiên làm việc sáng nay, Quốc hội bắt đầu tiến hành công tác nhân sự. Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Ngay sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.
NGUYỄN THẢO