Sáng 7-7, Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã chính thức khai mạc tại thành phố Hăm-buốc. Thủ tướng Cộng hòa liên bang Đức Ăng-giê-la Méc-ken đã đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo quốc tế khác tới tham dự Hội nghị.

Với chủ đề “Định hình một thế giới kết nối”, Hội nghị Thượng đỉnh G20  đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng của kinh tế toàn cầu như tăng trưởng, thương mại, đầu tư, tài chính quốc tế, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, năng lượng, hỗ trợ châu Phi, di cư, y tế, việc làm, số hóa và phụ nữ...

leftcenterrightdel
 Các đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20.

Tại các phiên thảo luận trong ngày đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh G20, ngày 7-7, Hội nghị đánh giá phục hồi kinh tế thế giới đang tiến triển tích cực hơn, song tốc độ tăng trưởng vẫn chậm hơn kỳ vọng; khẳng định cam kết tăng cường hợp tác, sử dụng đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ, cải cách cơ cấu, chống chủ nghĩa bảo hộ nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng và bao trùm. Hội nghị kêu gọi tăng cường hợp tác triển khai Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững; cam kết lồng ghép việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 trong các hoạt động của G20; cam kết giảm khí thải thông qua tăng cường nghiên cứu, phát triển năng lượng sạch, sử dụng hiệu quả năng lượng… Hội nghị đã ghi nhận việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu; nhấn mạnh các nước thành viên khác trong G20 tiếp tục thực hiện các cam kết theo Thỏa thuận Pa-ri, trong đó có cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển giảm nhẹ tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu.   

Được mời phát biểu với tư cách là diễn giả chính tại Phiên thảo luận về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và năng lượng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của tăng cường hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đồng thời cũng chịu tác động tiêu cực của việc khai thác và sử dụng không bền vững nguồn tài nguyên nước sông Mê-Kông (Mekong).

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Đức Angela Merkel đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực hoàn thành sớm 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG-2030) của Liên hợp quốc, trong đó ưu tiên cho các vấn đề giảm nghèo, bất bình đẳng, giáo dục, năng lượng tái tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu; đã và đang lồng ghép các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển, thực hiện nghiêm túc việc cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào 2030 và có thể giảm tới 25% nếu nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của quốc tế... Với vai trò Chủ nhà APEC 2017, Việt Nam đã thúc đẩy những chủ đề ưu tiên trong Nghị sự APEC 2017 là phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu và sử dụng hiệu quả năng lượng; đang phối hợp với các thành viên APEC thúc đẩy trao đổi sâu rộng về phát triển bao trùm cả về kinh tế, xã hội và tài chính.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh G20 đã nhất trí cam kết nỗ lực bảo đảm việc quản lý, sử dụng hiệu quả và trách nhiệm tài nguyên nước; đề nghị G20 và cộng đồng quốc tế nâng cao trách nhiệm, ý thức tự cường, nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế và phối hợp hành động hiệu quả, tăng cường hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các nước đang phát triển trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm.

Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới có những biến chuyển sâu sắc. Đây là hội nghị quan trọng nhất của G20 trong năm 2017, thu hút sự tham dự của lãnh đạo cấp cao các nước thành viên G20, các nước khách mời gồm: Việt Nam, Xinh-ga-po (Singapore), Tây Ban Nha (Spain), Na-uy (Norway), Hà Lan (Netherlands), Ghi-nê (Ghine) (Chủ tịch Liên minh châu Phi), Xê-nê-gan (Senegal) (Chủ tịch Tổ chức Đối tác mới cho phát triển châu Phi – NEPAD), lãnh đạo các tổ chức quốc tế hàng đầu như Liên hợp quốc (UN), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Tổ chức Lao động thế giới (ILO), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2017 với tư cách là Chủ nhà APEC 2017. Đây là lần thứ ba Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20. Năm 2010, Việt Nam đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Canada và Hàn Quốc (Korea) trên cương vị Chủ tịch ASEAN. Năm 2017, Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận tại hầu hết các hội nghị quan trọng của G20, đóng góp nhiều ý kiến có trách nhiệm trong quá trình xây dựng Tuyên bố chung và các văn kiện của G20.

* Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức, sáng 7-7-2017, tại Hăm-buốc (Hamburg), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Thủ hiến kiêm Thị trưởng bang Hăm-buốc Ô-láp Sô-dơ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn sự chào đón nồng nhiệt, trọng thị của Ngài Thủ hiến và chính quyền bang Hăm-buốc dành cho Đoàn, đồng thời bày tỏ ấn tượng về cảnh quan tươi đẹp, quy hoạch đô thị văn minh, hiện đại của thành phố đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh G20.

Tại cuộc gặp, Thủ hiến Ô-láp Sô-dơ bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tích cực của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là thương mại-đầu tư, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của thành phố Hăm-buốc. Hăm-buốc là nơi có hệ thống cảng biển lớn thứ nhì châu Âu, thứ ba thế giới và là nơi trung chuyển của khoảng 145 triệu tấn hàng hóa của trên 100 quốc gia mỗi năm, là một cửa ngõ chủ chốt của luồng hàng hóa từ Việt Nam vào Đức và châu Âu. Vài năm trở lại đây, lượng công-ten-nơ đến và xuất phát từ Việt Nam tại cảng Hăm-buốc đã tăng gần 50%. Hăm-buốc có dân số khoảng 1,8 triệu người với diện tích 750km2 và GDP đạt 105 tỷ USD năm 2016 (bình quân đầu người đạt 60.000 USD). Hăm-buốc được coi là khu kinh tế lớn thứ hai của Đức với trên 200.000 doanh nghiệp và mỗi năm có khoảng 10.000 doanh nghiệp mới đăng ký, đây cũng là nơi đặt trụ sở của nhiều tập đoàn lớn của Đức như: Lufthansa, Siemens, Otto…

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng một số nhà lãnh đạo quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy hợp tác với Hăm-buốc trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ, dịch vụ hậu cần, vận tải - cảng biển; đề nghị Hăm-buốc tăng cường hợp tác với các thành phố cảng Việt Nam như: Đà Nẵng, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh... về quản lý, quy hoạch và phát triển để các cảng Việt Nam đạt trình độ và quy mô quốc tế; khuyến khích các doanh nghiệp của Hăm-buốc đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh của mình như: Đóng tàu, hóa dầu, hàng không – vũ trụ, điện tử, cơ khí chính xác, hóa chất, thiết bị quang học… qua đó giúp tăng kim ngạch thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Hăm-buốc.

Thủ hiến Ô-láp Sô-dơ cảm ơn những đánh giá tốt đẹp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với thành phố, hoan nghênh và nhất trí cùng với Việt Nam thúc đẩy triển khai các đề xuất về hợp tác trong tương lai; đánh giá cao cộng đồng người Việt tại Hăm-buốc với trên 1.000 người, trong đó nhiều người là chủ các doanh nghiệp thành đạt, các quán ăn, nhà hàng nổi tiếng tại Hăm-buốc. Với thiện cảm đặc biệt dành cho Việt Nam và đã từng thăm Việt Nam năm 2015, Thủ hiến Ô-láp Sô-dơ đánh giá cộng đồng người Việt tại đây hòa nhập tốt, đóng góp tích cực vào việc tăng cường tình hữu nghị và hợp tác thương mại - đầu tư giữa Hăm-buốc và Việt Nam.

Tin, ảnh: VĂN YÊN (từ Hăm-buốc, CHLB Đức)