QĐND - Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a, Giô-cô Uy-đô-đô (Joko Widodo), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Á-Phi tại thủ đô Gia-các-ta và Lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Băng-đung 1955, 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược mới Á-Phi tại thành phố Băng-đung, từ 22 đến 24-4-2015.

Hội nghị cấp cao Á-Phi lần này có chủ đề “Tăng cường hợp tác Nam-Nam nhằm thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trên thế giới”, dự kiến sẽ thông qua nhiều văn kiện nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác Á-Phi trên nền tảng của những nguyên tắc đã được thông qua ở Hội nghị Á-Phi lần thứ nhất-Hội nghị Băng-đung.

Hội nghị Băng-đung diễn ra năm 1955 là động lực đưa đến những biến đổi to lớn với việc hàng loạt nước giành độc lập ở châu Á, châu Phi, làm tiền đề cho việc thành lập Phong trào Không liên kết, Nhóm 77 (hoạt động trong khuôn khổ LHQ và các cơ quan trực thuộc LHQ nhằm thiết lập trật tự kinh tế quốc tế mới) và hợp tác Nam-Nam. 

Tại Hội nghị Băng-đung 1955 đã thông qua 10 nguyên tắc Băng-đung, trong đó có những nguyên tắc mang tính cốt lõi, như tôn trọng quyền con người cơ bản và tôn chỉ mục đích của Hiến chương LHQ; tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia; công nhận sự bình đẳng của tất cả các dân tộc và sự bình đẳng của tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ; không can thiệp hoặc dính líu vào công việc nội bộ của quốc gia khác; tôn trọng quyền tự vệ đơn lẻ hoặc tập thể của từng quốc gia, phù hợp với Hiến chương LHQ... 

Trong suốt 6 thập kỷ qua, những nguyên tắc này đã tạo nền tảng cho các mối quan hệ quốc tế, không chỉ giữa hai đại lục Á-Phi, mà còn là của toàn thế giới nói chung.

Năm 1955, Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Băng-đung. Là một trong số 29 quốc gia tham dự hội nghị Á-Phi đầu tiên, Việt Nam, khi ấy vừa mới ra khỏi cuộc kháng chiến chống thực dân thắng lợi, đã tích cực thúc đẩy đoàn kết giữa các nước mới giành được độc lập, góp phần xác lập những nguyên tắc cơ bản sau này trở thành nguyên tắc chỉ đạo cho hoạt động của Phong trào Không liên kết. 

Năm 2005, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Á-Phi 2005 và dự Lễ kỷ niệm 50 năm Hội nghị Băng-đung. Tại hội nghị này, Đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động, có nhiều đóng góp quan trọng vào việc xây dựng khuôn khổ hợp tác Á-Phi, đưa ra nhiều khuyến nghị hợp tác cụ thể (mô hình hợp tác ba bên, Diễn đàn Việt Nam-châu Phi...), đồng thời chia sẻ kinh nghiệm hợp tác và phát triển với các nước Á-Phi.

Cho đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 52/55 nước châu Phi, với mạng lưới 8 cơ quan đại diện và 1 lãnh sự danh dự tại khu vực. Việt Nam là quốc gia thành viên ASEAN duy nhất có cơ chế Hội thảo quốc tế Việt Nam-châu Phi, đến nay đã tổ chức hai lần. Nhiều nước châu Phi đánh giá hợp tác Việt Nam-châu Phi là điển hình của hợp tác Nam-Nam.

Điều đó thể hiện qua việc quan hệ kinh tế-thương mại Việt Nam-châu Phi đã có những bước phát triển tương đối tích cực trong thời gian qua. Đến nay, Việt Nam có quan hệ thương mại với tất cả 55 nước châu Phi. Trong vòng 10 năm, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gần 10 lần, từ dưới 500 triệu USD năm 2005 lên khoảng 4,3 tỷ USD (mới tính đến năm 2013).

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có các dự án đầu tư tại các quốc gia châu Phi như: An-giê-ri, Ma-rốc, Mô-dăm-bích, Ca-mơ-run, Bu-run-đi, Tan-da-ni-a, Ăng-gô-la... Các lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam tập trung đầu tư có dầu khí, viễn thông, xây dựng, nông nghiệp... với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD.

Việt Nam cũng đã cử hàng nghìn lượt chuyên gia nông nghiệp, y tế, giáo dục sang làm việc tại các nước châu Phi theo các thỏa thuận song phương và đa phương. Bên cạnh hợp tác chuyên gia, hợp tác lao động cũng là trọng tâm trong hợp tác Việt Nam-châu Phi với hàng chục nghìn lao động Việt Nam sang làm việc tại Li-bi, Ăng-gô-la, An-giê-ri. Ngoài ra, còn có khoảng 3 vạn người Việt Nam đang làm ăn và sinh sống ổn định tại châu Phi, góp phần tích cực thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và châu lục này.

Nước chủ nhà In-đô-nê-xi-a đã gửi thư mời lãnh đạo 109 nước châu Á, châu Phi, khách mời ở các châu lục khác và 25 tổ chức quốc tế đến dự hội nghị lần này, thể hiện sự coi trọng ý nghĩa của hội nghị cũng như muốn thúc đẩy hợp tác với các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu tham dự Hội nghị cấp cao Á-Phi tại thủ đô Gia-các-ta và Lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Băng-đung 1955, 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược mới Á-Phi thể hiện chủ trương chủ động hội nhập quốc tế, chủ động đóng góp xây dựng và có trách nhiệm tại hội nghị. Thông qua hội nghị, Việt Nam mong muốn cùng các nước Á-Phi bảo vệ  các nguyên tắc Băng-đung và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước Á-Phi, tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược với nước chủ nhà In-đô-nê-xi-a.

Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Á-Phi tại thủ đô Gia-các-ta và Lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Băng-đung 1955, 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược mới Á-Phi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu Việt Nam sẽ thành công tốt đẹp, góp phần thúc đẩy và nâng cao quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước Á-Phi.

QĐND