QĐND - Trung tâm A - đơn vị tôi đang công tác nhận được giấy mời của Trung tâm B, đề nghị đơn vị cử đại diện lãnh đạo, chỉ huy đến dự hội thảo. Theo nội dung giấy mời, đây là hội thảo về vấn đề khá quan trọng. Nhận giấy mời vào chiều muộn ngày thứ sáu, nội dung mời lại ấn định vào sáng thứ hai tuần sau, trùng với kế hoạch sinh hoạt của Đảng ủy Trung tâm, nên thủ trưởng đơn vị đành ký nháy, ủy quyền cho chỉ huy Phòng B - một phòng trực thuộc Trung tâm tham dự hội thảo này. Hơn 30 phút sau, đồng chí trợ lý tổng hợp của phòng B lại mang giấy mời xuống “kính chuyển” cho đồng chí trưởng ban, với đề nghị: “Thủ trưởng phòng bận, lãnh đạo ban phải sắp xếp thời gian, có mặt đúng giờ, đúng địa điểm để tham gia hội thảo quan trọng này!”.
Cầm tờ giấy mời trên tay, đồng chí trưởng ban thở dài, trăn trở vì ngày mời họp lại đúng vào ngày trưởng ban có việc gia đình và đã được cấp trên giải quyết nghỉ phép. Bởi thế, tôi - “trợ lý già” của ban lại được “thừa ủy quyền”, đại diện cho thủ trưởng trên 3 cấp tham dự hội thảo.
Cũng đĩnh đạc, đàng hoàng như bao đại biểu khác, tôi nhận tài liệu, nhận chỗ ngồi, báo quân số, rồi chăm chú nghiên cứu đề dẫn, quan tâm lắng nghe các tham luận trình bày tại hội thảo. Chuyện chẳng đáng kể, nếu đồng chí chủ trì hội thảo không đề nghị đại diện Trung tâm A có ý kiến phát biểu, bày tỏ chính kiến về một vấn đề khoa học... Tất nhiên, tôi phải đứng lên, không dám giới thiệu tường tận về cấp bậc chức vụ, cũng không dám nói lên những vấn đề cụ thể theo cách nghĩ của mình. Vì vậy, "bài phát biểu" của đại diện Trung tâm A do tôi trình bày chỉ ngắn gọn chưa đầy 3 phút, nội dung chung chung, vô thưởng, vô phạt... Phát biểu xong, trở về vị trí, tôi như ngồi trên đống lửa, lo ngay ngáy. Mãi đến lúc chủ tọa kết luận hội thảo, tôi mới thở phào nhẹ nhõm (!)
Mang câu chuyện của mình trải lòng cùng đồng đội, nhiều đồng chí trợ lý cũng lắc dọc: “Chuyện thường ngày ở huyện”. Thì ra cái chuyện “đi họp thay” xuất phát từ việc “thừa ủy quyền” đến mấy cấp hiện nay diễn ra khá phổ biến. Là trợ lý, chúng tôi rất hiểu: Đúng là thủ trưởng của mỗi đơn vị đều rất bận, không thể phân thân ra tham dự cùng lúc nhiều hội nghị, hội thảo. Hơn nữa, vẫn còn lắm đơn vị tổ chức các sự kiện một cách bị động, “mời” đơn vị bạn tham dự như thể đưa vào thế bí: Không dự thì không được, mà dự thì cũng không xong... Thấu hiểu thực tế là vậy, thế nhưng chúng tôi vẫn ít nhiều bức xúc. Một số anh em cho rằng, việc phân công cán bộ đi họp chí ít cũng phải được bàn bạc, thống nhất trong chỉ huy; phải chọn lựa đúng người, đúng tầm, đúng chuyên môn, đúng chức năng vị trí để đại diện cho trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của cơ quan mình mới có thể làm việc, ngoại giao, liên hệ công tác đạt hiệu quả...
“Thừa ủy quyền” là công việc rất bình thường trong giải quyết mối quan hệ lãnh đạo, chỉ huy, thế nhưng thừa ủy quyền đến cấp nào là chuyện cần được xem xét cẩn trọng. Bởi lẽ, nếu ủy quyền không đúng sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng hội thảo, hội nghị; làm giảm uy tín của mỗi đơn vị, lại vừa làm khổ những người được “ủy quyền” như chúng tôi.
Câu chuyện ngắn, gửi đi thông điệp nhỏ!
Nguyễn Vũ Hiệp