Chính phủ tạo thuận lợi cho sinh viên học ở nước ngoài về làm việc tại Việt Nam
Em Đỗ Triệu Hải, Trường Chính sách công và Các vấn đề quốc tế, Đại học Columbia chia sẻ rất có tấm lòng hướng về Tổ quốc, muốn về Việt Nam thi vào công chức. Bởi Đỗ Triệu Hải thẳng thắn cho rằng, cần phải có chính sách tốt để thu hút được chất xám vào khu vực công, để từ đó tham gia vào việc hoàn thiện thể chế. Những thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài nếu có phẩm chất chính trị tốt, năng lực tốt thì nên được trao cơ hội được bổ sung vào đội ngũ công chức, tham gia vào việc thiết kế chính sách công. Hải đã nêu ra một khó khăn là mặc dù học Đại học Columbia nổi tiếng nhưng bằng cấp của Hải không tương thích với các mã ngành ở các trường đại học tại Việt Nam, nên chưa được công nhận tại Việt Nam.
 |
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc gặp gỡ thanh niên, sinh viên Việt Nam ở New York. |
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, việc chuyển đổi bằng cấp giữa Việt Nam và các nước khác được nhiều người quan tâm, trong đó có bản thân Thủ tướng. Khi còn làm ở Ban Tổ chức Trung ương, ông rất muốn tuyển sinh viên xuất sắc tốt nghiệp ở nước ngoài, nhưng gặp vướng về chuyển đổi bằng cấp. Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng cố gắng, nhưng bên cạnh nguyên nhân chủ quan thì phải có sự đồng ý của nước cấp bằng. "Chính phủ đang tập trung giải quyết để tạo thuận lợi cho sinh viên đang học tại nước ngoài, tất nhiên cả quá trình phải có sự đánh giá, xếp hạng cho phù hợp. Trên cơ sở đó, hai bên công nhận bằng cấp lẫn nhau", Thủ tướng nói.
Thủ tướng chia sẻ, việc tuyển dụng nhân lực chất lượng cao vào khu vực công phải giải quyết hai vấn đề quan trọng, đó là lợi ích vật chất và tinh thần của người lao động. Vật chất phải làm sao cho lao động đủ sống, còn tinh thần là giúp họ đi làm thấy thoải mái, môi trường thân thiện, được trọng dụng, chia sẻ. Giải quyết được hai vấn đề đó sẽ thu hút nguồn lực chất lượng cao.
Tuy nhiên, với điều kiện ngân sách Nhà nước có hạn hiện nay, chế độ tiền lương vẫn theo quy định chung. Chính phủ đang cố gắng để có thể tăng lương, nâng cao đời sống của người làm trong khu vực Nhà nước. Chủ trương cải cách tiền lương đã có từ năm 2020, nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên phải dừng lại. Thời gian tới, khi dịch được kiểm soát, những người làm ở khu vực công có thể được nâng lương.
"Còn nhớ, khi đất nước còn trong nền kinh tế quan liêu, bao cấp, kinh tế tư nhân chưa phát triển, điều kiện hết sức khó khăn, chúng tôi đi du học về có việc làm đã là quý lắm rồi, thậm chí có người phải mất 5-6 năm mới tìm được việc. Còn bây giờ quan trọng là năng lực, phẩm chất và ý chí, những người tài năng bao giờ cũng được lựa chọn", Thủ tướng nhấn mạnh.
Vừa qua, Chính phủ ban hành nghị định về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, trong đó đưa ra một số trường hợp ưu tiên tuyển thẳng. Nhiều nơi đã tuyển dụng sinh viên xuất sắc vào cơ quan nhà nước làm việc.
Thủ tướng cho rằng, quan điểm đã cởi mở hơn, không phải cứ làm việc tại Việt Nam, làm việc cho cơ quan nhà nước mới là đóng góp cho đất nước mà người trẻ có thể lựa chọn bất cứ nơi nào làm việc tốt nhất. Nếu về nước không làm trong Nhà nước thì làm ở các công ty tư nhân, các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)...
"Chỉ cần nghĩ đến đất nước, mong mỏi đóng góp xây dựng đất nước tùy theo năng lực của mình, theo sở trường của mình thì dù các bạn trẻ có làm ở đâu, trong nước hay ngoài nước, chúng tôi cũng ủng hộ và khuyến khích. Các bạn có thể ở đâu mà thấy mình thoải mái nhất, đóng góp được nhiều nhất cho gia đình và cho Tổ quốc", Thủ tướng nói.
Trí thức Việt Nam tại nước ngoài sẵn sàng tham gia dự án lớn trong nước
Bạn Thắng Quang Ngọc (Trường Chính sách quốc tế, Đại học Notre Dame) đặt vấn đề về chủ trương thu hút FDI của Chính phủ để đảm bảo minh bạch trong tiếp cận thông tin về giá đất, ưu đãi đầu tư. Ngọc băn khoăn Việt Nam có chính sách gì thu hút đầu tư nước ngoài, đóng góp những giá trị tốt hơn, để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu?
 |
Bạn Thắng Quang Ngọc, Trường Chính sách quốc tế, Đại học Notre Dame phát biểu. |
Thủ tướng cho biết, muốn thu hút FDI chất lượng phải có đường lối đúng, phù hợp với thế mạnh, hoàn cảnh của đất nước. Ngoài điều kiện, lợi thế của đất nước phải tạo ra được khả năng cạnh tranh, tạo sự khác biệt, đồng thời phải có chính sách phát triển lâu dài, phù hợp với các cam kết quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do với các nước, trong đó có Hoa Kỳ.
Cùng với đó, Việt Nam phải cải cách hành chính, đơn giản thủ tục; phát triển hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục... để doanh nghiệp yên tâm đến đầu tư. Môi trường sống, hệ sinh thái phù hợp với văn hóa truyền thống của nhà đầu tư và chất lượng nguồn nhân lực cũng phải đáp ứng các yêu cầu...
Một bạn tự giới thiệu tên là Dũng, sinh viên ngành xây dựng tại New York, quan tâm đến việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ở Việt Nam, cụ thể là đường sắt cao tốc Bắc Nam đặt câu hỏi: "Cháu mong muốn nếu Việt Nam làm đường sắt cao tốc, chỉ cần 1-2 tuyến đầu là cần nhờ vào kỹ sư nước ngoài. Các tuyến kế tiếp nên được chuyển giao công nghệ, giảm phụ thuộc nước ngoài từ thiết kế, lắp đặt, kỹ sư Việt Nam được học và làm việc ở nước ngoài về ngành đường sắt hoàn toàn có thể đảm đương. Thủ tướng quan tâm thế nào về việc này?"
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, xây dựng đường sắt cao tốc là trăn trở của các thế hệ lãnh đạo Việt Nam. Một trong những đột phá chiến lược của Việt Nam hiện nay là hạ tầng giao thông, trong đó có đường sắt. Tuy nhiên, vốn trung hạn cho đường sắt cao tốc chưa có, dù về lâu dài phải làm. Hiện các chuyên gia còn tranh luận làm cao tốc như Nhật Bản với tốc độ 300 km/h hay chỉ làm 200 km/h cho rẻ, làm toàn tuyến hay chia thành từng tuyến?
Chính phủ đang nghiên cứu phương thức để làm, có thể áp dụng đối tác công tư, làm từng đoạn như TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ trước vì tuyến này chưa có đường sắt. Trên cơ sở đó, Chính phủ rút kinh nghiệm làm những đoạn tiếp theo. "Việc này đã có quy hoạch. Thế hệ chúng tôi chưa làm được thì thế hệ các bạn phải làm. Đây là yêu cầu chung của phát triển hạ tầng", Thủ tướng nói.
 |
Các thanh niên, sinh viên hào hứng với những chia sẻ sâu sắc của Thủ tướng Chính phủ. |
Tạo hình ảnh đẹp cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Em Diệp Anh, làm việc trong lĩnh vực truyền thông cho biết, bản thân em luôn tự hào mình là người Việt Nam, tự hào về Tổ quốc mình. Em đặt vấn đề: Để gây thiện cảm với các quốc gia thì vấn đề tạo hình ảnh đẹp cho cộng đồng người Việt Nam ở quốc gia đó là rất quan trọng. Vậy liệu Chính phủ có tính tới các chính sách, giải pháp gì để quảng bá hình ảnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài? Theo Diệp Anh việc tạo hình ảnh cộng đồng người Việt Nam gây thiện cảm cho người bản địa, rất tốt cho đất nước.
 |
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với các bạn trẻ. |
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cách truyền thông hiệu quả nhất chính là mỗi bạn trẻ Việt Nam ở nước ngoài cần thể hiện năng lực, phẩm chất tốt đẹp của bản thân mình. Các bạn trẻ cần phải hiểu truyền thống văn hóa, từ đó truyền thông, lan tỏa ra cộng đồng bản địa, để họ hiểu mình, hiểu truyền thống văn hóa của mình. Bộ Ngoại giao có chiến lược ngoại giao văn hóa để quảng bá đất nước, con người Việt Nam. Thủ tướng lấy ví dụ, việc vượt qua khó khăn trong dịch Covid-19 vừa rồi cũng để thể hiện phẩm chất vượt khó của dân tộc Việt Nam, bản chất tốt đẹp của chế độ ta, điều đó nên được truyền thông.
Kết luận cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận các bạn trẻ có mặt tại cuộc gặp đã thể hiện trí tuệ, sự trách nhiệm và lòng yêu nước. Hiện nay, tại Hoa Kỳ có rất nhiều bạn trẻ Việt Nam tài năng. Thủ tướng mong muốn thanh niên, sinh viên Việt Nam tại New York cũng như tại Hoa Kỳ nói chung cần đoàn kết, chia sẻ với nhau nhất là trong lúc dịch bệnh Covid-19 vẫn còn, cố gắng phát huy văn hóa Việt Nam trên đất Hoa Kỳ.
Thủ tướng cho rằng, mong muốn lớn nhất của Đảng, Nhà nước là các bạn trẻ khỏe mạnh, nhất là trong lúc dịch bệnh vẫn còn. Thứ hai là các bạn ổn định công việc, học hành. Thứ ba là đoàn kết với nhau. Thứ tư các bạn trẻ trở thành cầu nối cho quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ. Thứ năm là các bạn vừa bảo đảm ổn định cuộc sống của mình, và có thể đóng góp về cho gia đình nếu có điều kiện. Các bạn có trách nhiệm với gia đình cũng là một cách thể hiện trách nhiệm với đất nước. Cùng với đó, nếu ở vị trí của mình có cơ hội đóng góp gì cho đất nước thì nên cố gắng đóng góp.
"Gia đình - Tổ quốc gắn bó mật thiết với nhau. Mình không có quyền lựa chọn bố mẹ, quê hương mỗi người chỉ một”. Thủ tướng nói. Thủ tướng mong muốn, mỗi sinh viên là hình ảnh sống động tuyên truyền tốt nhất cho đất nước, con người Việt Nam.
HỒ QUANG PHƯƠNG (từ New York, Hoa Kỳ)