*Dấu ấn Việt Nam đậm nét trong sự thống nhất
QĐND - Sau gần hai ngày thảo luận, hoàn thiện và thông qua các báo cáo quan trọng của hoạt động APEC trong cả năm 2006 để trình lên các vị bộ trưởng và các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, trưa 13-11, Hội nghị các quan chức cấp cao APEC phiên cuối (CSOM) đã kết thúc tốt đẹp. Các quan chức cao cấp của 21 nền kinh tế APEC đã đề cập tới tất cả các lĩnh vực hợp tác: Kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh con người, chống khủng bố, phòng chống thiên tai - dịch bệnh, hợp tác văn hoá, du lịch, chống tham nhũng và cải cách APEC.
6 nội dung quan trọng của Năm APEC Việt Nam 2006 đã được các quan chức cấp cao APEC thống nhất: Khẳng định tiếp tục ủng hộ của APEC đối với hệ thống thương mại đa phương toàn cầu, coi việc ủng hộ WTO và Vòng đàm phán Đô-ha là ưu tiên số một của APEC; Thông qua dự thảo Chương trình hành động Hà Nội; Thông qua Gói cải cách APEC; Đệ trình lên các bộ trưởng và các nhà lãnh đạo kinh tế APEC xem xét thông qua các kết quả lớn của các hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành được tổ chức trong năm 2006 tại Việt Nam: Cúm gia cầm, tài chính, doanh nghiệp nhỏ và vừa, du lịch; Thông qua báo cáo của nhóm đặc trách chống khủng bố của APEC, bổ nhiệm đại sứ Pắc Xang Úp của Hàn Quốc làm chủ tịch Nhóm đặc trách APEC về chống khủng bố cho nhiệm kỳ 2 năm tới; Thông qua các báo cáo tổng kết cuối năm quan trọng của các Ủy ban APEC: Thương mại và đầu tư, Hợp tác kinh tế-kỹ thuật, Kinh tế, Quản trị và ngân sách.
Sau hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Công Phụng, Chủ tịch CSOM, cho biết: CSOM đã thông qua hầu hết các sáng kiến của Việt Nam, như Kế hoạch hành động Hà Nội, gói cải cách APEC và dự kiến tuyên bố riêng của các nhà lãnh đạo APEC về vòng đàm phán Đô-ha.
Ông Lê Công Phụng cho biết, Kế hoạch hành động Hà Nội là sáng kiến của Việt Nam và Việt Nam đã tích cực chủ trì xây dựng. Vai trò này của Việt Nam được các thành viên APEC đánh giá cao do ý nghĩa đặc biệt quan trọng của kế hoạch này đối với tương lại của APEC. Đây là kế hoạch chi tiết cho từng lĩnh vực gắn với thời hạn triển khai cụ thể cho lộ trình Bu-xan (2005) nhằm tiến tới mục tiêu Bô-go (1994) là xây dựng khu vực thương mại và đầu tư tự do từ năm 2010 đến 2020. Các thành viên APEC đánh giá cao chất lượng của Kế hoạch hành động Hà Nội bởi nó chỉ ra hướng hoạt động hợp tác kinh tế trong 15 năm tới và hoàn thiện cơ chế hợp tác trong APEC.
CSOM thống nhất rằng, các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC sẽ ra tuyên bố kêu gọi sớm nối lại vòng đàm phán về Nghị trình Phát triển Đô-ha của WTO tại Hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày 18 và 19-11 tới. Theo ông, Lê Công Phụng tuyên bố này "sẽ thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC trong việc thúc đẩy vòng đàm phán Đô-ha". Các nền kinh tế thành viên APEC coi đây là một đóng góp quốc tế quan trọng ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Với việc phối hợp với các nền kinh tế thành viên APEC khác nhằm nối lại các cuộc thương lượng của vòng đàm phán Đô-ha, Việt Nam đã hoàn thành công việc một cách rất tốt đẹp cho dù chỉ cách đây ít ngày Việt Nam vẫn chưa phải là thành viên của WTO. Đó là ý kiến của ông R. Hôn-bo-râu, Trưởng đoàn Niu Di-lân tham dự CSOM. Thống nhất đưa ra tuyên bố trên, APEC hy vọng sẽ tạo thêm động lực để khởi động lại vòng đàm phán Đô-ha vốn bị đổ vỡ cách đây ít tháng.
CSOM đã thông qua Gói cải cách APEC với quyết sách nhằm giúp APEC năng động hơn, hiệu quả hơn trong một thế giới mới. Trong 3 hội nghị các quan chức cấp cao (SOM) trước đó, Việt Nam đã đưa ra 3 hướng cải cách APEC: Tăng cường hiệu quả hoạt động, liên kết hoạt động và năng động hoạt động của APEC. Trong gói cải cách APEC lần này, CSOM đã thống nhất 5 hướng chính: Tăng cường nguồn lực và củng cố hoạt động của Ban Thư ký APEC quốc tế; đổi mới phương thức hoạt động của cơ chế SOM; nâng cao hiệu quả và tính liên kết hoạt động trong APEC; xây dựng chương trình nghị sự mang tính trọng tâm; tăng cường sự phối hợp giữa tiến trình SOM với tiến trình Bộ trưởng Tài chính, Hội đồng tư vấn doanh nhân ABAC, thúc đẩy hợp tác giữa APEC và các bên hưởng lợi như ASEAN, các tổ chức quốc tế và giới nghiên cứu trong khu vực.
Chủ tịch CSOM cho biết, các thành viên APEC đánh giá rất cao sự khéo léo và linh hoạt của Việt Nam trong điều hành thảo luận và đưa ra được những điểm thống nhất trong một lĩnh vực rất nhạy cảm và rất khó đạt được đồng thuận.
Tại cuộc họp báo, ông Lê Công Phụng còn cho biết, sắp tới các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần đầu tiên sẽ bàn thảo về việc thành lập Khu vực Mậu dịch tự do APEC (FTAs). Các cuộc đàm phán về khu vực mậu dịch tự do nhỏ trong khu vực và trên thế giới cho thấy nhiều cơ sở để có thể xây dựng một Khu vực Mậu dịch Tự do châu Á – Thái Bình Dương trong tương lai.
CSOM đã khép lại 2 ngày đầu tiên thành công và an toàn của Tuần lễ cấp cao APEC. Tối 13-11, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã mở tiệc chiêu đãi các đại biểu tham dự CSOM.
Theo kế hoạch, chiều 14-11, sẽ khai mạc Hội nghị Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC).
KIM TÔN (ảnh TTXVN)