 |
Thủ tướng An-giê-la Méc-ken và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng duyệt đội danh dự. Ảnh: TTXVN |
* Hội đàm với Thủ tướng A.Méc-ken
* Ký kết 3 văn kiện hợp tác
Trưa 6-3 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã đến sân bay quân sự Tegel, thủ đô Béc-lin, bắt đầu chuyến thăm chính thức CHLB Đức theo lời mời của Thủ tướng An-giê-la Méc-ken. Lễ đón chính thức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được tổ chức trọng thể tại Phủ Thủ tướng. Sau lễ đón, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội đàm chính thức với Thủ tướng A.Méc-ken.
Tại cuộc hội đàm, hai bên nhấn mạnh bốn nội dung quan trọng là tăng cường hiểu biết lẫn nhau thông qua quan hệ ở các cấp, nỗ lực thúc đẩy kinh tế, thương mại và đầu tư, thúc đẩy hợp tác đào tạo và dạy nghề, xây dựng đối tác hợp tác phát triển. Hai vị đứng đầu Chính phủ hoan nghênh tuyên bố về việc thành lập Trường đại học Việt-Đức ở Thành phố Hồ Chí Minh và cho rằng việc đó đem lại chất lượng mới cho sự hợp tác song phương trên lĩnh vực đào tạo. Thủ tướng A.Méc-ken mong muốn mở rộng trao đổi thương mại song phương, nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực giao thông, môi trường, năng lượng, viễn thông... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh hợp tác hai nước trong thời gian tới, nhất là những tiềm năng thế mạnh của hai nước trong việc thúc đẩy đầu tư, thương mại và giáo dục đào tạo. Thủ tướng A.Méc-ken khẳng định những trọng tâm chung đã được thỏa thuận giữa hai nước trong hợp tác về chính sách phát triển trên các lĩnh vực phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe. Nhất trí tiếp tục và tăng cường sự hợp tác trên những lĩnh vực này trong đàm phán Chính phủ về hợp tác phát triển vào tháng Tư năm nay tại Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mời Thủ tướng A.Méc-ken sang thăm chính thức Việt Nam trong thời gian tới đây, Thủ tướng An-giê-la Méc-ken vui vẻ nhận lời và sẽ thu xếp sang thăm Việt Nam trong dịp khởi công dự án tàu điện ngầm ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngay sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng A.Méc-ken đã chứng kiến lễ ký các văn kiện Hiệp định của Chính phủ về dự án tàu điện ngầm ở Thành phố Hồ Chí Minh, biên bản ghi nhớ về đào tạo quản lý kinh tế, thỏa thuận giữa Viện tín dụng tái thiết (KfW) và Ngân hàng phát triển Việt Nam trị giá 100 triệu USD và gặp gỡ ngắn với báo chí.
Trước đó, tham dự Diễn đàn đối thoại kinh tế Việt-Đức lần thứ bảy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: CHLB Đức là một trong những nhà đầu tư lớn ở Việt Nam với tổng số vốn gần 550 triệu USD và là đối tác thương mại lớn nhất châu Âu của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu so sánh với tiềm năng và truyền thống quan hệ tốt đẹp thì hợp tác kinh tế giữa hai nước vẫn còn điều kiện và cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa, chẳng hạn như: Việt Nam có nhu cầu phát triển và đầu tư lớn trong nhiều lĩnh vực mà các nhà đầu tư Đức có thế mạnh về công nghiệp và công nghiệp chế tác, công nghệ cao, cơ sở hạ tầng, viễn thông, điện lực, hàng không và một số lĩnh vực dịch vụ, nhất là giáo dục, đào tạo nghề có trình độ cao. Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Đức đẩy mạnh đầu tư và khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam.
* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len theo lời mời của Thủ tướng Gô-đơn Brao. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp Chủ tịch Hạ viện Anh Mai-cơn Mác-tin và Chủ tịch Thượng viện Hê-len Hây-men.
TTXVN